Hãy tưởng tưởng khi mà tuổi nghĩ hưu thật sự nam tăng đến 62 tuổi, nữ đến 60 tuổi thì chỉ trong vòng 10 năm tới khi bước chân vào trường học sẽ như thế nào?
Sau khi thông tin về phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động được ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra ngày 6/8 tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội là sắp tới đây khi trình Quốc hội chỉ còn duy nhất một phương án lộ trình tăng tuổi hưu theo phương án 1 trước đây là kể từ ngày 01/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi vào năm 2028.
Trong lĩnh vực giáo dục, trước đây rất nhiều người lo ngại, đề xuất lực lượng giáo viên phải được xem là nghề nặng nhọc, vả lại đây là lĩnh vực đặc thù là đào tạo con người, nên lực lượng giáo viên phải được ưu tiên nghỉ hưu sớm, nếu không giảm được thì xin đừng tăng.
Lực lượng giáo viên phải được ưu tiên nghỉ hưu sớm, nếu không giảm được thì xin đừng tăng.(Ảnh minh họa: TTXVN).
Việc tăng tuổi nghỉ hưu giáo viên sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy khó lường trong công cuộc giảng dạy và đổi mới sắp tới.
Nhưng, theo ông Doãn Mậu Diệp thì trong lĩnh vực giáo dục chỉ duy nhất là giáo viên mầm non được xem như công việc có tính chất đặc thù sẽ được quy định theo hướng: khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp, trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm.
Thông tin trên khiến rất nhiều giáo viên lo lắng, bất an, bức xúc,…vì những ý kiến đóng góp của đông đảo giáo viên và nhiều chuyên gia chưa được quan tâm, ghi nhận.
Như đề xuất trên kể cả giáo viên mầm non đến 55 tuổi rồi lúc đó đào tạo và chuyển nghề thì cũng không còn sức để có thể làm được công việc gì, khi chuyển việc làm việc không hiệu quả bị sa thải có khi không còn nhận được lương hưu.
Tôi xin khẩn thiết đề nghị Chính phủ hãy nghĩ đến những giáo viên hiện nay với áp lực công việc vô cùng nặng nhọc không chỉ giáo viên mầm non mà cả phổ thông, hãy nghĩ đến việc muốn giáo dục đổi mới và phát triển một cách toàn diện theo xu thế thế giới, theo thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì hãy để giáo viên về hưu như giai đoạn hiện nay.
Hãy tạo điều kiện để các em sinh viên sư phạm rất giỏi công nghệ, giỏi chuyên môn được trở thành giáo viên, các em chính là những nhân tố giúp giáo dục phát triển.
Nhìn vào mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phương tiện dạy học tích cực, hiệu quả, tiên tiến… thì những giáo viên lứa tuổi U50, U60 khó mà đáp ứng được.
Tăng tuổi nghỉ hưu, giáo viên làm gì khỏi ngã gục trên bục giảng?
Cũng thông cảm phần nào với áp lực mà ngành bảo hiểm xã hội đang gánh, áp lực vỡ quỹ hưu trí do tuổi bình quân của người Việt tăng từng năm.
Tôi cũng xin phép thẳng thắn nêu quan điểm tuổi tăng thật nhưng chất lượng sống sụt giảm, tôi tin rằng hiện nay rất nhiều người, trong đó có giáo viên chưa đến 50 tuổi đã hàng ngày chống chọi bệnh tật, sống hàng ngày nhờ các loại thuốc, nhờ sự tiến bộ của y học,….
Chúng ta hãy tưởng tượng khi mà tuổi nghỉ hưu thật sự nam tăng đến 62 tuổi, nữ đến 60 tuổi thì chỉ trong vòng 10 năm tới khi bước chân vào trường học sẽ như thế nào?
Lúc đó sẽ có rất nhiều “ông cụ giáo”, “bà cụ giáo” đứng lớp giảng dạy, khi mà lúc đó thời đại công nghiệp 4.0 đã tiến những bước vững chắc nhưng chắc chắn giáo dục sẽ tụt hậu, mà giáo dục tụt hậu thì đừng nói gì đến phát triển.
Cũng xin lưu ý rằng, cơ chế lương hiện nay một giáo viên 55 tuổi nhận gấp hơn 3 lần giáo viên mới ra trường, nếu 1 giáo viên nghỉ hưu nếu chúng ta tuyển dụng thêm 1 giáo viên trẻ thì tiền tiết kiệm được cũng đủ trả cho tiền hưu của giáo viên .
Có nhiều đề xuất trong đó có đề xuất rằng ngân sách thu được từ việc sử dụng, trả lương cho giáo viên mới dư ra có thể cân đối qua quỹ bảo hiểm xã hội hoặc chúng ta tăng thu bảo hiểm, giảm mức hưởng…sẽ có lợi rất lớn và lâu dài hơn việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Như chính Bác Hồ từng nói: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ, thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, tr.345 NXB Chính trị quốc gia), xin hãy nghĩ đến lợi ích lâu dài trong lĩnh vực giáo dục, nếu giáo dục tụt hậu, trì trệ thì sẽ có lỗi với nhân dân dân, dân tộc.
Chính sách của Đảng, lãnh đạo là đúng đắn nhưng giáo viên, công nhân lao động, các điều dưỡng…là những đối tượng không thể tăng tuổi hưu.
Một lần nữa, xin khẩn thiết đề nghị Chính phủ quy định giáo viên từ mầm non đến phổ thông là nghề đặc thù, được nghỉ hưu như hiện nay, nếu giáo viên nào trình độ chuyên môn, công nghệ thông tin, ngoại ngữ,…giỏi hay những người còn đảm bảo sức khỏe thì có thể tiếp tục hợp đồng làm việc.