Giữa tháng 11/2022, 70.000 người xếp hàng hàng giờ đồng hồ chờ mua vé xem Born Pink, buổi hòa nhạc nằm trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của ban nhạc nữ nổi tiếng BlackPink tại Jakarta, Indonesia.
Ban nhạc Anh Coldplay gần đây thông báo tất cả vé cho chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới Music of the Spheres sắp tới của họ tại Jakarta, dự kiến vào tháng 11, được bán hết.
Trong khi đó, tình hình vé của concert tại Hà Nội của BlackPink diễn ra trong hai ngày 29-30/7 không khả quan. Phe ôm vé đang bán tháo, chấp nhận lỗ để mong thu hồi "được bao nhiêu hay bấy nhiêu".
Tuy nhiên, theo SCMP, bán hết vé chưa chắc là tín hiệu đáng mừng.
Hà Nội, Việt Nam là điểm dừng chân cuối trong tour diễn thế giới Born Pink của BlackPink.
Giới trẻ nợ nần chồng chất vì vé xem show
Với những người yêu âm nhạc ở Indonesia, đây là thời điểm tuyệt vời để thưởng thức âm nhạc quốc tế, không chỉ vì BlackPink và Coldplay đang dừng chân tại quốc gia này. Trích dẫn hồ sơ từ Bộ Tài chính, báo cáo của MUC Consulting cho thấy sự gia tăng của các sự kiện hòa nhạc trong những tháng gần đây làm tăng doanh thu thuế giải trí địa phương.
Trong hai tháng đầu năm, khán giả của các concert tạo ra khoản doanh thu 28,85 nghìn tỷ rupiah (1,9 tỷ USD), trong khi năm trước chỉ ở mức 23,6 nghìn tỷ rupiah.
Với nhiều người, điều này là tín hiệu đáng mừng. Nhưng theo Bloomberg, một số người dân địa phương đang sử dụng hình thức vay trực tuyến để có tiền xem show. Điều đó khiến cơ quan quản lý tài chính quốc gia phải cảnh giác.
Giới trẻ sẵn sàng vay nợ để mua vé BlackPink.
Cơ quan Dịch vụ Tài chính cảnh báo người Indonesia tránh xa các dịch vụ “mua ngay, trả tiền sau” chỉ để mua vé xem hòa nhạc.
Theo Bloomberg, dư nợ cho vay của quốc gia này thông qua các nền tảng kỹ thuật số đạt tổng cộng 51,5 nghìn tỷ rupiah vào tháng 5, tăng 28% so với một năm trước.
Cơ quan quản lý cũng cảnh báo người vay tiền bị lừa đảo khi sử dụng ứng dụng cho vay giả mạo, lãi cao. Các báo cáo chỉ ra rằng ứng dụng cho vay nặng lãi đang bùng nổ sau đại dịch COVID-19, bóc lột người dân và lợi dụng những khó khăn kinh tế của họ.
Sự gia tăng của ứng dụng cho vay kỹ thuật số và công nghệ tài chính đã dân chủ hóa quy trình ngân hàng, giúp những người thuộc các nhóm thu nhập thấp dễ dàng hơn trong việc đảm bảo cho vay.
Tuy nhiên, tiến bộ này cũng có mặt trái. Khả năng tiếp cận tiền nhanh chóng thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng và chi tiêu liều lĩnh, dẫn đến viễn cảnh rủi ro ở quốc gia có đông dân số trẻ như Indonesia.
Hơn một nửa trong số 270 triệu dân của Indonesia đang ở độ tuổi 18-39. Đất nước phụ thuộc vào họ, thế hệ được kỳ vọng xây dựng tương lai quốc gia.
Vấn đề nan giải
Vấn đề duy nhất ở đây không chỉ là người trẻ tuổi bị cám dỗ tiêu xài hoang phí. Thương mại điện tử ở Indonesia dẫn đến câu chuyện sâu xa hơn. Ngày nay, ước tính có khoảng 90 triệu người ở Indonesia chưa có tài khoản ngân hàng và không có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng truyền thống.
Ưu tiên hàng đầu của chính phủ đang là phục vụ nhóm dân số không sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, việc tư vấn cho thế hệ trẻ am hiểu công nghệ đang đối mặt với những rủi ro của công nghệ tài chính.
Giống nhiều nền kinh tế châu Á, Indonesia đang phải vật lộn với những thay đổi nhanh chóng do tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử chưa từng có. Đây là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 11 thế giới với doanh thu dự đoán hơn 44,8 tỷ USD trong năm nay, vượt qua Brazil.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, phần lớn cuộc cách mạng thương mại điện tử ở Indonesia có thể được giải thích bằng dân số tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng với gần 52 triệu người.
Do đó, những người Indonesia trẻ tuổi khác với thế hệ cha mẹ và ông bà của họ ở khía cạnh kiếm và tiêu tiền. Người trẻ có nhiều thu nhập khả dụng hơn và sự hiện diện kỹ thuật số quan trọng hơn nhiều. Cả hai yếu tố này có thể giải thích lý do Indonesia là điểm đến lý tưởng của các nhóm nhạc hàng đầu, trước đó là BlackPink và sắp tới là Coldplay.
Ngoài Indonesia, Coldplay biểu diễn ở Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippines cho đến năm 2024.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, ngành công nghiệp âm nhạc là một trong số 16 ngành phát triển nhanh nhất thuộc lĩnh vực kinh tế sáng tạo nhờ áp dụng quá trình số hóa.
Trong đại dịch, Indonesia trở thành một trong những trung tâm phát trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á cho Spotify. Hơn 50% công nhân trong ngành công nghiệp âm nhạc sử dụng thương mại điện tử để mở rộng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường.
Điều này cũng đúng với các lĩnh vực khác trong nước. Xét về lượng người dùng Internet và doanh số bán lẻ thương mại điện tử, Indonesia đứng đầu các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan... vào năm 2021.
Không thể phủ nhận việc chuyển đổi số đã đơn giản hóa và làm phong phú thêm cuộc sống của con người theo nhiều cách, nhưng nó cũng đang thúc đẩy văn hóa “làm giàu theo xu hướng”.
Phô trương sự giàu có trực tuyến hiện là thói quen của nhiều người, có thể dẫn đến tội phạm bạo lực. Nó cũng có thể tạo ra tình trạng bất ổn và phản ứng dữ dội của công chúng, đặc biệt là đối với các quan chức được bầu.
Vào tháng 3, báo cáo của The Jakarta Post tiết lộ cách Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi các công chức kiềm chế việc khoe khoang sự giàu có của họ trên mạng xã hội.
Cho dù đó là phô trương sự giàu có mới tìm thấy hay những người mua vé buổi hòa nhạc mà họ không có khả năng trả tiền, rõ ràng những tác động xã hội, tâm lý và văn hóa của cuộc cách mạng fintech và kỹ thuật số là điều mà chúng ta vẫn chưa hiểu hết.
Song, có một điều chắc chắn: Vấn đề trên hiện là thách thức nan giải với các chính phủ không chỉ ở Indonesia mà trên toàn thế giới đang phát triển.