Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa hoàn tất phương án đặt gần 200 điểm trạm cho thuê xe đạp công cộng trong khuôn khổ dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 7 quận của Thủ đô. Theo đó, xe đạp công cộng được sử dụng phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan với thời gian dự kiến thực hiện năm 2022 đến 2023. Dự án này đang nhận được nhiều phản ứng tích cực từ người dân.
Trong tưởng tượng của Nguyễn Thùy Trang (24 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), khi có xe đạp công cộng, cô sẽ sử dụng để đi chơi, dạo phố nhiều hơn. Thùy Trang cảm thấy việc dừng, đỗ xe đạp thuận tiện hơn nhiều so với xe máy và ôtô, nhất là khi cô thường xuyên dạo chơi tại các tuyến phố trung tâm của Hà Nội mỗi khi rảnh rỗi.
“Mình có thể đi lại dễ dàng hơn, có thể vào trong công viên, dựng ngay bên cạnh mình ngồi hóng mát, ăn uống, trò chuyện với bạn bè. Hoặc đến mấy hàng quán, cửa hàng mua sắm hạn chế chỗ trông xe, mình thấy xe đạp sẽ được ưu tiên giữ trước cửa, không phải đi gửi cách một đoạn. Mình không có xe đạp riêng nên việc chỉ cần chi vài chục nghìn là có phương tiện đi chơi thoải mái, không lo tốn xăng khiến mình cảm thấy rất hứng thú”, Thùy Trang nói.
Từng là du học sinh Trung Quốc, nơi xe đạp công cộng đã được người dân sử dụng xe đạp phổ biến, Trần Việt Cường (26 tuổi, bác sĩ nha khoa) hoàn toàn ủng hộ dự án xe đạp công cộng ở thành phố Hà Nội.
Đi xe đạp sẽ giúp người dân có cơ hội vận động nhiều hơn, cải thiện sức khỏe và tinh thần.
Theo quan sát của Cường, việc thay thế xe đạp sẽ làm giảm mức độ khí thải và tiếng ồn động cơ từ xe cơ giới. Bên cạnh đó, người dân có cơ hội vận động nhiều hơn, cải thiện sức khỏe và tinh thần.
“Việc ứng dụng xe đạp công cộng ở thành phố Hà Nội cần thời gian và một số tình huống xảy ra thì mới đánh giá được. Nhưng mình rất tin tưởng và kỳ vọng vào dự án này, nó sẽ làm thay đổi bộ mặt của Thủ đô trong việc giữ gìn cuộc sống xanh”, Việt Cường chia sẻ.
Không đơn thuần là trải nghiệm...
Thích thú với dự án xe đạp công cộng tại Hà Nội, Nguyễn Ngọc Long (24 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) tin tưởng rằng dự án sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Ngọc Long tin tưởng rằng dự án xe đạp công cộng sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là giới trẻ.
“Với những Chính sách hay các đề án của Nhà nước, người trẻ chúng mình sẽ luôn tiên phong và ủng hộ, đặc biệt là với những dự án góp phần thay đổi cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường như xe đạp công cộng.
Dù vậy, mình nghĩ rằng để được người dân tiếp nhận hơn thì dự án sẽ cần phải có thời gian thử nghiệm và vận hành. Bên cạnh đó, mức giá sử dụng dịch vụ cũng cần cân nhắc hợp lý, nếu quá cao thì có thể mọi người sẽ trải nghiệm 1, 2 lần chứ không sử dụng như một dịch vụ chính.
Tàu điện Cát Linh – Hà Đông đang làm rất tốt và có thể sẽ sớm trở thành một trong những biểu tượng mới của giới trẻ Thủ đô nên mình cũng mong muốn dự án xe đạp cộng đồng cũng như vậy. Chúng mình sẽ luôn đồng hành cùng đất nước trong việc thực hiện các Chủ trương, Chính sách và dự án. Quan trọng nhất vẫn là sự lắng nghe của cả 2 phía’", Ngọc Long chia sẻ.
Xe đạp công cộng sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm và thay đổi cảnh quan môi trường (Ảnh tư liệu)
Giống như Ngọc Long, Đoàn Minh Hương (27 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho rằng việc thành phố Hà Nội thí điểm dự án sử dụng xe đạp công cộng sẽ không chỉ đơn thuần là một phương tiện đi lại bình thường mà là một bước đi hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
“Từ tàu điện Cát Linh – Hà Đông, xe buýt điện cho tới xe đạp công cộng hay sự gia tăng mạnh mẽ của xe máy điện, ô tô điện những năm qua, mình tin rằng đây đang là sự chuẩn bị cho tương lai, cho các thế hệ sau này của đất nước mà Chính phủ, thành phố đã nghiên cứu tỉ mỉ và kỹ càng.
Sử dụng các phương tiện không tạo ra khí thải sẽ giúp cải thiện môi trường sống, không khí và cảnh quan đô thị. Việc thay đổi đó sẽ không chỉ diễn ra trong ngày một, ngày hai mà cần cả một quá trình. Nhưng nếu chúng ta tiên phong từ bây giờ, chúng ta sẽ có một sự chuẩn bị tốt nhất cho thế hệ con, cháu sau này”, Minh Hương nói.
Theo cô gái 27 tuổi, việc sử dụng xe đạp công cộng hay các phương tiện không gây khí thải cần đi đôi với việc giữ gìn vệ sinh môi trường như không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng nhựa… Minh Hương cho rằng nếu không cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường thì thành quả đạt được sẽ không mang lại được những giá trị bền vững.
Minh Hương (bên phải) tin tưởng rằng xe đạp công cộng sẽ không chỉ đơn thuần là một phương tiện đi lại bình thường mà là một bước đi hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
“Việc Chính phủ đang ngày càng quan tâm, chăm sóc đời sống cho người dân, đặc biệt là giới trẻ là những điều thực sự tuyệt vời. Chưa có khi nào mình thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của giới trẻ với bộ máy lãnh đạo như hiện tại. Đó chính là tín hiệu cho những “kỳ tích” trong tương lai.
Vậy nên mình hy vọng, với dự án xe đạp cộng đồng này, các bạn trẻ hãy là những người tiên phong sử dụng và trải nghiệm. Sau đó, hãy đưa ra những ý kiến, đánh giá công tâm và tin tưởng rằng thành phố, Nhà nước luôn luôn lắng nghe. Sự đồng thuận, ủng hộ đó sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước”, Minh Hương bày tỏ.