Giải mã hiện tượng lạ: Gen Z mới đi làm vài năm đã nô nức nghỉ hưu

Đây được cho là một trào lưu mới giúp giới trẻ tạm gác công việc để phục hồi năng lượng và tìm lại sự cân bằng.

Nếu bạn mới đi làm được vài năm mà đã cảm thấy muốn nghỉ hưu, xu hướng mới mang tên microretirement (nghỉ hưu ngắn hạn) có thể chính là câu trả lời dành cho bạn.

Xu hướng này, được thế hệ Gen Z và Millennials nhiệt tình đón nhận, không dành cho những người đang ở tuổi nghỉ hưu, mà cho những ai không muốn cuộc sống của mình chỉ xoay quanh công việc trong hàng chục năm tới.

Sau những năm tháng học tập, thử sức với các sở thích và bắt đầu công việc đầu đời, nhiều người trẻ cảm thấy khó chấp nhận rằng cuộc sống sẽ chỉ mãi là một vòng lặp của công việc. Và bây giờ họ đang tìm cách thay đổi điều đó.

Nghỉ hưu ngắn hạn là gì?

Gần đây, thuật ngữ này bắt đầu xuất hiện nhiều trên TikTok, nơi các bạn trẻ chia sẻ cách họ dành ra những khoảng thời gian ngắn để "nghỉ hưu" trước khi bước vào tuổi nghỉ hưu chính thức.

Giải mã hiện tượng lạ: Gen Z mới đi làm vài năm đã nô nức nghỉ hưu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nói một cách dễ hiểu, đây là việc tạm dừng công việc trong một hoặc nhiều khoảng thời gian để tận hưởng cuộc sống và khám phá thế giới khi còn trẻ, thay vì chờ đến tuổi 50 hay 60 mới bắt đầu. Xu hướng này tương tự như kỳ nghỉ phép dài hạn và đôi khi được ví như một “gap year” dành cho người trưởng thành.

Ai đang tham gia xu hướng “nghỉ hưu ngắn hạn”?

TikToker và nhà sáng tạo nội dung Anaïs Felt là một trong những người đã trải nghiệm xu hướng “nghỉ hưu ngắn hạn”. Ở tuổi 31, cô nhận ra mình đang trong giai đoạn “nghỉ hưu ngắn hạn” sau khi quyết định tạm ngừng công việc tại một công ty công nghệ để tập trung chăm sóc bản thân.

"Cách đây khoảng 6 tháng, tôi đã quyết định nghỉ việc... và giờ đây tôi vừa bắt đầu tham gia các buổi phỏng vấn để tìm công việc mới” , cô chia sẻ. Anaïs Felt cũng cho biết rằng các nhà tuyển dụng cô tiếp xúc không hề bận tâm đến khoảng thời gian cô tạm rời xa công việc.

Giải mã hiện tượng lạ: Gen Z mới đi làm vài năm đã nô nức nghỉ hưu- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Morgan Sanner, 27 tuổi, cũng là một người đã thử nghiệm xu hướng này. Chia sẻ với The Cut, cô nói: “Tôi nghĩ Gen Z không mấy hứng thú với những mô hình công việc truyền thống. Ví dụ, chúng tôi thường chọn làm việc tự do hoặc nhận dự án ngắn hạn nhiều hơn so với các thế hệ trước. Tôi mong rằng khi Gen Z trở thành lực lượng chủ chốt trong lao động, những kỳ nghỉ ngắn hạn như thế này sẽ trở nên phổ biến và dễ thực hiện hơn”.

Khi nói về quãng thời gian nghỉ việc của mình, Anaïs chia sẻ rằng cô cảm thấy tuyệt vời hơn bao giờ hết.

"Tôi chưa từng cảm thấy khỏe khoắn và thư thái như lúc này. Thật sự là một trải nghiệm đáng giá, tôi khuyến nghị mọi người nên thử” , cô nói. Anaïs cũng bày tỏ sự lạc quan rằng những người quản lý thuộc thế hệ Millennials ngày càng thấu hiểu và tôn trọng nhu cầu nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng của nhân viên trẻ.

Làm sao để bắt đầu "nghỉ hưu ngắn hạn"?

Mặc ý tưởng tạm nghỉ việc nghe có vẻ hấp dẫn, việc thực hiện không hề dễ dàng nhất là khi bạn vẫn cần trang trải chi phí sinh hoạt và duy trì cuộc sống ổn định.

Những người trải nghiệm xu hướng “nghỉ hưu ngắn hạn” đều nhấn mạnh rằng việc lên kế hoạch kỹ lưỡng là điều cần thiết. Anaïs chia sẻ rằng cô đã chuẩn bị cho quãng thời gian tạm nghỉ việc bằng cách trả phần lớn khoản vay sinh viên và tích lũy một khoản tiết kiệm đáng kể.

Cô cũng nhấn mạnh rằng: "Tôi không có con, xuất thân từ một gia đình thu nhập thấp và là người đầu tiên trong gia đình học đại học. Với một chiến lược phù hợp, cùng sự kiên trì và nỗ lực, việc này hoàn toàn có thể thực hiện được”.

Giải mã hiện tượng lạ: Gen Z mới đi làm vài năm đã nô nức nghỉ hưu- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tương tự, Sanner dự định chi trả cho thời gian nghỉ ngơi bằng cách tiết kiệm đủ chi phí sinh hoạt trong một năm và tạo thêm một quỹ dự phòng cho kỳ nghỉ. Trong thời gian du lịch, cô cũng có kế hoạch làm việc tự do để tăng thêm thu nhập.

Cara Nicole, 28 tuổi, người đang lên kế hoạch tạm dừng sự nghiệp trong tương lai gần, chia sẻ với The Cut: "Hãy tính toán cẩn thận. Nếu bạn có thể dành ra vài tháng nghỉ ngơi sau mỗi hai đến ba năm mà không cần sử dụng đến quỹ tiết kiệm dài hạn, thì đó chắc chắn là điều đáng để cân nhắc”.

Nguồn: Unilad