Huế đang mở cửa toàn diện đón khách du lịch sau những tháng ngày trầm mặc, yên lắng vì dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Làng nghề trầm hương Thủy Xuân cũng đang trở thành một trong những điểm đến thú vị, độc đáo của Huế luôn chào đón du khách thập phương tới tham quan, thưởng lãm những sản phẩm truyền thống do bàn tay khéo léo của người dân, nghệ nhân Cố đô chế tác nên. Đặc biệt, mỗi dịp cuối tuần, nơi đây luôn đông khách, nhất là giới trẻ. Ảnh: Sở DL
Điểm dễ nhận biết khi đến với làng trầm hương Thủy Xuân đó là sự rực rỡ nhiều màu sắc của những tăm hương, lõi hương bằng tre dùng làm nguyên liệu để chế tạo nên sản phẩm hương thắp hoàn chỉnh. Bên cạnh đó là mùi hương trầm tỏa ngát ngất ngây quyến rũ cả một vùng. Ảnh: NSNA Thiên Minh
Làng nghề nằm trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, thuộc một trong những tuyến hành trình tham quan khám phá hệ thống di sản, thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất Cố đô Huế như lăng vua Tự Đức, Đồng Khánh, đồi Vọng Cảnh ven sông Hương… Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại làng nghề hầu như không ngày nào vắng bóng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ luôn tìm đến đây để check-in, lưu lại cho riêng mình những bức ảnh ngập tràn những sắc màu ấn tượng, cảm xúc và đáng nhớ. Ảnh: NSNA Thiên Minh
Để chiều lòng du khách, người dân và nghệ nhân làng nghề trầm hương Thủy Xuân khi phơi hong tăm hương, chân hương được nhuộm nhiều màu sắc bắt mắt trước khi se, lăn bột hương ướt để tạo thành que hương thành phẩm… thường chú ý bài trí tỉ mỉ, công phu các bó nguyên liệu với nghệ thuật sắp đặt gây ấn tượng.
Những bó nguyên liệu chân hương, tăm hương được người dân làng nghề bài trí sao cho thẩm mỹ, bắt mắt để phục vụ khách tham quan.
Vào những ngày nắng lên, có dịp ngang qua làng hương Thủy Xuân, các bạn trẻ không khỏi trầm trồ, bị thu hút bởi những nguyên liệu sản xuất và sản phẩm hương trầm thành phẩm nhiều màu sắc được phơi phóng, bài trí tinh tế, khéo léo như một studio lớn dành cho những ai mê nhiếp ảnh, chụp hình lưu niệm. Ảnh: NSNA Thiên Minh
Nơi đây cũng tạo nên cảm hứng sáng tạo của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh và các bạn trẻ.
Ngày nay, bên cạnh cách làm truyền thống thủ công truyền từ bao đời, người dân làng nghề còn đầu tư máy móc se hương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nhiều sản phẩm đạt độ chuẩn xác và thẩm mỹ cao để cung ứng ra thị trường.
Để que hương khi đốt lên có mùi đặc trưng sản phẩm làng nghề Thủy Xuân, với nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên, người dân đã phối trộn khéo léo nhiều nguyên liệu tạo mùi khác nhau như trầm hương, bột gỗ tùng, trắc, bạch chỉ, hắc hương, hoa hồi, quế chi, vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn…
Cuối năm 2021 vừa qua, làng nghề hương trầm Thủy Xuân đã được UBND tỉnh TT-Huế công nhận là nghề truyền thống của tỉnh. Sản phẩm hương trầm Thủy Xuân không chỉ phục vụ nhu cầu nội tỉnh mà hiện còn vươn xa đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và xuất khẩu ra nước ngoài.