Hãng tin CNBC cho hay trong khi thế hệ trẻ nhiều nơi trên thế giới đang chi tiêu “trả thù” hậu đại dịch sau 2 năm giãn cách thì tại Trung Quốc, các thanh thiếu niên đang đi ngược lại.
Vốn nổi tiếng là thị trường tiêu dùng lớn nhưng giới trẻ Trung Quốc đang tiết kiệm tiền hơn trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn.
Thậm chí trào lưu mới trên các mạng xã hội hiện nay là so sánh số tiền tiết kiệm được, hoặc mục tiêu tiết kiệm hàng tháng của các bạn trẻ.
1 triệu đồng mỗi tháng
Một tài khoản có tên “Tiểu Zhai Zhai” đã có video gây sức hút trên mạng xã hội khi chia sẻ mục tiêu giới hạn chi tiêu hàng tháng dưới 300 Nhân dân tệ, tương đương 41,28 USD hay hơn 1 triệu VND.
Để làm được điều này, tài khoản trên chia sẻ mỗi ngày cô chỉ tiêu 10 Nhân dân tệ, tương đương 1,38 USD hay 35.000 đồng cho ăn uống.
Trào lưu mới này tại Trung Quốc đang lan rộng đến mức nhiều bạn trẻ tìm kiếm bạn đồng hành trong việc tiết kiệm.
Những nhóm bạn này sẽ nhắc nhở và động viên nhau hạn chế chi tiêu hàng tháng, đồng thời chia sẻ những thủ thuật hay mẹo nhỏ để tiết kiệm nhiều hơn.
Ví dụ như những cách mua hàng giá rẻ hơn, địa điểm ăn uống giá rẻ hay các mẹo tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Giám đốc Shaun Rein của China Market Research Group cho biết giới trẻ Trung Quốc ngày nay rất khác so với thời thập niên 2010.
“Giới trẻ Trung Quốc thập niên 2010 thường chi tiêu nhiều hơn mức họ kiếm được, thậm chí vay nợ để mua những sản phẩm xa xỉ như túi Gucci hay điện thoại iPhone. Tuy nhiên các bạn trẻ thời nay đã khác”, ông Rein cho biết.
Những thuật ngữ như “Đảo ngược chi tiêu” (tích cực cắt giảm chi tiêu) hay “Nền kinh tế hà tiện” (tích cực tìm kiếm giảm giá khi mua sắm) xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Trung Quốc.
Xu thế này hoàn toàn trái ngược với những người sinh trong khoảng 1997-2012 tại Mỹ.
Báo cáo của Intuit dựa trên chỉ số Prosperity Index cho thấy 73% số người sinh trong khoảng năm trên tại Mỹ muốn chi tiêu nhiều hơn để hưởng thụ cuộc sống thay vì tiết kiệm.
Không còn cách khác
Giám đốc Christopher Beddor của Gavekal Dragonomics nhận định giới trẻ Trung Quốc đang cảm nhận được nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tương tự như một số nơi khác trên thế giới.
Số liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho thấy tổng lượng tiền tiết kiệm hộ gia đình trong quý I/2024 đã tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý I/2024 đạt 5,3%, cao hơn so với dự đoán nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn cho rằng đà tăng trưởng này sẽ giảm tốc với ước tính chỉ đạt 4,5% cho năm 2025.
Nhiều chuyên gia đánh giá dấu hiệu thị trường việc làm khó khăn hơn đã tác động mạnh đến tâm lý của giới trẻ Trung Quốc.
“Giới trẻ Trung Quốc từ chối chi tiêu là trào lưu mới hiện nay. Nhiều người chỉ đơn giản là không tìm được việc làm hay không gia tăng được thu nhập, qua đó buộc phải sống tiết kiệm hơn”, phó giáo sư Jia Miao của trường đại học NYU Shanghai nhận định.
Số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc 16-24 tuổi trong tháng 5/2024 đã lên đến 14,2%, cao hơn nhiều mức bình quân 5% của lao động toàn quốc.
Khảo sát của MyCos thì cho thấy mức lương cử nhân mới ra trường tại Trung Quốc chỉ vào khoảng 6.050 Nhân dân tệ, tương đương 832 USD/tháng trong năm 2023.
Con số này chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước đó.
“Niềm tin của giới trẻ Trung Quốc đang dần biến mất. Sẽ phải mất nhiều năm thì giới trẻ mới có thể lấy lại niềm tin chi tiêu như trước đây”, ông Rein kết luận.
Nguồn: CNBC