Gia Cát Lượng - Khổng Minh là nhân vật lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc, là người nắm giữ nhiều trọng trách quan trọng thời Thục Hán - Tam Quốc. Gia Cát Lượng thường được mô tả là một vị thừa tướng tài đức song toàn với tài năng "xuất quỷ nhập thần", đoán mưu lập kế như thần, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, là biểu tượng của lòng trung nghĩa và trí tuệ anh minh. Đối với nhiều người, Gia Cát Lượng là một quân sư kiệt xuất, khiến nhiều kẻ thù phải lo sợ.
Gia Cát Lượng thường được mô tả là một vị thừa tướng tài đức song toàn với tài năng "xuất quỷ nhập thần", đoán mưu lập kế như thần. (Ảnh: Sohu)
Thế nhưng, trang Sohu, Sina của Trung Quốc đã thống kê, trong suốt cuộc đời của Gia Cát Lượng vẫn có những nhân vật khiến ông e ngại. Đó là những người nào?
3 nhân vật khiến Gia Cát Lượng phải kiêng dè
Quan Vũ
Quan Vũ (158 – 220) hay còn gọi là Quan Công, tự Vân Trường, là một vị tướng nổi tiếng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán và cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà Thục Hán bị suy yếu.
Quan Vũ là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi, và là người đứng đầu trong số Ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán. Ông cũng là một vị tướng có tài năng, võ nghệ dũng mãnh, được người đương thời nhận xét là "sức địch vạn người, hổ thần một thời, có phong độ quốc sĩ" "có tài và có nghề". Về tính cách, ông có nhược điểm là kiêu ngạo, hay quát mắng người khác và cư xử có những lúc nông nổi.
Những tính cách không tốt này thể hiện rõ nhất là khi Lưu Bị chiêu mộ được Gia Cát Lượng và đối xử rất tốt với vị này. Gia Cát Lượng còn rất nổi tiếng lúc bấy giờ, còn được mệnh danh là Ngọa Long. Những yếu tố này đã khiến Quan Vũ vốn là người luôn tự hào về bản thân nảy sinh sự ghét bỏ với Gia Cát Lượng.
Mối quan hệ giữa Quan Vũ và Gia Cát Lượng không hề tốt. (Ảnh: Sohu)
Về phía Gia Cát Lượng, ông luôn lo lắng Quan Vũ làm hỏng đại sự. Ban đầu khi Lưu Bị mới tiến quân vào Ích Châu, có để lại Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng, Mã Lương, Triệu Vân trấn thủ Kinh Châu, trên danh nghĩa Quan Vũ là người nắm quyền ở Kinh Châu. Sau đó, chiến sự ở tiền tuyến bất lợi, Lưu Bị lại điều động Trương Phi rời Kinh Châu, Gia Cát Lượng và Triệu Vân vào Ích Châu trợ chiến, việc ở Kinh Châu sẽ do Quan Vũ và Mã Lương toàn quyền phụ trách.
Vì Gia Cát Lượng rất tâm huyết với Kinh Châu, Lưu Bị cũng nhận định nơi này là "mạch máu" của Thục Hán nên ông không yên tâm với Quan Vũ nên muốn cử thêm người giúp đỡ. Tuy nhiên, do sự chủ quan của Quan Vũ, cộng với việc mối quan hệ giữa 2 người không tốt nên Gia Cát Lượng đã phải quay sang nhờ vả Mã Lương. Tuy nhiên, sau đó, việc Gia Cát Lượng lo lắng vẫn xảy ra, Quan Vũ chết khiến Kinh Châu mất.
Lưu Bị
Trong mắt của hậu thế, khi Gia Cát Lượng đồng ý về bên Lưu Bị làm quân sư, hai người thân thiết và gắn bó như cá với nước. Lưu Bị và Gia Cát Lượng trở thành hình mẫu chuẩn trong quan hệ quân – thần.
Mối quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng không hề quá thân thiết. (Ảnh: Sohu)
Tuy nhiên, theo Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc CRI, sau khi Lưu Bị tam cố thảo lư đến khi gửi con ở Thành Bạch Đế, quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng không hề thân thiết. Đầu năm 223, Lưu Bị cảm thấy bệnh tình càng trầm trọng, bèn sai người đến Thành Đô triệu tập thừa tướng Gia Cát Lượng đến gấp cung Vĩnh An. Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng rằng: "Tài thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất yên định được nhà nước, làm nên việc lớn. Đối với con trẫm, nếu có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài, hãy tự thay đi!"
Gia Cát Lượng nghe được lời này thì sợ hãi, quỳ sụp xuống khóc và một mực từ chối, thề sẽ trung thành tận tâm với Lưu Thiện đến cùng. Từ việc này, ta có thể thấy Gia Cát Lượng luôn e ngại và có phần cẩn trọng trong hành động và lời nói với chúa công của mình.
Tào Chân
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả Tào Chân có nhiều phần khác với thực tế lịch sử. Tào Chân trong tiểu thuyết, thường bị những kế sách xuất thần của Gia Cát Lượng làm khó, từ đó quân Ngụy bị đẩy vào thế hạ phong. Thậm chí, ông chết uất ức vì lá thư của Khổng Minh gửi tới nhục mạ. Tuy nhiên trong lịch sử, Tào Chân thực tế là một võ tướng tài năng xuất chúng, ông là người khiến Gia Cát Lượng vô cùng e ngại khi đối đầu.
Tào Chân thực tế là một võ tướng tài năng xuất chúng, ông là người khiến Gia Cát Lượng vô cùng e ngại khi đối đầu. (Ảnh: Sohu)
Gia Cát Lượng sáu lần Bắc phạt, nhưng lần nào cũng đều thất bại, trong đó có 2 lần là bại dưới tay Tào Chân. Năm 228, Gia Cát Lượng Bắc phạt lần đầu, tại Ky Cốc, Tào Chân dễ dàng đánh bại Triệu Vân và Đặng Chi, những người đã được giao nhiệm vụ dẫn quân già yếu làm nghi binh để đánh lạc hướng quân Ngụy. (Quân chủ lực của Thục do Gia Cát Lượng chỉ huy thì tập trung tấn công Kỳ Sơn). Trong khi đó, một tướng Ngụy khác là Trương Cáp đem quân tấn công và đánh bại Mã Tắc trong Trận Nhai Đình. Vào khoảng thời gian đó, Dương Điều ở quận An Định tập hợp được một số người, đã bắt một số quan địa phương làm con tin và chiếm được phủ thu thuế. Khi Tào Chân đem quân tái chiếm quận An Định, Dương Điều tự trói mình rồi ra hàng. Gia Cát Lượng và quân Thục lui quân sau khi biết tin Mã Tắc đã bại trận. Quân Ngụy dưới sự chỉ huy của Tào Chân và Trương Cáp đã tận dụng cơ hội này để dập tắt các cuộc nổi loạn ở ba quận và lập lại trật tự.
Sau đó, Tào Chân nhận thấy Gia Cát Lượng sẽ tấn công Trần Thương, lệnh tướng Hác Chiêu và Vương Sanh trấn thủ. Quả nhiên lần thứ hai Gia Cát Lượng xuất binh đã đánh Trần Thương. Hác Chiêu và quân phòng thủ của nước Ngụy đã chuẩn bị kỹ càng từ trước, họ đã giữ vững được thành Trần Thương trước cuộc tiến công của quân Thục. Gia Cát Lượng ra lệnh rút lui sau khi không phá được thành Trần Thương. Sau trận này, Tào Chân được tấn phong Đại tư mã, quyền uy tối thượng.
*Nguồn: Sohu, Sina