Hoài Linh vẫn là cái tên "chiếm lĩnh" vị trí quan trọng trong giới nghệ sĩ Việt và còn được xem như một nhân vật "quyền lực" của giới giải trí.
Không ai có thể phủ nhận những tâm huyết của Hoài Linh đối với nghệ thuật sân khấu. Trong clip trần tình về chuyện chậm giải ngân tiền từ thiện miền Trung, Hoài Linh khiến nhiều người bất ngờ khi cho biết mình đã có 30 năm trong nghề, một quãng thời gian được coi là dài đối với bất kỳ nghệ sĩ, diễn viên nào. Nhưng hẳn nhiều khán giả vẫn chưa rõ 30 năm trong nghề của Hoài Linh tính từ thời điểm nào.
Đó là cột mốc tính từ lúc Hoài Linh về nước tham gia vài tiết mục tấu hài nho nhỏ và gặp được anh thợ cắt tóc Huỳnh Minh Hưng hay hiện nay nổi tiếng với nghệ danh Đàm Vĩnh Hưng, Mr.Đàm. Nếu cụ thể hơn, Hoài Linh chính thức vào nghề từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước trong vai trò một nghệ sĩ múa. Hoài Linh vốn được đào tạo một khoá ngắn hạn về múa dân tộc để gia nhập vào một đoàn ca múa nhạc Ponaga. Tuy không tài giỏi như Linh Nga sau này, nhưng Hoài Linh khởi nghiệp cũng được khen là múa dẻo, thân hình uyển chuyển, chân tay mềm mại.
Lâu lâu mới có tiết mục múa nên Hoài Linh tham gia hát cả dân ca. Hoài Linh hát dân ca cũng được nhiều người vỗ tay nên từng đánh bạo tham gia một cuộc thi hát ở Nha Trang. Nếu gặp thời chỉ cần cầm mic nhảy bổ lên sân khấu là thành ca sĩ như bây giờ thì có khi Hoài Linh cũng giành hạng nhất. Đáng tiếc thời đó ở Nha Trang cũng có Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng quy tụ nhiều giọng ca nội lực như Ánh Tuyết, Quang Linh, Long Nhật, Ngọc Thuý,...Cho nên Hoài Linh chỉ đành tạm dừng ở giải thưởng be bé và chuyển sang ngạch diễn kịch.
Trong hai năm 1991-1992, Hoài Linh vừa múa, vừa hát, vửa tấu hải nhưng vẫn chỉ là một anh nghệ sĩ tỉnh lẻ không được mấy ai biết đến. Năm 1993, nam nghệ sĩ theo gia đình sang Mỹ định cư và từ đó cuộc đời anh đã rẽ sang một hướng khác.
Phải thừa nhận rằng Hoài Linh có một tuổi trẻ nhiều bôn ba. Quê gốc của Hoài Linh ở Quảng Nam nhưng lại sinh ra ở La Hai, Phú Yên và những ngày thơ ấu lại trải qua ở Cam Ranh - Khánh Hoà. Sau năm 1975, cả gia đình Hoài Linh chuyển vào Dầu Giây, Đồng Nai. Hoài Linh học phổ thông ở Trảng Bom. Sống qua nhiều vùng đất, tiếp xúc với nhiều cư dân khác nhau giúp cho Hoài Linh "thẩm thấu" được nhiều ngôn ngữ địa phương để lấy đó làm "bài" tung tẩy trên sàn diễn.
Những năm đầu ở Mỹ, Hoài Linh nhận làm MC đám cưới trước khi kết hợp với Vân Sơn để thành lập một nhóm hài gây tiếng vang. Chính những kịch bản hài được chọn lọc kỹ trên sân khấu Thuý Nga Paris đã giúp cho tài năng của Hoài Linh được thăng hoa và danh tiếng lan toả rộng khắp.
