Ca sĩ Phúc Tiệp quê gốc ở Thái Bình, được biết đến là một trong những giọng nam thính phòng hàng đầu hiện nay, kế cận lớp tiền bối của dòng nhạc thính phòng Việt Nam. Sau khi tham gia một số cuộc thi âm nhạc và ghi dấu với nhiều giải thưởng như: giải Nhì dòng nhạc thính phòng “Sao mai 2007”, giải Nhì “Tiếng hát Thính phòng toàn quốc 2009”…Phúc Tiệp hiện đang là giảng viên khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Mới đây, Phúc Tiệp ra mắt album nhạc xưa có tựa đề “Vết xưa” vốn được âm thầm thực hiện cách đây gần 3 năm, quy tụ 9 nhạc phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi gồm: Mùa hè đẹp nhất, Mùa đông sắp đến, Cơn mưa phùn (Đức Huy), Căn nhà xưa (Nguyễn Đình Toàn), Như chiếc que diêm, Mắt lệ cho người (Từ Công Phụng), Một lần nào cho tôi gặp lại em, Rồi cũng già (Vũ Thành An), Chiều một mình qua phố (Trịnh Công Sơn).
“Album ‘Vết xưa’ có thể nói là cuộc chơi của tôi trong âm nhạc, giống như một vệt sáng vút lên, một dấu vết để lại. Với tôi, việc chinh phục bản thân với nhạc xưa không hề dễ dàng chút nào, kỹ thuật thanh nhạc thì đơn giản, cái khó nhất là làm sao hát để ra được tinh thần ở bên trong ca khúc. Tôi muốn có một Phúc Tiệp hát dòng nhạc này có gì đó khác biệt với số đông những người khác.” – Phúc Tiệp chia sẻ.
Cũng trong dịp này Phúc Tiệp trình làng MV “Tôi là người thợ lò” vào đúng dịp kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống của công nhân vùng mỏ (12/11/1936 - 12/11/2022). Phúc Tiệp cho biết, MV “Tôi là người thợ lò” được anh ghi hình từ năm 2019, trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng phải đến bây giờ mới chọn được thời điểm phù hợp để ra mắt khán giả.
Nam ca sĩ chia sẻ, cách đây 3 năm anh nhận lời tham gia chương trình truyền hình thực tế “Sống ở mỏ” phát trên sóng VTV3 nên có dịp trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và công việc thường nhật của một công nhân mỏ, từ: khoan vỉa than, ngồi nặn “bua mìn”, nổ mìn, vác thiết bị nặng vài chục kg xuống mỏ sâu, sửa chữa máy móc vận hành trên mặt đất… Khi nhận lời mời tham gia chương trình này, anh đã nghĩ tới việc sẽ làm MV “Tôi là người thợ lò” quay lại những hình ảnh đời thực nhất về những người công nhân mỏ và cả trải nghiệm của mình khi sống, làm việc cùng với họ. Khác với những MV trước đó về ca khúc này chỉ làm mang tính ước lệ, anh muốn làm ra một MV chân thực nhất có thể giúp mọi người hiểu rõ về cuộc sống lao động của những người công nhân mỏ.
Phúc Tiệp kể, thật ra người bình thường mà xuống hầm lò sâu chừng 70-80m và ở trong đó chừng 2 – 3 tiếng là không chịu nổi, phải quay trở lên. Nhưng anh thì đã theo chân các công nhân mỏ xuống hầm sâu tới tận 175m, kinh qua đủ các công việc mà họ làm 8 tiếng mỗi ngày và nhiều lần xúc động rơi nước mắt vì thấu hiểu những hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của họ.
Trước khi có dịp xuống hầm lò, anh hình dung dưới lòng đất sâu kia là than bùn thì những người công nhân sau khi trở lên ai cũng lấm lem, mặt mũi đen sì đen sịt như vậy, cả người ướt sũng giống như vừa mới nhúng từ vũng than bùn lên. Song thực tế không phải thế. Toàn bộ nền địa tầng bên dưới hầm lò sâu cả vài trăm mét kia là những vỉa than, mỏ than, ở dưới đó các công nhân thở qua đường dẫn ôxy chung chạy từ trên mặt đất, không gian bụi mù mịt khủng khiếp mỗi khi có mũi khoan được dí vào vỉa than để khoan… Mồ hôi chảy ra quện với bụi than khiến ai nấy đều lấm lem không chỉ mặt mũi mà toàn bộ từ trên đầu xuống dưới chân, cho đến khi ra khỏi hầm lò chỉ còn mỗi hàm răng là trắng.
