Chuyển ra ở riêng dù gia đình chưa hoàn toàn ủng hộ, Nguyễn Hải Nam (23 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết không hề hối hận về quyết định của mình. Anh muốn được tự do từ công việc cho đến mong muốn được thực hiện những ước mơ riêng.
“Cả gia đình theo nghề nhà giáo nên từ bé mình đã được định hướng tiếp nối truyền thống gia đình vì sự ổn định lâu dài. Dù vẫn theo học ngành Sư phạm nhưng mình có đam mê riêng với sáng tác truyện tranh. Vì vậy, mình thực sự thất vọng khi bố mẹ cứ mãi thúc ép. Chỉ bản thân mình mới thực sự biết hợp với cái gì.
Khi mình từ chối và dọn ra ở riêng, bố mẹ giận dữ và thất vọng lắm. Ngay từ đầu, mình đã cho bố mẹ biết đây là cuộc sống của riêng, không thể can thiệp bây giờ, sau này cũng không nên can thiệp quá nhiều. Những ý kiến của bố mẹ đưa ra nên mang tính chất xây dựng chứ không nên bắt ép hay áp đặt”, Nam bày tỏ.
Còn Trần Thu Hà (22 tuổi, vừa tốt nghiệp một trường đại học tại Hà Nội) thì luôn có khép kín, ngại tiếp xúc với mọi người. Bản thân cô gái trẻ biết mình thiếu khả năng từ chối và sợ rằng khi từ chối, cô sẽ khiến người khác nghĩ xấu về mình. Vì vậy, Thu Hà luôn nhận lời mỗi khi có ai đó nhờ vả và mong bản thân sẽ tự tin hơn, những người khác cũng sẽ hài lòng với nỗ lực của cô.
Cứ tưởng việc trở thành một người cởi mở hơn, sẵn sàng giúp đỡ mọi người sẽ giúp cô gái 22 tuổi thoải mái, có nhiều bạn nhưng việc phải cố gắng làm hài lòng người khác đang khiến Thu Hà cảm thấy sợ hãi và thực sự cô đơn. Không được là chính bản thân mình khi cứ phải thay đổi để đáp ứng kỳ vọng của người khác, Thu Hà không còn hạnh phúc trong cuộc sống mà chính mình có thể quyết định.
Giống như Hải Nam hay Thu Hà, nhiều người trẻ hiện đại cũng đang chịu những ám ảnh vì sự kỳ vọng của người khác. Có những người có thể vượt qua được nhưng có người không đủ mạnh mẽ, không dám nói "không” hay sẵn sàng từ bỏ và chịu một nỗi đau nhất định để được là chính bản thân mình.
Áp lực từ sự kỳ vọng đang khiến nhiều người trẻ đánh mất bản thân mình
Khi thành công chưa đến, giới trẻ rất dễ hoài nghi về con đường mà bản thân đang theo đuổi. Mơ hồ về tương lai, sự so sánh bản thân, kỳ vọng được công nhận đang khiến nhiều người từ bỏ định hướng hiện tại chạy theo sự thành công của người khác để rồi lại loay hoay với các hình mẫu hoàn hảo vây quanh.
Một khi áp lực từ sự kỳ vọng ngày càng tăng, chúng ta lại đặt ra các hình mẫu trong vô thức và ép mình phải chạy đua cùng nó. Đây là lúc mà những cảm xúc chán nản, buồn bã, thất vọng xuất hiện dày đặc, thường xuyên hơn thay vì nhìn vào bản thân mình để xem xét khả năng, đề ra kế hoạch phù hợp.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Giang cho biết, sự kỳ vọng giống như một con dao hai lưỡi. Giới trẻ là những người đang giữ “con dao” này chặt nhất, khi đáp ứng được có thể sẽ đánh mất bản thân mà phản kháng thì lại đem đến sự thương tổn rất lớn.
Giới trẻ không nhất thiết phải sống theo những kỳ vọng của người khác, cũng đừng sợ và nghĩ rằng người khác đang áp đặt mình để rồi phản ứng thái quá.
“Chúng ta luôn mang trên mình vô vàn sự kỳ vọng của người khác cũng như đặt vào người khác rất nhiều kỳ vọng của mình. Có những điều hợp lý nhưng có những điều hoàn toàn không; Có những điều thỏa đáng nhưng có những điều lại quá đà.
Khi đối diện với sự kỳ vọng của người khác, chúng ta nên làm rõ mong đợi của bản thân ở đây là gì. Bạn hãy tỉnh táo sắp xếp tư duy, xem xét những khía cạnh cần thiết để đưa ra sự lựa chọn hợp lý nhất. Mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ không nhất thiết phải sống theo những kỳ vọng của người khác; Cũng đừng sợ và nghĩ rằng người khác đang áp đặt mình để rồi phản ứng thái quá.
Chúng ta vừa phải biết công nhận lòng tốt của người khác, vừa chọn lọc cái gì là tốt nhất cho chính mình. Bạn hãy dành thời gian với thói quen tốt cho bản thân để tránh bị đắm chìm trong những kỳ vọng sai lầm, ý tốt bị đặt không đúng chỗ”, chuyên gia tâm lý chia sẻ.