Kiếm được tiền, học thêm nhiều kỹ năng
Học năm thứ 3 Đại học Quốc gia Hà Nội, Lê Thanh Hiền bắt đầu đi làm thêm. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đồng bằng Bắc bộ gắn với nghề nông nghiệp, Hiền sớm từng trải sự khó nhọc của người nông dân. Gia đình khó khăn nên cô gái sinh năm 2001 luôn nỗ lực vượt lên trong cuộc sống. Hè này, Hiền đi xin việc làm thêm, nay cô đã có được một công việc ổn định trong thời gian không phải học tập trên giảng đường của mình.
Cô sinh viên cho biết: “Mình làm tại một quán ăn ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Làm nhân viên chạy bàn nên cũng khá vất vả, nhất là khi đông khách. Buổi tối, có khi mình làm đến 11 giờ đêm mới nghỉ. Hàng ngày chạy tới lui để khách gọi món, thêm đá, thêm bát đũa, giấy lau... Dù phục vụ khách hàng khá mệt nhưng mình không nản lòng”.
Trước đây, Hiền vốn rụt rè, đôi lúc sợ đám đông. Suốt 12 năm học ở quê, cô gái ít nói, ngại giao lưu với mọi người. Tuy nhiên, lên đại học, đi làm thêm, cô sinh viên đã thay đổi hẳn. Công việc buộc cô phải biết cách giao tiếp niềm nở, thân thiện, tác phong nhanh nhẹn hơn.
Hai mùa hè liên tiếp, Trần Ngọc Ánh (sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội) không về quê mà ở lại Thủ đô làm thêm kiếm tiền. Đầu tháng 6/2022, cô sinh viên được nhận vào làm lễ tân cho một khách sạn tại quận Hai Bà Trưng.
Làm ngành dịch vụ khách sạn – du lịch, đúng với chuyên ngành học tại trường, cô gái trẻ như được thực hành luôn sau những bài học trên lớp. Làm lễ tân khách sạn, ngoài việc trau chuốt cho ngoại hình xinh xắn, ưa nhìn hơn, Ánh còn phải học cách giao tiếp tự nhiên với khách hàng. Đặc biệt là trau dồi vốn ngoại ngữ, tiếng Anh để trò chuyện được nhiều hơn với người nước ngoài.
Cô gái bày tỏ: “Mình vừa làm thêm, vừa học thêm tiếng Anh. Cũng hay vì đi làm tương tác trực tiếp với nhiều người sử dụng tiếng Anh, mình đã nói tốt hơn”.
Ngoài thu nhập ổn hàng tháng, nghề lễ tân khách sạn còn giúp Ánh có cơ hội tiếp nhận nhiều vốn kiến thức, đặc thù văn hoá khi hàng ngày quan sát, tiếp xúc, trò chuyện với nhiều người đến từ những địa phương, quốc gia khác nhau.
“Mùa hè năm nay dù rất nhớ nhà nhưng mình vẫn quyết định ở lại Hà Nội và làm thêm để không chỉ kiếm tiền mà còn tự tạo ra cơ hội cho bản thân học nhiều kỹ năng cần thiết cùng vốn kiến thức thực tiễn phong phú”, Ánh nói.
Hiểu sâu sắc hơn giá trị của lao động
Nhiều bạn trẻ cho biết, công việc thời vụ trong mùa hè và việc làm thêm ngoài giờ học tại Hà Nội không khó tìm kiếm, với mức thu nhập dao động khoảng 3-6 triệu đồng/tháng tuỳ thời gian, tính chất công việc. Nhiều người thuê trả tiền công theo giờ. Cách làm như vậy đang là xu thế mới đối với giới trẻ. Việc làm thời vụ, theo giờ tạo cơ hội cho các bạn trẻ có nhiều lựa chọn hơn trong tìm kiếm công việc và gia tăng mức thu nhập, giúp họ tích lũy kinh nghiệm nhanh hơn, làm “dày” bảng mô tả kinh nghiệm của bản thân sau này.
Công việc phục vụ nhà hàng ăn, quán cà phê được nhiều bạn trẻ lựa chọn để làm thêm (Ảnh minh hoạ)
Có rất nhiều việc để người trẻ làm thêm, thời vụ, đặc biệt là từ nhu cầu tuyển dụng của các quán ăn nhanh, nhà hàng, cà phê, shop thời trang, giúp việc, hay làm online. Bởi vậy, không chỉ dịp hè, Nguyễn Thanh Hà (trường Đại học Hà Nội) còn làm thêm cả trong năm học.
Hiện nay, Hà làm phục vụ tại một quán cà phê. Trước đó, cô cũng làm nhiều nơi, chủ yếu là ở nhà hàng. Thanh Hà cho biết: “Khi phục vụ tại nhà hàng, quán cà phê, mình được làm việc trực tiếp với ông, bà chủ, giao tiếp với đồng nghiệp, phục vụ khách hàng và phải chịu áp lực từ những công việc thực sự… Những điều đó giúp mình bổ sung được nhiều kỹ năng như giao tiếp, ứng xử, thuyết phục khách hàng, quản lý tài chính… Vất vả mới kiếm được đồng tiền nên mình thêm quý trọng nó”.
Thanh Hà chia sẻ thêm, khi trải qua một thời gian làm thêm, hầu hết các bạn trẻ đều cảm thấy cởi mở, học hỏi được nhiều từ thực tế, người thật việc thật và hơn hết là cảm nhận sâu sắc về giá trị của lao động.