Hình ảnh những người công nhân mỏ bước chân lên mặt đất, tháo đôi ủng dốc ra òng ọc nước, chính là nước do mồ hôi của họ chảy ra sau một ngày làm việc mệt nhọc. Có điều, tất cả đều rất yêu đời và lạc quan. Trong MV, ngoài anh ra thì những “diễn viên” xuất hiện trong MV không ai khác chính là những công nhân vùng mỏ với nụ cười, ánh mắt cực kỳ đời thường và chân thật.
“Tôi trộm nghĩ người mất chỉ chôn sâu vài ba mét, nhưng nơi mà các công nhân mỏ làm việc sâu tới tận 175m, thậm chí có những hầm lò sâu đến vài ba trăm mét. Người ta có câu: ‘ăn cơm dương gian nhưng làm việc địa phủ’ là để nói về công việc lao động của những người thợ lò có lẽ là vì thế. Trong hầm sâu và tối, chỉ cần tắt chiếc đèn pin đeo trên đầu của mỗi người đi, thì không gian xung quanh chắc giống như địa phủ rồi. Tôi muốn ghi lại sự hy sinh của họ trong MV này!” – Phúc Tiệp xúc động nhớ lại.
Cũng theo Phúc Tiệp, anh và toàn bộ mọi người bao gồm đạo diễn, quay phim, kỹ thuật... trước khi xuống hầm lò đều phải ký cam kết việc xuống đó là hoàn toàn tự nguyện, nếu rủi ro xảy ra chuyện gì thì hoàn toàn chấp nhận, không khiếu nại.
Ngoài những cảnh quay trong hầm lò sâu 175m thì MV “Tôi là người thợ lò” cũng có một số bối cảnh quay khác ở những mỏ than lộ thiên trên mặt đất và cả cảnh quay ở đỉnh núi Bài Thơ, Hạ Long, Quảng Ninh. Phúc Tiệp chia sẻ, để lấy một vài giây quay trên đỉnh núi Bài Thơ, anh cùng êkip đã phải mất nguyên 1 ngày trèo qua những mỏm đá tai mèo sắc nhọn để lên được đỉnh núi cao. Anh còn mặc nguyên cây vest, đi giày da để trèo núi nên rất vất vả. Lúc đi lên đã vậy, lúc xuống núi còn nguy hiểm hơn vì không có đường mà vẫn phải bám vào các mỏm đá tai mèo để đi xuống. Khi quay ở bối cảnh cao này, do địa hình hiểm trở phức tạp nên êkip đã bị hỏng mất 2 chiếc flycam giá trị.
Làm MV về một ca khúc có thể nói là “kinh điển” trong kho tàng âm nhạc thính phòng Việt Nam, lại từng được rất nhiều giọng ca tiền bối và đồng nghiệp cùng thế hệ thể hiện thành công, Phúc Tiệp quyết định phải làm sao “khoác” được chiếc áo mới cho tác phẩm này. Muốn vậy trước tiên cần một bản phối mới, khác biệt và mang hơi hướm âm nhạc thời đại này hơn. Anh tìm đến thuyết phục nhạc sĩ Lưu Hà An nhận lời giúp mình. Nam ca sĩ tiết lộ, nhạc sĩ “Con cò” đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết vào bản phối này.
Khác so với album “Vết xưa”, êkip cộng sự mà Phúc Tiệp chọn đồng hành với mình trong MV “Tôi là người thợ lò” đều là những tên tuổi uy tín trong giới âm nhạc, từ ca sĩ hát bè đến hợp xướng đều là những tài năng hàng đầu trong làng nhạc Việt.
Nam ca sĩ bày tỏ, việc chọn ra mắt cùng lúc album “Vết xưa” và MV “Tôi là người thợ lò” cũng là để anh tự nhắc mình vẫn là một ca sĩ thính phòng, dù làm gì đó khác biệt thì cuối cùng vẫn cứ mang màu sắc đặc biệt của thính phòng. Giống như cái cây âm nhạc có thể chiết thêm nhiều cành nhưng gốc rễ vẫn cứ là nhạc thính phòng.