Lớp học mang tên Làng Tiên Cá tại Nam Từ Liêm đang là địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Anh Trần Việt Hưng - đại diện lớp cho biết năm ngoái anh và những người bạn đam mê lặn tự do quyết định lập nhóm để tập luyện cùng nhau vì có chung niềm hứng thú với bộ môn này. Những video nhóm đăng tải lên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của rất nhiều người nên nhóm quyết định kết hợp với CLB bơi Sclub, mời huấn luyện viên chuyên nghiệp về giảng dạy.
Để tham gia học lặn tiên cá, yêu cầu bắt buộc với các học viên là phải biết bơi và nắm qua kỹ thuật lặn tự do. Chi phí học khoá lặn tự do là 4,5 triệu đồng, gồm 4 buổi chuyên sâu với huấn luyện viên và một tháng tập luyện chung.
Khoá học tiên cá có mức học phí 4 triệu đồng, gồm 8 buổi. Buổi đầu tiên học lặn tiên cá, học viên sẽ được làm quen với lý thuyết. Các buổi học sau đó bắt đầu với phần khởi động, học uốn sóng ở trên cạn trước, HLV sửa động tác sau đó xuống nước thực hành.
Ban đầu, học viên làm quen ở bể sâu 1,5 m để học cách cân bằng áp suất tai, nín thở tĩnh, khi thành thạo sẽ chuyển sang bể sâu hơn. Theo anh Trần Việt Hưng, nếu học tập chăm chỉ, sau khoảng một tháng tập luyện, học viên có thể biểu diễn được.
Dụng cụ cần thiết để chơi được bộ môn này là chân vịt (monofin) với giá dao động từ 2,5-3,3 triệu đồng. Mỗi chiếc monofin nặng khoảng 3 kg, học viên sẽ phải mất vài buổi làm quen với dụng cụ này. Bên cạnh đó, học viên cần có một số dụng cụ bổ trợ như kính lặn, ống thở....
Sau khi thành thạo kỹ thuật uốn sóng với monofin, học viên mới được nâng cấp sử dụng váy đuôi cá, bởi khi mặc trang phục này vào hai chân như bị trói, rất dễ xảy ra sự cố. Một chiếc váy đuôi cá có giá từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu tùy chất liệu.
Chị Hạnh, ở Cầu Giấy, tham gia bộ môn lặn tự do được hơn một năm và mới chuyển sang làm quen với lặn tiên cá. Buổi đầu tập với trang phục đuôi cá, chị gặp không ít khó khăn vì cảm giác nặng. Dù vậy, do đã thành thục kỹ thuật bơi lặn, chị tin rằng sẽ sớm làm chủ được động tác.
Anh Huy Minh, 28 tuổi, làm nhân viên ngân hàng tại Hà Nội cho biết một tuần thường dành ít nhất hai buổi đi tập lặn, thường vào buổi tối và cuối tuần. 'Lý do tôi thích lặn tiên cá bởi đây là bộ môn khác biệt, không phải ai cũng chơi được. Tôi thích chinh phục những điều người khác khó làm được. Đây cũng là cách để tôi để rèn luyện sức khỏe', Minh nói.
Bùi Ngọc Ánh, 26 tuổi, làm giáo viên dạy trẻ đặc biệt, mới tới lớp học buổi đầu tiên nhưng đã có thể bơi thành thục với đuôi cá bởi tiếp xúc với bộ môn này được vài năm. 'Từ bé tôi đã thích trở thành nàng tiên cá. Khi vào thăm thủy cung, thấy nàng tiên cá biểu diễn hay quá, tôi cũng muốn được như vậy nên tự tập luyện và tìm hiểu sâu hơn về bộ môn này', chị Ánh cho biết.
Chị Ánh được chồng và con gái mới 8 tháng tuổi đi cùng đến lớp học. 'Tôi học lặn tiên cá ban đầu là để thỏa mãn đam mê, nếu đủ năng lực, tôi muốn được trình diễn cho mọi người xem ở thủy cung. Đây cũng là cách để tôi rèn luyện sức khỏe, lấy lại vóc dáng sau sinh', chị Ánh nói thêm.
Khi đã thành thục các kỹ năng, người chơi có thể lặn ở độ sâu hơn 5 m, nín thở biểu diễn trong khoảng thời gian từ 40 giây đến một phút rưỡi.
Anh Hưng - đại diện Làng Tiên Cá cho biết hiện tại CLB nhận được nhiều lời mời hợp tác biểu diễn từ các thủy cung.