Bà mẹ tên Tess Merrell, huấn luyện viên bóng đá cho học sinh trung học ở thành phố Boise, bang Idaho (Mỹ), đã nuôi 3 đứa con bằng sữa mẹ và chưa bao giờ ngờ đến những rắc rối với đứa con thứ 4 của mình, Eleanor. Sau 1 tháng vật lộn với em bé mới chào đời, cô đã tìm đến bà Melanie Henstrom để được giúp đỡ.
Bà Henstrom, chuyên gia tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ, nhanh chóng xác định được "thủ phạm": Eleanor bị dính thắng lưỡi . Bà giải thích rằng đó là một vấn đề phổ biến ở trẻ nhỏ và có thể được khắc phục bằng một thủ thuật nhanh chóng tại phòng khám nha sĩ.
Merrell kể: "Nó được quảng cáo là phương pháp chữa bệnh thần kỳ".
Bà Henstrom đã giới thiệu Merrell đến gặp một nha sĩ. Người này đã cắt lưỡi cho bé Eleanor bằng tia laser vào tháng 12 năm 2017. Trong suốt vài ngày sau khi thực hiện thủ thuật, Eleanor không chịu ăn và bị mất nước ở mức nguy hiểm. Cô bé đã trải qua Giáng sinh đầu tiên với ống truyền dinh dưỡng.
Thủ thuật cắt thắng lưỡi cho trẻ đang bị lạm dụng một cách vô tội vạ?
Từ nhiều thế kỷ trước, thủ thuật "cắt thắng lưỡi" như vậy đã được thực hiện để giúp các em bé dễ dàng bú mẹ. Nhưng thủ thuật này đã thực sự "bùng nổ" trong thập kỷ qua khi các bà mẹ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn đối với việc cho con bú.
Một cuộc điều tra của New York Times cho thấy các chuyên gia tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ và nha sĩ đã tích cực tư vấn cắt thắng lưỡi cho trẻ, ngay cả đối với những em bé không có dấu hiệu bị dính thắng lưỡi thực sự, bất chấp cả những nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.
Trở thành "ngành công nghiệp béo bở"?
Thắng lưỡi là một dải mô nhỏ kéo dài từ sàn miệng đến đáy lưỡi. Dính thắng lưỡi là một trong những dị tật bẩm sinh khiến cử động của lưỡi bị hạn chế. Trong một số trường hợp rõ rệt, bác sĩ sẽ chỉ định cắt dải mô đó. Nhưng đa số các trường hợp, thắng lưỡi vô hại và có rất ít bằng chứng cho thấy việc cắt chúng giúp cải thiện việc ăn uống.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ và nha sĩ lại giới thiệu phương pháp phẫu thuật cắt thắng lưỡi tiên tiến bằng laser cho những bà mẹ đang lo lắng và kiệt sức trong việc cho con bú, như cô Merrell chẳng hạn.
Nó được ví một phương pháp chữa trị giúp cải thiện việc cho con bú và ngăn ngừa một loạt vấn đề sức khỏe, bao gồm ngưng thở khi ngủ, trở ngại về giọng nói và cả vấn đề táo bón, như lời của nhiều nha sĩ, bác sĩ và chuyên gia tư vấn.
Tess Merrell đã bị bà Henstrom thuyết phục để Eleanor được phẫu thuật cắt thắng lưỡi. Eleanor sau đó không chịu ăn và bị mất nước đến mức rơi vào tình trạng nguy hiểm. Cô bé đã trải qua Giáng sinh đầu tiên với ống truyền dinh dưỡng.
Các chuyên gia thường khuyên phụ huynh nên cắt bỏ không chỉ phần mô dưới lưỡi mà còn cả màng nối môi, má với nướu. Các thủ thuật nhỏ này thường tốn hàng trăm USD. Như bình luận của tờ New York Times, nó đã trở thành một ngành công nghiệp béo bở.
Theo điều tra của tờ báo này, một nha sĩ nổi tiếng ở Manhattan kiếm được hàng triệu USD (tương đương hàng chục tỷ đồng) mỗi năm từ việc cắt thắng lưỡi.
Một nghiên cứu cho thấy, số ca phẫu thuật cắt thắng lưỡi đã tăng 800%, kể từ năm 1997 đến năm 2012, từ khoảng 1.280 ca phẫu thuật lên hơn 12.000.
