Gom hàng Trung Quốc, tuồn vào Lào Cai, rao bán online, đưa đi cả nước

Lợi nhuận mỗi tháng hơn 10 tỉ đồng

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, kho hàng lậu 'khủng' ở Lào Cai mỗi tháng kiếm hơn 10 tỉ có 'công thức' là gom hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc), tuồn vào Việt Nam tập kết tại 145 Hoàng Diệu để bán online rồi giao đi khắp cả nước.


Lực lượng liên ngành khám xét và niêm phong kho hàng lậu 10.000m2 tại số 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai. (Ảnh: NAM TRẦN)

Trả lời Tuổi Trẻ Online, chánh văn phòng UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Chí Hiền cho biết lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường (QLTT) báo cáo về vụ kho hàng lậu kinh doanh online. Sau khi có báo cáo cụ thể, địa phương sẽ xem xét chuyển cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm các đơn vị liên quan nếu có sai phạm, tiếp tay cho hoạt động kinh doanh, buôn lậu.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, đầu năm 2020, Trần Thành Phú (28 tuổi, ở TP Lào Cai) ký hợp đồng thuê nhà xưởng khoảng 10.000m2 với anh Nguyễn Văn Thư (34 tuổi, con nuôi bà Nguyễn Ngọc Liên, chủ nhà số 145 Hoàng Diệu). Tuy nhiên trước đó, từ năm 2018, Phú đã bắt đầu gom hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc), "tuồn" vào Việt Nam rồi đưa về kho hàng tại số 145 Hoàng Diệu để buôn bán online.

Do kho hàng lậu này được rào chắn, cửa khóa then cài, có gác canh và chó nghiệp vụ nên hầu như người lạ, hàng xóm không biết bên trong là kho xưởng chứa hàng lậu. Theo đó, nhà kho này được chia thành 2 kho tổng, gồm kho chứa hàng nhập, rồi phân loại và chuyển hàng vào khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm, được bố trí theo từng gian, từng lô và đánh mã hàng để định vị sản phẩm.

Tại khu vực này, kho hàng tiếp tục được chia làm 2 gian kinh doanh chính. Một gian đặt tên đại lý là "Giày đồng giá 11" chuyên buôn bán mặt hàng giày, dép, quần áo, trang sức... Một gian lấy tên "Thảo Trần" buôn bán hàng tiêu dùng, đồ gia dụng...

Mỗi gian hàng đều có một phòng tổng chỉ huy để lấy các thông tin sản phẩm khách hàng quan tâm từ các máy livestream trên Facebook trước khi chuyển sang phòng kinh doanh. Tính riêng gian "Giày đồng giá 11", khoảng 40 nhân viên luôn túc trực để kết nối và chốt đơn với khách hàng.

Theo ông Nguyễn Kỳ Minh - phó chánh văn phòng Tổng cục QLTT (Bộ Công thương), qua lời khai của các nhân viên tại kho hàng, có cả người của đơn vị chuyển phát nhanh vào tận kho để gói hàng rồi đưa xe tải vào tận cửa để chở hàng đi giao khắp cả nước. "Mỗi ngày kho hàng lậu này chốt được khoảng 1.000 đơn hàng, mỗi đơn hàng trung bình 2-3 sản phẩm, ước mỗi tháng có khoảng 90.000 sản phẩm "lậu" được bán ra thị trường, thu lợi nhuận hơn 10 tỉ đồng mỗi tháng" - ông Minh nói.

"Nghiệp vụ anh em còn kém"

Đến chiều 9-7, ông Đỗ Du Bắc - quyền cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lào Cai - cho biết số hàng hóa tại kho hàng này vẫn đang được kiểm kê để tạm giữ. Tuy nhiên, chủ kho hàng (Trần Thành Phú - PV) vẫn chưa ra trình diện nên chưa thể tiếp tục điều tra làm rõ. "Bước đầu có thể khẳng định một số hàng giả nhãn hiệu lớn như Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci... chắc chắn là hàng lậu. Còn số hàng lớn như vậy có thể được gom từ nhiều nơi, không loại trừ có hàng lậu đi theo đường tiểu ngạch về" - ông Bắc nói.


Hàng hóa trong “tổng kho hàng lậu” bị niêm phong. (Ảnh: N.TRẦN)

Ông Bắc cũng thừa nhận Cục QLTT tỉnh Lào Cai chỉ phối hợp nắm bắt thông tin chung tại địa bàn để cùng thực hiện, chứ trước không nắm được hoạt động của kho hàng, đồng thời cho rằng hoạt động kinh doanh qua môi trường mạng khá mới và là thách thức đối với lực lượng nói chung, QLTT Lào Cai nói riêng.

"Nghiệp vụ của anh em địa phương trong lĩnh vực quản lý kinh doanh trên Internet là kém, chính vì thế tổng cục phải thành lập tổ với các đồng chí tinh nhuệ hỗ trợ chung cho toàn lực lượng để đấu tranh với hành vi gian lận, buôn lậu online" - ông Bắc khẳng định.

CHÍ TUỆ - NAM TRẦN (Nguồn: https://tuoitre.vn/gom-hang-trung-quoc-tuon-vao-lao-cai-rao-ban-online-dua-di-ca-nuoc-20200710081646628.htm)