Gọi cấp cứu nhưng yêu cầu nửa tiếng nữa mới đến vì "bận tắm", hành động tiếp theo càng gây phẫn nộ

Công đoàn sở cứu hỏa Incheon (Hàn Quốc) đang vô cùng bất bình trước sự việc này.

Chiều ngày 20/11, nhiều nhân viên của Sở cứu hỏa Incheon (Hàn Quốc) và Công đoàn Nhân viên Dịch vụ công Quốc gia biểu tình trước tòa thị chính Thành phố Incheon do bức xúc trước hành động của một công dân

Gọi cấp cứu nhưng yêu cầu nửa tiếng nữa mới đến vì bận tắm, hành động tiếp theo càng gây phẫn nộ - Ảnh 1.

Theo công đoàn, vào hôm 7/8, một công dân (tạm gọi là A) gọi điện cho tổng đài khẩn cấp 119, yêu cầu điều xe cấp cứu tới đón vì bị sốt và sổ mũi, tuy nhiên A. nói thêm rằng hãy tới sau 30 phút nữa vì người này còn phải tắm.

Dù yêu cầu có phần vô lý, một nhân viên cấp cứu (tạm gọi là B) ở độ tuổi 30, có 7 năm kinh nghiệm trong ngành vẫn được phía tổng đài cử đi đón A bằng xe cấp cứu một mình vào đúng thời điểm đã hẹn. Tuy nhiên khi B đến nơi, A lại yêu cầu đợi thêm vì người này chưa tắm xong. Phải 8-9 phút sau, A mới ra khỏi nhà và lên xe cấp cứu.

Trên đường đi, anh B có nhắc nhở A rằng lần sau không nên gọi xe cấp cứu như vậy vì sẽ khó khăn cho công tác cứu hộ những người thực sự cần trong tình huống khẩn cấp.

Theo Chosun, điều không ngờ được là sau đó A lại gửi hàng loạt khiếu nại tới trung tâm, phàn nàn rằng anh B "không thân thiện" và cảm thấy bị sỉ nhục. Anh B sau đó bị cảnh cáo vào ngày 28/8 và không được nhận thưởng trong 1 năm. Kể cả vậy, A vẫn tiếp tục gửi khiếu nại, khiến anh phải nhập viện vì stress.

Khi vụ việc này được biết đến rộng rãi, nhân viên cứu hỏa của Công đoàn Nhân viên Dịch vụ công Quốc gia đã yêu cầu rút lại cảnh báo dành cho nhân viên nói trên ngay lập tức.

Sở cứu hỏa Incheon sau đó giải thích: "Việc cho rằng nhân viên này bị khiếu nại ác ý là không đúng sự thật, người gọi 119 chỉ khiếu nại một lần và không có hành động lặp lại".

Họ nói tiếp: "Bệnh nhân cấp cứu được phân loại thành khẩn cấp, bán khẩn cấp, khẩn cấp tiềm năng và không khẩn cấp. Người gọi tổng đài mắc bệnh tiềm ẩn và sức khỏe kém nên được phân loại là khẩn cấp tiềm năng trong quá trình đánh giá bệnh nhân ban đầu. Nhân viên y tế được đề cập đã sử dụng giọng điệu mạnh mẽ và không thân thiện" và nói thêm dù đã thực hiện đúng nghĩa vụ nhưng nhân viên B đã gây ra khiếu nại một cách không cần thiết.

Đáp lại, anh B cho rằng: "Tôi đã nói chuyện một cách đúng mực với bệnh nhân và chính tôi đã thừa nhận điều đó trong quá trình điều tra của riêng mình".

Công đoàn sở cứu hỏa cho rằng đây không phải cách phù hợp để đối xử với các nhân viên mẫn cán và yêu cầu Sở cứu hỏa Incheon rút lại quyết định kỷ luật.

Nguồn: Chosun