Bác sĩ và chuyên gia tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ thu về hàng triệu USD mỗi năm, trong khi mỗi ca phẫu thuật có giá từ 600 đến 900 USD (khoảng 15 - 22 triệu VNĐ). Một phần tiền này sẽ được chuyển cho các cố vấn nuôi con bằng sữa mẹ, những người đã giới thiệu phụ huynh đến bác sĩ.
Sự bùng nổ của số ca thực hiện thủ thuật cắt thắng lưỡi đã khiến các bác sĩ nhi khoa trên khắp nước Mỹ lo lắng.
Vào năm 2020, một cơ sở hành nghề lớn ở bang New Jersey (Mỹ) đã gửi email đến các gia đình cảnh báo rằng trẻ sơ sinh "số ca cắt thắng lưỡi bằng tia laser đã ở mức đáng báo động". Năm ngoái, một văn phòng ở bang Kentucky đã đưa ra cảnh báo tương tự, nêu ra những trường hợp em bé không chịu ăn và "đau dữ dội" sau khi điều trị bằng laser.
Tiến sĩ Charles Cavallo nói với tờ New York Times rằng ông viết cảnh báo đó để đáp lại những gì ông coi là hành vi "moi tiền" phụ huynh của các nha sĩ địa phương và các chuyên gia tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ.
Hậu quả khó lường
Các biến chứng nghiêm trọng rất hiếm. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết họ đã chứng kiến những trường hợp vết cắt thắng lưỡi gây đau đớn đến mức trẻ sơ sinh không chịu ăn, bị mất nước và suy dinh dưỡng. Một số người cho biết những chiếc lưỡi "đã cắt thắng" thậm chí còn chặn đường thở của trẻ sơ sinh.
Một số bậc cha mẹ kể rằng cảm giác tội lỗi khi nhìn thấy con mình đau đớn đã khiến họ rơi vào trầm cảm. Những người khác lại mất thêm hàng nghìn USD cho các bác sĩ trị liệu chỉnh hình và trị liệu ngôn ngữ để giúp con mình phục hồi thành công.
Không giống như hầu hết các chuyên khoa y tế ở Mỹ, thủ thuật cắt thắng lưỡi bị thực hiện mà không có nhiều sự giám sát.
Hội đồng nha khoa cấp tiểu bang từng nhận khiếu nại của công chúng, nhưng họ hiếm khi đình chỉ giấy phép của nha sĩ. Và chỉ có 3 tiểu bang có chính sách quản lý các chuyên gia tư vấn cho con bú sữa mẹ.
Ví dụ như trường hợp của bà Henstrom. Người phụ nữ này vẫn tiếp tục tự do hành nghề tư vấn cho con bú sữa mẹ ở thành phố Boise, mặc dù các nhân viên chăm sóc sức khỏe và khách hàng liên tục gửi đơn khiếu nại về bà.
Chuyên gia tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ Melanie Henstrom đã nhận một số khiếu nại từ các gia đình mà bà đề nghị phẫu thuật cắt thắng lưỡi cho con của họ. Cuối cùng, chúng không thể bú mẹ và ăn thức ăn đặc, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Trong một cuộc điện thoại ngắn với tờ New York Times, bà Henstrom cho biết bà đã quan tâm kỹ đến từng khách hàng. Bà nói: "Tôi có hàng nghìn khách hàng thực sự hài lòng với những gì tôi đang làm". Bà từ chối trả lời hàng loạt các câu hỏi chi tiết đi sâu vào vấn đề mà phóng viên đưa ra.
Lợi nhuận, lòng tham và sự thiếu hiểu biết
Ý nghĩ cho rằng thắng lưỡi có thể cản trở việc cho con bú đã có từ nhiều thế kỷ. Các nữ hộ sinh từng dùng móng tay dài và sắc nhọn để xé lớp mô bên dưới lưỡi của em bé. Năm 1601, một bác sĩ phẫu thuật hoàng gia đã cắt thắng lưỡi của Louis XIII, sau này trở thành vua của nước Pháp.
Nhưng các bác sĩ từ lâu cũng đã đưa ra cảnh báo về thủ thuật này. Một bác sĩ sản khoa người Đức đã viết vào năm 1791: "Cha mẹ thường bị lừa dối vì lợi nhuận, lòng tham và sự thiếu hiểu biết".
Với sự xuất hiện của sữa công thức được sản xuất hàng loạt vào thế kỷ 20, việc nuôi con bằng sữa mẹ không còn được đề cao và vấn đề dính thắng lưỡi hiếm khi được thảo luận. Điều đó bắt đầu thay đổi vào những năm 1970, khi việc nuôi con bằng sữa mẹ được khuyến khích trở lại.
