MB88
VT88

Giật mình với loạt ứng xử “khó đỡ” của các thí sinh hoa hậu

Phần thi ứng xử vốn được xem là thước đo trí tuệ và bản lĩnh của thí sinh thi hoa hậu lại không ít lần gây tranh cãi với những phát ngôn ngây ngô, thậm chí khó hiểu.

Mới đây, đoạn video ghi lại phần ứng xử của thí sinh Nguyễn Linh Chi tại chung kết Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2025 nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Câu hỏi dành cho top 5: “ Nếu trở thành sinh vật biển, bạn sẽ chọn sinh vật nào, vì sao?”

Á hậu 1 Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2025 Nguyễn Linh Chi gây xôn xao bởi phần trả lời “Bạch tuộc – biểu tượng của người phụ nữ hiện đại”.

Nguyễn Linh Chi - với vẻ ngoài nổi bật và giọng nói nhẹ nhàng - chọn bạch tuộc là câu trả lời.

Cô lập luận: " Đối với em bất kỳ một loài sinh vật nào đều có một giá định. Đối với em bất kỳ loài sinh vật nào cũng đều có giá trị nhất định riêng.

Nếu bắt buộc chọn lựa một loài sinh vật, em xin phép chọn loài bạch tuộc bởi vì bạch tuộc không chỉ nổi bật với những giá trị riêng, những ngụy trang kỳ diệu và nói lên... và đặc biệt bạch tuộc mang giá trị tốt đẹp, giữ cân bằng hệ sinh thái biển.

Đối với em, bạch tuộc là biểu tượng của người phụ nữ hiện đại, thông minh, linh hoạt và biết thích nghi trong kỷ nguyên mà xã hội đang vươn mình mạnh mẽ. Chúng ta không chỉ cần một người phụ nữ có ngoại hình nổi bật mà còn cần vẻ đẹp từ sâu bên trong, nhân cách thật tốt và mang ý nghĩa cho cộng đồng".

Dù nội dung có phần sáng tạo nhưng việc liên tưởng bạch tuộc với phụ nữ hiện đại bị đánh giá là gượng ép, chưa thuyết phục. Dẫu vậy, Linh Chi giành danh hiệu Á hậu 1, kéo theo nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.

Phần thi ứng xử vốn được thiết kế để thể hiện tri thức, bản lĩnh và nhân cách của các người đẹp – nhưng không phải ai cũng hiểu rõ và chuẩn bị tốt. Màn ứng xử của thí sinh Ngọc Lụa trong đêm chung kết Hoa hậu Đại dương 2017 là một ví dụ.

Trước câu hỏi nếu đăng quang thì sẽ làm gì để bảo vệ môi trường biển, Ngọc Lụa trả lời: "Đầu tiên em sẽ trở về nhà ôm cha mẹ mình một cái. Việc tiếp theo là em sẽ đi vòng vòng xóm của em dạy mấy đứa nhỏ cách nhặt rác thế nào, dạy những đứa bé đó cách bảo vệ môi trường không được xả rác bừa bãi. Em cũng sẽ kêu các bạn đồng trang lứa chung tay bảo vệ môi trường".

Giật mình với loạt ứng xử “khó đỡ” của các thí sinh hoa hậu- Ảnh 1.

Câu trả lời không những không giải quyết được vấn đề câu hỏi đặt ra mà còn rất trẻ con, ngô nghê khiến Ngọc Lụa trở thành chủ đề bàn tán sau đêm thi.

Không ít thí sinh từng gây "sóng gió" vì phát ngôn gây sốc về vương miện. Tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, thí sinh Nguyễn Thị Huyền Trang gây tranh cãi dữ dội với màn ứng xử thẳng tưng: “Vương miện là sự nổi tiếng, thu nhập cao. Như chị Phạm Hương đi sự kiện rất nhiều và kiếm được rất nhiều tiền”.

Câu trả lời tưởng như vô tư nhưng lại làm nổi bật góc nhìn thực dụng, thiếu chiều sâu về sứ mệnh của một hoa hậu. Khi bị hỏi: “Bao nhiêu tiền là đủ?” , cô thản nhiên đáp: " Lòng tham con người là vô đáy. Kiếm được bao nhiêu thì kiếm thôi”.

Cô hứng “gạch đá” vì phát ngôn “gây sốc” của mình và rời khỏi cuộc thi trong sự ồn ào, mất thiện cảm của khán giả. Huyền Trang khép lại giấc mơ Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vì phát ngôn “gây sốc” của mình.

Nhắc đến những màn ứng xử “để đời” tại các cuộc thi nhan sắc, không thể bỏ qua câu trả lời gây sững sờ của thí sinh Nguyễn Thị Loan (Top 5 Hoa hậu Việt Nam 2010), khi cô nói: “Hà Nội là… liềm tự hào trong em”.

Giật mình với loạt ứng xử “khó đỡ” của các thí sinh hoa hậu- Ảnh 2.

Thí sinh Nguyễn Thị Huyền Trang gây tranh cãi khi phát ngôn gây sốc về vương miện.

Nhiều người vẫn lý giải những màn trả lời ngô nghê, lạc đề là do thí sinh bị “khớp sân khấu”, áp lực ánh đèn, căng thẳng tâm lý. Thực tế lại phũ phàng hơn: vấn đề không nằm ở áp lực, mà nằm ở năng lực.

Phần đông các thí sinh thi hoa hậu hiện nay thiếu điều căn bản là tư duy phản biện và khả năng diễn đạt mạch lạc. Họ không thể ứng biến khi bị hỏi ngoài kịch bản, không biết cách sắp xếp ý tứ và diễn đạt trôi chảy dù được luyện tập kỹ lưỡng từ trước.

Một số cuộc thi còn chuẩn bị sẵn cả “ngân hàng câu hỏi” và hướng dẫn thí sinh luyện nói trước, nhưng điều đó chỉ che lấp được phần hình thức. Khi đứng trên sân khấu, dưới hàng trăm ánh mắt soi chiếu, năng lực thật sự của thí sinh sẽ lộ diện rõ ràng - từ tư duy, vốn sống cho đến kỹ năng biểu đạt.

Việc chất lượng thí sinh kém không chỉ là câu chuyện của từng cá nhân, mà còn là hệ quả của sự nở rộ ồ ạt các cuộc thi thiếu chuẩn mực, nơi danh xưng “hoa hậu” đôi khi không còn tương xứng với hàm lượng giá trị mà nó từng đại diện.

Giật mình với loạt ứng xử “khó đỡ” của các thí sinh hoa hậu- Ảnh 3.

Chất lượng thí sinh tại nhiều cuộc thi sắc đẹp hiện nay vẫn là vấn đề khiến công chúng không khỏi băn khoăn.

Bên cạnh những sân chơi có uy tín, đầu tư bài bản như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam…, nơi mà thí sinh được đào tạo chuyên nghiệp, quy trình tổ chức được giám sát kỹ càng, thì lại xuất hiện ngày càng nhiều những cuộc thi nhỏ lẻ, thiếu kiểm duyệt, tổ chức ào ào, chạy theo trào lưu “sắc đẹp lên ngôi”.

Nếu không có sự chọn lọc, kiểm soát và nâng cao tiêu chuẩn đầu vào, những danh hiệu sắc đẹp sẽ càng trở nên mất giá – và công chúng cũng dần quay lưng với những chiếc vương miện không xứng tầm.