Tuy nhiên, cộng đồng người Việt ở hải ngoại không đông đúc, show diễn không nhiều nên sự nghiệp của Hoài Linh chỉ thực sự "bùng" lên khi về nước. Chính Hoài Linh cũng xác định rõ điều này. Tức là từ năm 1998 khi Hoài Linh và Đàm Vĩnh Hưng còn chở nhau trên chiếc xe máy rong ruổi khắp Sài Gòn để chạy show. Hai gã trai như hình với bóng ngày ấy giờ đều đã trở thành những gương mặt thành danh, nhiều tiền nhưng cũng lắm thị phi.
Hoài Linh từng viết: "hy sinh tất cả việc gia đình, con cái để đeo đuổi cái nghề". Trong gia đình Hoài Linh có 6 anh chị em. Hai người em của Hoài Linh nhờ tên tuổi của anh trai mà cũng bước chân vào làng giải trí là ca sĩ Phương Trang không mấy nổi tiếng và ca sĩ Dương Triệu Vũ có tiếng tăm hơn sau khi kết hợp cùng Đàm Vĩnh Hưng. Trong khi cả gia đình vẫn ở Mỹ thì Hoài Linh một mình về Việt Nam để làm nghệ sĩ. Hoài Linh hy sinh việc gia đình thì đã rõ, còn hy sinh việc con cái thì sao?
Trước khi sang Mỹ, Hoài Linh có quen một cô gái tên là Thanh Hương ở Cam Ranh. Năm 1996, khi có chút của ăn của để, Hoài Linh về nước để kết hôn với Thanh Hương và đưa vợ sang định cư ở bên kia bờ đại dương. Nhưng sự đời trớ trêu, cuộc lương duyên cứ ngỡ đơm hoa kết trái của Hoài Linh chỉ kéo dài đúng 1 năm. Cuối năm 1997, nam nghệ sĩ ly dị vợ và để lại đứa con gái bé bỏng cho vợ nuôi. Hoài Linh trở thành người đàn ông cô đơn và biết cách an ủi những người đàn ông cô đơn khác.
Sàn diễn càng nghiêng ngả với những màu sắc cười cợt thì Hoài Linh càng toả sáng tài năng. Thường ngày, Hoài Linh chạy show đã không kịp thở chứ đừng nói đến dịp lễ Tết. Từ sân khấu hài, Hoài Linh còn lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác. Phim truyền hình muốn có lượng người xem cao cũng phải mời Hoài Linh. Phim điện ảnh muốn bán được vé cũng mời Hoài Linh. Chương trình truyền hình muốn thu hút khán giả cũng phải mời Hoài Linh.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến Hoài Linh rất được ưa chuộng trên những chiếc chiếu hầu đồng. Ai muốn giàu sang, dâng bái thần thánh đều tin cậy ở Hoài Linh xiêm y lộng lẫy, nhảy múa tưng bừng. Nhiều đồng nghiệp tiết lộ rằng, nếu Hoài Linh không lãng phí trên các chiếu bạc, thì thu nhập mỗi năm cũng không thua kém bất kỳ đại gia lớn nào hiện tại cả.
Với danh tiếng của Hoài Linh, tất nhiên có rất nhiều người muốn "dựa dẫm" để lấy tiếng làm nghề. Nhưng Hoài Linh lại không mấy thành công trong việc nhận "con nuôi" hay "em nuôi". Chắc cũng vì quá bận bịu với những mục tiêu cá nhân mà Hoài Linh khó lòng có thể định hướng, chăm sóc cho dàn "con nuôi", "em nuôi" của mình. Nhiều nghệ sĩ dấn thân showbiz bằng cái mác "con nuôi Hoài Linh" hay "em nuôi Hoài Linh" cũng chỉ nhờ được danh như thế. Mỗi lần có biến cố xảy ra, thì gần như Hoài Linh lại không có quan hệ gì với những người này cả. Đến khi Hoài Linh gặp biến cố lớn nhất trong sự nghiệp thì cũng không ai lên tiếng bênh vực cho người mà mình mang ơn lúc mới vào nghề.
Theo Báo nông nghiệp
MỤC LỤC [Hiện]