Mới mấy ngày trước, một đoạn video quay cảnh gia đình bỗng chốc “nổi tiếng” trên mạng xã hội Trung Quốc.
Cô gái bị "mắng hội đồng" vì vô ý làm hỏng bánh kem sinh nhật
Một bé gái ở Quảng Tây được gia đình tổ chức bữa tiệc sinh nhật linh đình.
Đến lúc cắt bánh, một người phụ nữ mặc yếm jean xanh lấy hộp bánh kem ra. Không biết vì sao, cô không đặt bánh trên bàn mà lại để trực tiếp lên ghế nhựa bên cạnh.
Không ngờ rằng một giây sau, người cô vốn đang quay lưng chụp hình thì đột nhiên ngồi xuống ghế, đè bẹp bánh kem.
Người vây xung quanh đều hốt hoảng vì bánh kem sinh nhật của cháu gái bị bẹp dí không thương tiếc. Người cô đến đây mới ý thức được chuyện gì đang xảy ra, nhanh chóng đứng dậy, nhưng váy đã dính đầy kem.
Cháu gái thấy vậy bật khóc lớn. Người cô vội vàng ôm cháu dỗ dành, nhưng bé khóc càng lúc càng lớn hơn, tức giận đá đổ đồ đạc, cố sức đẩy cô ra.
Thế là cả nhà vây lại mắng người cô té tát, biểu cảm hung dữ như thể cô đã phạm tội tày đình.
Bữa tiệc sinh nhật tưng bừng, thế mà chỉ vì một sự cố nhỏ lại trở nên ồn ào, mất vui.
Đứng ở góc độ của người cô, chắc chắn ai cũng sẽ cảm thấy ngạt thở, bí bách:
Vốn dĩ đang yên đang lành, thời điểm đó cô quay lưng lại, không hề biết có người đặt bánh kem lên ghế, cũng không ai nhắc nhở.
Sau khi sự cố xảy ra, cô đã không quan tâm đến chiếc váy dính đầy kem, mà lập tức ngồi xuống thành thật xin lỗi cháu gái.
Cô cũng không phải cố ý, dù gì cũng chỉ là chiếc bánh kem, nếu kiên nhẫn chờ để mua thêm một cái thì mọi chuyện có lẽ đã êm xuôi.
Kết quả là cô phải hứng chịu buổi phán xét hội đồng của cả gia đình. Họ không ngừng chỉ trích cô, chỉ biết quan tâm đến cảm xúc của bé gái mà không hề quan tâm đến cảm nhận của cô.
Trong phần bình luận, nhiều người lên tiếng bất bình thay cô gái:
“Đúng là gia đình không ra gì, ngay cả một chút cảm thông và yêu thương cũng không có. Vì sao lại đặt bánh kem trên ghế ngồi, mà cũng không nhắc nhở một tiếng? Cô gái tội nghiệp bị cả nhà vây lại mắng chửi, nhưng chẳng thể đáp lại câu nào. Cảnh này khiến tôi nổi điên”.
“Nhìn biểu cảm của cả gia đình, như thể cô gái phạm tội giết người vậy”.
Những ai xem đoạn clip cũng biết giữa phòng có chiếc bàn to, nhưng lại không dùng để đặt bánh kem. Một căn phòng đông đúc người như thế, việc xảy ra sự cố cũng là chuyện thường tình.
Một sự cố nhỏ nhoi đã bóc trần căn bệnh trong nhiều gia đình Trung Quốc khiến người ta bí bách đến ngạt thở.
Thành viên trong gia đình công kích, cãi vã, dồn ép lẫn nhau. Cũng giống như trận sấm sét bất ngờ, bạn chẳng thể biết được nó “trút giận” lên đầu ai, xảy ra ở thời gian và địa điểm nào.
Gia đình tốt nuôi dưỡng những thế hệ ưu tú
Một blogger tên @Chiếc vớ trắng hình mèo đen từng kể lại chuyện mà cô tận mắt chứng kiến trên máy bay.
Một đại gia đình đi du lịch, nhưng xảy ra vấn đề trong giấy tờ của con trai nhỏ. Người mẹ cùng con trai về nhà, những người khác tiếp tục lên máy bay đi chơi vì đã kế hoạch từ trước.
Thế nhưng hành lý ký gửi đứng tên của người mẹ, nên đã bị trả lại. Theo đó, người lên máy bay chỉ mang theo chứng minh nhân dân, ngoài ra không có bất kỳ hành trang nào.
Nhiều người vây xem bắt đầu bất mãn, đặc biệt là kiểu gia đình thích chỉ trích lẫn nhau. Họ đã lớn tiếng lời ra tiếng vào: “Tại sao không kiểm tra kỹ càng trước”, “Đều là lỗi của cô ta”...
Thế nhưng gia đình đã lên máy bay kia lại không hề tức giận, chỉ gọi điện thoại nhờ người mẹ có con nhỏ chuyển phát hành lý. Đương sự suốt quá trình vô cùng bình tĩnh, thậm chí còn an ủi lẫn nhau. Thế thì người ngoài vì sao lại tức giận thay họ?
Sự cố này hầu như không ảnh hưởng đến chuyến đi chơi của gia đình. Họ còn cùng nhau tính toán xem có nên mua thêm một ít đồ dùng sinh hoạt hay không.
Blogger cảm thán: “Thì ra trên thế giới này còn có quan hệ gia đình khăng khít, biết thấu hiểu lẫn nhau như vậy”.
Kiểu gia đình và những con người không biết kiểm soát cảm xúc, một chuyện nhỏ cũng trở thành to tát, dùng những lời lẽ và hành động không hay để công kích lẫn nhau.
Càng nguy hiểm hơn là dưới sự ảnh hưởng của gia đình, con cái rất dễ bị tổn thương và học tập theo. Từ đó tư duy này cứ tiếp diễn từ đời này sang đời khác.
Trong cuốn sách “Toxic parents” của nhà tâm lý người Mỹ, Susan Forward, có một câu thế này:
“Nếu bạn tự ti, u uất, không tìm thấy giá trị của bản thân hoặc tức giận, dễ dàng nổi nóng, không thể tiếp xúc hòa hảo với người khác, có lẽ bạn nên nhìn nhận lại bố mẹ của mình”.
Trong tâm lý học có một hiện tượng nổi tiếng gọi là “Hiệu ứng Kimchi”. Có nghĩa là cùng một loại rau, nhưng nếu được ủ trong chất nước khác nhau thì lại có mùi vị khác nhau.
Con người trong hoàn cảnh khác nhau, sẽ thể hiện loại tính cách, tố chất, tư duy cũng khác nhau.
Không khí gia đình hòa hảo như loại thổ nhưỡng đủ đầy dưỡng chất và nhiệt độ, nuôi dưỡng những thành viên trong gia đình một cách đức độ. Nhưng không khí gia đình không tốt cũng giống như bình thuốc độc, từng chút đầu độc sinh mệnh của mọi người, để lại những vết sẹo khó phai.
Nguồn: Zhihu