Trà sữa vốn là thức uống phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt với giới trẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành trà sữa tại Trung Quốc đã phải tham gia cuộc đua giảm giá, đến mức siêu rẻ dưới 1 USD/cốc (khoảng 23.000 đồng) để cạnh tranh thị phần.
Stacy Chen, một food blogger - người chia sẻ đánh giá ẩm thực tại thành phố Hàng Châu, có 180.000 người theo dõi trên mạng xã hội - cho biết, nếu như trước đây, một cốc trả sữa thường có giá 25 - 40 Nhân dân tệ (khoảng 87.000 - 140.000 đồng) thì giờ đã xuất hiện những thương hiệu trà sữa với giá chỉ bằng 1/5 giá bình thường.
Chị Stacy Chen - người đánh giá ẩm thực - cho rằng: "Tôi nghĩ rằng thị trường trà sữa Trung Quốc đã bão hòa, do vậy các thương hiệu mới cần thâm nhập vào phân khúc cấp thấp hơn để tăng doanh số. Để cạnh tranh, họ phải giảm giá xuống mức càng thấp càng tốt".
Ngành trà sữa tại Trung Quốc đang tham gia cuộc đua giảm giá (Ảnh: China Daily)
Ngành công nghiệp trà sữa của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, đạt quy mô 21 tỷ USD, với rất nhiều thương hiệu, đạt số lượng nửa triệu cửa hàng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, hành vi tiêu dùng của người dân nước này đang thay đổi, buộc nhiều nhãn hàng cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh.
Chị Guo Jun (Bắc Kinh, Trung Quốc) chia sẻ: "Vì áp lực công việc cao, mức lương lại không cao, vì vậy người trẻ chọn cách sống thực tế hơn. Bạn bè tôi đều thích uống Mixue, vì giá cả phải chăng hơn và cũng ngon. Tôi nghĩ các loại trà sữa khác quá đắt".
Không chỉ trà sữa, cà phê - thức uống từng được coi là xa xỉ tại Trung Quốc giờ cũng đang là tâm điểm của một cuộc đua giảm giá khác.
Chị Stacy Chen - người đánh giá ẩm thực - chia sẻ quan sát từ thực tế: "Trước đây cà phê phải nhập khẩu, khiến giá cao. Giờ một cốc cà phê của chuỗi cửa hàng Luckin Coffee - một thương hiệu nội đia có giá chỉ 9,9 Nhân dân tê hay chuỗi Cotti Coffee cũng có giá 8,8 Nhân dân tệ. Chính điều này đã buộc nhiều thương hiệu ngoại như Starbucks dù tuyên bố không tham gia cuộc đua xuống đáy về giá nhưng đang phải ra sức 'bơm' khuyến mại để giữ chân người dùng tại thị trường này".