Ammar Fika Abdillah, 28 tuổi, là một trong những người thuộc thế hệ gen Y đã theo đuổi lối sống tối giản, thể hiện đầy đủ triết lý YONO - một tư duy hiện đại hơn giúp cô đơn giản hóa cuộc sống và tập trung vào những gì thực sự quan trọng.
Làm trợ lý cá nhân cho một nghệ sĩ giải trí và doanh nhân, Fika chia sẻ rằng cô đã áp dụng tư duy YONO bằng cách quản lý chi tiêu của mình một cách cẩn thận, từ chi phí hàng tuần đến tiền tiết kiệm và bảo hiểm.
Thay vì chạy theo xu hướng nâng cấp điện thoại thông minh hay tham dự các buổi hòa nhạc đắt đỏ, cô chọn sống theo các quy tắc của riêng mình, tránh xa các xu hướng đang thịnh hành hiện nay. Xuất thân từ một gia đình trung lưu, Fika đã học cách tiết kiệm kể từ khi cô chuyển ra khỏi nhà để đi học đại học cách đây 10 năm. Theo Fika, tư duy YONO mang lại cho cô sự bình yên và ổn định và chi tiêu vào những gì thực sự cần.
Còn đối với Aida Nuraini, một biên tập viên quảng cáo 30 tuổi sống trong khu dân cư cao cấp Pondok Indah ở Nam Jakarta, người đã theo đuổi lối sống YOLO trong nhiều năm đã có sự thay đổi tư duy khi đối mặt với thực tế.
Là một đứa trẻ dành phần lớn thời gian trong bệnh viện do các vấn đề sức khỏe, Aida Nuraini nghĩ “Ta chỉ sống một lần trong đời - YOLO”. Vì vậy Aida đã đắm chìm trong việc chi tiêu hoang phí vào vé hòa nhạc của các nghệ sĩ yêu thích, mua các bộ sưu tập lưu niệm K-pop, hay các ứng dụng chơi game và thường xuyên đi chơi với bạn bè. Phòng của cô chất đầy album, ảnh thẻ và búp bê của các thần tượng K-pop như BTS, TXT và BoyNextDoor. Tuy nhiên, gần đây, Aida bắt đầu suy ngẫm về bộ sưu tập của mình và việc quản lý đồ đạc lộn xộn đã trở thành một rắc rối, đòi hỏi phải có thêm không gian lưu trữ để giữ mọi thứ ngăn nắp. Khi nhìn vào bộ sưu tập của mình, cô bắt đầu xem xét lại thói quen chi tiêu của mình và nhận ra rằng cần phải cắt giảm những thứ không cần thiết để tiết kiệm nhiều tiền cho tương lai hơn.
Từ YOLO đến YONO
Cụm từ " Bạn chỉ sống một lần" đã thu hút sự chú ý của giới trẻ vào năm 2011, khuyến khích sống ở hiện tại, không lo lắng quá nhiều về tương lai, vì cuộc sống được coi là quá ngắn ngủi để không tận hưởng trọn vẹn. Chuyên gia lập kế hoạch tài chính Mike Rini cho rằng, lối sống YOLO xuất hiện như một phản ứng trước mong muốn trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn nhất, thường do áp lực từ mạng xã hội.
Mặc dù tận hưởng cuộc sống là điều quan trọng, nhưng chuyển gia cảnh báo rằng nếu không có kế hoạch tài chính phù hợp, những người đam mê YOLO có thể gặp khó khăn do chi tiêu quá mức và không có tiền tiết kiệm hoặc đầu tư. Rủi ro tài chính của lối sống YOLO thường bao gồm chi tiêu bốc đồng, có thể dẫn đến nợ nần.
Khi năm 2025 bắt đầu, tư duy YONO được giới trẻ Indonesia hướng đến nhiều hơn vì nhận thức ngày càng tăng về tính bền vững, sự chuyển dịch sang chủ nghĩa tối giản và tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Chuyên gia tư vấn tài chính Eko Endarto cho biết, sự bất ổn về kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong sự trỗi dậy của tư duy YONO. Với nền kinh tế khó lường và các quy luật đang có sự biến đổi, người dân trở nên thận trọng hơn với tiền của mình và đó là lý do tại sao chúng ta thấy xu hướng YONO nổi lên.
Cân bằng tuyệt đối
Nhà tâm lý học lâm sàng Monty Satiadarma cho rằng YOLO xuất phát từ việc quá tập trung vào việc sống trong hiện tại, không lo lắng cho tương lai. YOLO cũng có thể bắt nguồn từ việc biện minh cho các hoạt động mua sắm tiêu tiền hoang phí của giới trẻ. Tận hưởng hiện tại là điều quan trọng để tránh trì trệ vì tâm trí chúng ta bị mắc kẹt trong quá khứ hoặc quá lo lắng về tương lai. Nhưng YOLO có xu hướng gắn liền với việc thiếu nhận thức và mất kiểm soát.
Mặt khác, ông Monty Satiadarma cho biết, YONO bắt nguồn từ nỗ lực có ý thức nhằm ưu tiên chức năng và sự cần thiết, biến nó thành một lối sống có nguyên tắc hơn. Tuy nhiên, tính tiết kiệm không nên đánh đổi bằng những nhu cầu thiết yếu, cũng không nên biến những người theo đuổi YONO thành những cá nhân quá keo kiệt. Mọi người cần cân bằng giữa nguồn lực và sự cần thiết, bởi vì, xét cho cùng, cuộc sống là tìm kiếm sự cân bằng".