Bà Gao (quận Kiến An, thành phố Hứa Xương, Trung Quốc) đã 60 tuổi nhưng vẫn còn phải chật vật kiếm tiền để chu cấp cho cậu con trai tên Yafei, năm nay 27 tuổi.
Ở tuổi trưởng thành, đáng ra Yafei phải đi tìm việc làm, kiếm tiền và phụng dưỡng cha mẹ già yếu, nhưng anh chọn "ở nhà cho yên tâm". Trước sự vất vả của cha mẹ, anh không hề hổ thẹn, thậm chí còn thờ ơ để mặc.
Giữa cha mẹ và con trai 27 tuổi còn thường xuyên xảy ra xung đột, tranh cãi đến mức tổ công tác xã hội của địa phương phải đến nhà hòa giải, trang 163 đưa tin.
Thấy con trai rời giường, bà Gao – mẹ của Yafei nhanh chóng vào gấp chăn màn, lấy quần áo của anh ta mang đi giặt, ngay lúc bà muốn nói chuyện vui vẻ với con thì cửa phòng đóng sầm lại. Người phụ nữ 60 tuổi đã rơi nước mắt vì bất lực.
Bà Gao kể hai vợ chồng bận công việc ở xa nên nhờ bà ngoại chăm sóc cho Yafei từ khi anh còn nhỏ. Bà ngoại hết mực chiều chuộng Yafei, anh ta luôn có được mọi thứ mình muốn, thích gì làm nấy, hoàn toàn không có kỷ luật.
Năm lớp 6, do Yafei không muốn đến trường nên bà ngoại đã cho anh nghỉ học ở nhà. Tới khi bà Gao biết được tình hình của con trai, mọi thứ đã quá muộn. Mối quan hệ của vợ chồng bà Gao và Yafei lúc này đã rạn nứt, anh ta luôn trách cứ bố mẹ vì đã bỏ mặc mình suốt thời thơ ấu, hai bên thường xuyên xảy ra cãi vã.
Theo bà Gao, sự chiều chuộng quá mức của bà ngoại cùng việc thiếu quan tâm của bố mẹ đã tác động lớn đến tâm lý của Yafei khi trưởng thành. Thiếu dưỡng chất khi còn nhỏ, thanh niên 27 tuổi mắc chứng nhược thị, do không được chữa trị kịp thời nên trở thành bệnh mạn tính.
Bà Gao sau này đưa con trai đi xin bác sĩ tư vấn chữa trị khắp nơi nhưng không thành công. Chứng bệnh này khiến Yafei oán hận cha mẹ, đồng thời mang tâm lý tự ti khi tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa.
Bà Gao khóc nức nở khi nói về con trai
Thấy thanh niên trong làng đều lần lượt lập gia đình, trong khi con mình "bình chân như vại", bà Gao đã chủ động tạo một buổi hẹn cho Yafei. Anh chàng 27 tuổi rất tức giận khi mẹ hẹn xem mắt mà không hề hỏi ý kiến của mình, cũng không quan tâm tới cảm xúc của anh.
Trước phản ứng dữ dội của con trai, bà Gao nhận ra sai lầm của mình, thôi không thúc giục anh chuyện cưới xin. Bà càng thấy rõ hơn mối quan hệ giữa mình và con trai rạn nứt quá lớn, khó lòng vun đắp lại.
Tổ công tác cộng đồng ở địa phương đã tìm cách hòa giải mâu thuẫn trong gia đình bà Gao. Họ phát hiện trong quá trình trò chuyện, chân tay của Yafei luôn thể hiện sự căng thẳng, cố gắng thu mình lại.
"Yafei là thanh niên 27 tuổi, hoàn toàn có thể tự lo cho mình và làm chủ cuộc sống. Nhưng bà Gao lại luôn vô thức giúp đỡ con mọi chuyện, điều này làm tăng cảm giác phụ thuộc của anh ấy. Vì vậy, để Yafei tự lập, trước hết cha mẹ cần học cách để con tự lo liệu", một cán bộ trong tổ hòa giải chia sẻ.
Những đứa con "tầm gửi" - nỗi khổ lớn với cha mẹ
Có con sống bám là nỗi khổ lớn với cha mẹ nhưng đó cũng là hậu quả từ cách giáo dục con. Nhiều phụ huynh chỉ nhận ra vấn đề và ân hận khi bản thân họ quá mệt mỏi, kiệt quệ vì phải 'hầu' con.
Đa số những đứa con "tầm gửi" là con trai, thường là con một hay con trai duy nhất trong gia đình đông chị em gái, được bao bọc, chiều chuộng từ bé. Ngoại trừ những trường hợp sa ngã vào các tệ nạn xã hội, những người con sống bám thường vin vào nhiều cớ để tránh phải tự lập.
"Có cậu ấm gần 30 tuổi vẫn đợi mẹ nấu cơm, giặt đồ, ngửa tay xin tiền tiêu vặt vì bận học hết đại học tới cao học rồi chứng chỉ này, bằng cấp kia. Bà mẹ trước đây luôn động viên con chỉ cần học giỏi, mọi việc ba mẹ lo, giờ thì kêu trời vì chẳng biết ngày nào con đi làm và tự sống được" - một chuyên gia tâm lý chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Nhiều người khác không chịu đi làm hoặc không trụ được ở nơi nào lâu với nhiều lý do như không tìm được việc tốt, sếp khó chịu, môi trường làm việc không phù hợp... Có những quý tử dù được bố mẹ, người thân đầu tư vốn, tạo việc làm hay giúp xin vào các vị trí thuận lợi nhưng cũng không chịu lao động hoặc chỉ làm cho có, vẫn dựa dẫm vào phụ huynh.
Việc quá chiều chuộng, luôn làm thay khiến con thấy mình như ông tướng trong nhà là một nguyên nhân dẫn tới việc người trẻ sống ỷ lại. Nhiều cha mẹ khác không chỉ bao bọc mà còn luôn can thiệp, chỉ đạo trẻ phải làm theo ý mình, dần dần khiến con mất đi khả năng suy nghĩ, làm việc độc lập, luôn phải bám víu vào gia đình.
Để tránh rơi vào cảnh này, điều quan trọng nhất cha mẹ cần dạy con là biết yêu lao động: Lúc nhỏ biết phục vụ bản thân, lớn hơn thì phụ giúp cha mẹ và dần độc lập trong cuộc sống.