Những trò đùa không có hồi kết
Miệt thị ngoại hình hay body shaming là những lời nói mang nghĩa đả kích, chê bai, chế giễu ngoại hình của người khác, có thể là những lời lẽ cay nghiệt đi quá giới hạn, trở thành xúc phạm người khác. Những lời nói này không hề mang nghĩa tích cực, khiến người nghe cảm thấy khó chịu hoặc cao hơn là bị tổn thương tinh thần.
"Béo quá", "Mặt thế kia mà cũng đăng hình á?", “Nhìn trông có giống *** không”,… là những câu nói không hề xa lạ với những người dùng mạng xã hội. Việc ngày càng có nhiều bạn trẻ bị đem hình ảnh cá nhân ra "mua vui" cho bàn dân thiên hạ không phải chuyện mới.
Vậy nhưng sau những niềm vui vô thưởng vô phạt đó, không ít người tự ti và mặc cảm hơn về bản thân. Ngoài việc bị trêu ghẹo ngoài phố, nhiều bạn còn đối mặt với những lời lẽ khiếm nhã bình phẩm về ngoại hình hay những lời đùa tục trên hình cá nhân.
Trần Thủy Tiên (sinh năm 1997), nữ sinh từng tham gia một cuộc thi tài sắc tại một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội cho biết, cô gái trẻ liên tục nhận phải những lời bình luận ác ý về nhan sắc ngay sau khi hình ảnh của cô được đăng tải lúc dự thi.
Thủy Tiên phải đối mặt nhiều bình luận miệt thị trên mạng xã hội như “với giao diện này là loại từ vòng gửi xe” hay “bạn này còn xấu hơn người yêu tôi”… khiến cô gái không chịu được áp lực, xin ban tổ chức cho cô hủy đăng ký tham gia và gỡ bài đăng có hình Tiên tham gia cuộc thi.
Không chỉ bị miệt thị ngoại hình trên mạng xã hội, các bạn trẻ còn phải đối mặt tình trạng này trong cuộc sống hằng ngày, như môi trường học đường. Điều này khiến một số bạn trẻ luôn cảm thấy tự ti về bản thân.
Body shaming - những trò đùa "không vui"
Nguyễn Thanh Hà (20 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, khi còn là học sinh trung học, cô gái trẻ luôn bị những người xung quanh chọc ghẹo, cười cợt mỗi khi xuất hiện. Đến tận bây giờ, mỗi khi xuất hiện bên ngoài, cô gái trẻ vẫn thường nhận được nhiều ánh nhìn từ mọi người.
“Sinh ra không may mình mắc căn bệnh hở hàm ếch nên khuôn mặt mình có chút khiếm khuyết, chiều cao của mình là 178cm cũng cao hơn bạn bè trang lứa nhiều nên cũng thường bị so sánh. Đôi khi những lời nói đó không có ác ý nhưng khiến mình tổn thương rất nhiều”, Thanh Hà chia sẻ.
Ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và tinh thần
Việc dùng một khuôn mẫu hình thể làm thước đo để phê phán người khác có thể gây ra hậu quả tâm lý rất nặng nề. Sự xấu hổ về cơ thể dẫn đến nguy cơ chịu tổn thương về tinh thần và sức khỏe. Tại Việt Nam, việc bị trở thành trò cười trên mạng hay bị bình phẩm về ngoại hình đang là một vấn đề thực sự nhức nhối và nghiêm trọng. Nữ giới thường là mục tiêu nhắm tới của những hành động này.
Bạn trẻ Lê Gia Hoàng Anh (23 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho biết thường xuyên thấy những bình luận chê bai về ngoại hình trên các trang cộng đồng, nhưng khi vào nêu lên quan điểm thì bị "ném đá" ngược trở lại.
"Có nhiều người đáp trả mình bằng lý lẽ rằng đã đăng ảnh lên mạng xã hội thì phải chịu bình phẩm. Nếu không muốn người ta khen chê thì tốt nhất đừng đăng. Mình chán quá nên không nói gì thêm nữa", Hoàng Anh nói.
Body shaming có thể kiến gây ra những hậu quả nặng nề đối với người nhận những lời nói này
Cùng quan điểm với Hoàng Anh, Nguyễn Hoàng Khánh Linh (20 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại Thương) nói rằng rất muốn bảo vệ những bạn bị đem ra làm trò cười, nhưng một mình không “chống nổi cả thiên hạ".
"Đăng ảnh như thế nào là quyền của mỗi cá nhân, mình không có quyền bình phẩm. Nếu là bạn bè, sẽ có những lời khuyên hợp lý hơn. Cách mình có thể làm chỉ là phớt lờ đi những trò đùa đó, và không a dua theo bạn bè chê bai bất kì ai cả", Khánh Linh chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý học Phạm Thị Thảo Nguyên cho biết, khi gặp phải những lời miệt thị ngoại hình, bạn trẻ nên thật sự bình tĩnh, không nóng vội để lên tiếng hay đáp trả. Theo chuyên gia, trước khi quyết định im lặng hay lên tiếng tự bảo vệ bản thân trước lời miệt thị, bạn trẻ cần suy nghĩ thật kỹ và cân nhắc những rủi ro và hậu quả có thể xảy ra đối với sự lựa chọn đó.
“Để không phải rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực khi bị body shaming, chúng ta có thể tự an ủi bản thân bằng cách hình thành những suy nghĩ như: không có ai là hoàn hảo, ai cũng có những khuyết điểm của riêng mình,… hoặc tìm kiếm sự chia sẻ động viên từ người thân, bạn bè đáng tin cậy.
Các bạn trẻ cũng nên cảm thông đối với những đặc điểm mà bản thân cảm thấy đó là khuyết điểm của người khác và tránh ngôn từ mang tính miệt thị ngoại hình”, chuyên gia chia sẻ thêm.
Khi "mô tả" cơ thể người khác, bạn trẻ cần suy nghĩ thật kỹ và thận trọng trong sử dụng ngôn từ
Không có một từ ngữ nào thật sự “an toàn” để mô tả cơ thể người khác mà không biết mối quan hệ của họ với những từ này. Bạn trẻ khi không chắc chắn điều mình nói ra có khiến người khác tổn thương hay không, tốt nhất ta nên im lặng. Bởi vì có thể hôm nay chúng ta body shaming ai đó không chắc ngày mai điều tương tự không xảy đến với chính mình.