Giải mã bí ẩn khoa học sau cột mốc lịch sử "chạm đến Mặt trời"

Tàu Parker Solar Probe lập kỷ lục tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách gần nhất lịch sử, mở ra cơ hội giải mã bí ẩn về gió Mặt trời và các cơn bão từ ảnh hưởng đến Trái Đất.

Ngày 16/12/2024, NASA thông báo tàu Parker Solar Probe đã thực hiện thành công lần tiếp cận gần nhất với Mặt trời trong lịch sử nhân loại, chỉ cách bề mặt ngôi sao lùn này 6,1 triệu km. Với tốc độ kinh ngạc 692.000 km/h, tàu thăm dò Parker trở thành vật thể nhân tạo nhanh nhất từng được chế tạo.

Sứ mệnh này là một cột mốc quan trọng trong quá trình khám phá Mặt trời. Tàu Parker được thiết kế để đến gần Mặt trời bằng cách đi xuyên qua tầng vành nhật hoa lớp khí quyển ngoài cùng nhằm thu thập dữ liệu về từ trường và các hạt năng lượng.

Tàu Parker được trang bị lá chắn nhiệt carbon dày 11,4 cm, có khả năng chịu được nhiệt độ gần 1.400 độ C. Trong lần bay qua gần đây nhất vào đêm Giáng sinh, nhiệt độ tại lá chắn ước tính đạt 980 độ C, nhưng hệ thống bên trong vẫn duy trì ở mức ổn định để đảm bảo các thiết bị hoạt động bình thường.

Một hệ thống làm mát bằng nước tiên tiến được thiết kế để bảo vệ các tấm pin năng lượng Mặt trời khỏi sức nóng cực độ, giúp tàu tiếp tục thu thập dữ liệu trong điều kiện khắc nghiệt của không gian gần Mặt trời.

Giải mã bí ẩn khoa học sau cột mốc lịch sử

(Ảnh: NASA)

Những bí ẩn khoa học sắp được giải mã

Sứ mệnh của tàu Parker không chỉ là "chạm vào Mặt trời" mà còn giúp giải quyết các câu hỏi đã tồn tại hàng thập kỷ: Vì sao vành nhật hoa lại nóng hơn bề mặt Mặt trời hàng triệu độ C?; Cơ chế tạo ra gió mặt trời là gì?; Làm thế nào để dự đoán và kiểm soát những cơn bão từ, hiện tượng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trái Đất?

Những dữ liệu mà Parker thu thập được không chỉ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về Mặt trời mà còn cung cấp cơ sở để bảo vệ hệ thống vệ tinh và hạ tầng viễn thông trên Trái Đất khỏi tác động của các cơn bão từ.

Sứ mệnh của Parker diễn ra trong bối cảnh Mặt trời đang bước vào chu kỳ hoạt động mạnh mẽ nhất trong vòng 11 năm, được gọi là cực đại Mặt trời. Điều này mang lại cơ hội quan sát những hiện tượng bùng nổ năng lượng lớn, bao gồm các vụ phun trào và từ trường cực mạnh.

Giải mã bí ẩn khoa học sau cột mốc lịch sử

Tàu thăm dò Parker đã tiếp cận Mặt Trời ở khoảng cách 6,1 triệu km, là chuyến bay ngang qua ngôi sao lùn này gần nhất từ trước đến nay của một tàu vũ trụ. (Ảnh: NASA)

Trong năm nay, những cơn bão từ lớn đã gây ra hiện tượng cực quang rực rỡ trên Trái Đất, thậm chí xuất hiện ở những khu vực gần xích đạo - điều hiếm thấy trong hàng trăm năm. Các nhà khoa học hy vọng tàu Parker sẽ ghi nhận thêm dữ liệu để hiểu rõ hơn về những hiện tượng này và tìm cách dự đoán chúng.

"Chúng tôi mong chờ Mặt trời thể hiện những gì mạnh mẽ nhất", Nour Rawafi - nhà khoa học phụ trách dự án chia sẻ. Với những tiến bộ công nghệ vượt bậc, Parker Solar Probe được kỳ vọng sẽ tiếp tục chịu được những điều kiện khắc nghiệt nhất và mang về những dữ liệu đột phá, góp phần định hình tương lai của ngành thiên văn học.

Hành trình của Parker Solar Probe là minh chứng rõ ràng nhất cho sự kiên trì và khả năng sáng tạo không giới hạn của con người trong việc khám phá các bí ẩn vũ trụ. Tàu thăm dò không chỉ chạm vào khí quyển Mặt trời mà còn chạm đến khát vọng khám phá, vượt qua giới hạn của nhân loại.

Khái niệm "chạm đến Mặt trời" có từ thần thoại Hy Lạp cổ đại với nhân vật Icarus, và đến nay các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã biến ý tưởng này thành hiện thực thông qua một tàu vũ trụ đặc biệt.

Parker Solar Probe được phóng vào ngày 12/8/2018. Ngày 24/12/2024, tàu Parker Solar Probe tiến gần và chỉ cách Mặt trời khoảng 6,1 triệu km, đánh dấu kỷ lục mới của nhân loại. Phi thuyền, chỉ bằng kích thước một ô tô cỡ nhỏ, giờ đây trở thành vật thể nhân tạo "chạm đến" gần Mặt trời nhất.