Hút sữa từ bình là điều dễ dàng. Nhưng để bú được, trẻ phải học cách dùng lưỡi để hút sữa từ bầu ngực của mẹ.
Các chuyên gia tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ như Alison Hazelbaker bắt đầu xuất hiện để giảng dạy các kỹ thuật cho con bú. Bà nói, một số trẻ sơ sinh mà bà gặp vào những năm 1980 có biểu hiện dính lưỡi rõ ràng khiến chúng không thể bú được, nhưng các bác sĩ nhi khoa hầu như không biết về tình trạng này. Năm 1993, bà đã phát triển một công cụ đánh giá về mức độ dính thắng lưỡi và công cụ này đến nay vẫn được sử dụng.
Vào thời điểm đó, các bác sĩ nhi khoa thực hiện việc "giải phóng cho lưỡi" bằng kéo, thường là áp dụng cho những trường hợp trẻ sơ sinh có thắng lưỡi ở tận phía đầu lưỡi.
Các nha sĩ thực hiện thủ thuật này thường sử dụng tia laser để cắt phần mô nối lưỡi với đáy miệng.
Nhưng vào năm 2004, một bài báo trong bản tin của Học viện Nhi khoa Mỹ gợi ý rằng nhiều trẻ sơ sinh có thể được hưởng lợi từ thủ thuật cắt thắng lưỡi. Một bác sĩ phẫu thuật nhi khoa và một chuyên gia tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ đã viết rằng một số bệnh nhân có những sợi mô nhỏ ở phía sau lưỡi, số khác có mô nối chặt môi với nướu. Các tác giả cảnh báo rằng bất kỳ "mối ràng buộc" nào trong số này đều có thể cản trở việc bú mẹ.
Bài báo đã trở nên có sức ảnh hưởng. Bà Hazelbaker cho biết bà hoảng hốt khi chứng kiến số ca chẩn đoán dính thắng lưỡi tăng chóng mặt như vậy.
Chẳng bao lâu sau, các nhóm Facebook về dính thắng lưỡi đã thu hút hàng nghìn thành viên. "Mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ", bà nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times.
Vào năm 2020, một hội đồng gồm 16 chuyên gia tai mũi họng hàng đầu đã công bố các hướng dẫn cảnh báo rằng dị tật dính thắng lưỡi đang bị chẩn đoán quá mức và việc cắt thắng lưỡi là "không nên được thực hiện tùy tiện".
Dù có phẫu thuật cắt thắng lưỡi hay không, việc bú mẹ thường sẽ được cải thiện theo thời gian, khiến việc phân loại nguyên nhân và kết quả trở nên khó khăn. Nhiều phụ nữ tin rằng các thủ tục này giúp việc cho con bú trở nên dễ dàng hơn.
Catherine Watson Genna, một nhà tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ ở New York, đồng tác giả bài báo năm 2004, cho biết: "Tôi có những lo ngại rất lớn".
Bà cho biết, nghiên cứu mới hơn đã chỉ ra rằng một số trẻ sơ sinh có thể bị nhầm lẫn là bị dính thắng lưỡi trong khi thực tế chúng có những tình trạng khác khiến lưỡi bị hạn chế.
Tại Montana, một nha sĩ đã cắt thắng lưỡi cho con gái sơ sinh của Clara Reck vào tháng 11 năm 2022.
Reck cho biết con của cô đã mất khả năng bú. Hồ sơ y tế cho thấy cân nặng của đứa trẻ đã giảm trong 3 tháng. Cho đến tháng trước, con gái cô vẫn đang được điều trị bằng phương pháp hỗ trợ ăn.
Tại bang Delaware, Tiến sĩ Nicole Aaronson, bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng nhi khoa, cho biết tuần trước, cô nhìn thấy một cậu bé 11 ngày tuổi phải nhập viện vì tổn thương lưỡi do thủ thuật cắt thắng lưỡi bằng tia laser. Cô nói: "Cậu bé sẽ bình phục và cuối cùng sẽ ổn, nhưng quan điểm của tôi là những thủ thuật này không phải là không có rủi ro".
Và ở Texas, Satina Bolton cho biết cô đã được giới thiệu về "cách chúng tôi sẽ cứu hành trình cho con bú của bạn". Sau hai lần cắt thắng lưỡi, con gái cô phải nhập viện và cần ống truyền dinh dưỡng.
Nguồn: New York Times