Cho rằng giữ tiền ở trong nhà không an toàn, người dân làng này đã nghĩ đến phương án gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên khi biết lãi suất của ngân hàng ở trong vùng khá thấp, họ lại có chút lưỡng lự. Lúc này, chị Vương, cũng là một người dân trong làng, đã giới thiệu mọi người cùng gửi tiền vào ngân hàng nơi chị đang làm việc. Theo lời người phụ nữ này, ngân hàng này tung ra chiến dịch tiết kiệm lãi suất cao, nếu tham gia sẽ được hưởng khoản lãi vô cùng lớn.
Nghe lời chị Vương, anh Diệp cùng 41 người dân trong làng đã quyết định gửi tiền vào ngân hàng. Lúc đầu, anh Diệp gửi hơn 2 triệu NDT vào tài khoản của mình và nhận được 10.000 NDT (hơn 35 triệu đồng) tiền lãi sau 1 năm. Tuy nhiên đến năm thứ 2, chị Vương yêu cầu anh gửi tiền thẳng vào tài khoản của mình để “tiền đẻ ra tiền” nhiều hơn.
Theo người phụ nữ này, ngân hàng nơi chị làm việc còn có gói tiền gửi với lãi suất cao dành riêng cho nhân viên. Nếu anh Diệp gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm của chị Vương thì tiền lãi nhận được sẽ cao hơn. Không những thế, khâu gửi tiền và rút tiền khi đến hạn cũng sẽ dễ dàng hơn. Để đối phương tin tưởng mình, chị Vương đã soạn sẵn một tờ giấy cam kết để 2 bên cùng ký. Trong đó ghi rõ khoản tiền mà anh Diệp đã bàn giao cũng như lãi suất và kỳ hạn hoàn trả tiền.
Bằng cách này, không chỉ anh Diệp mà các hộ gia đình khác trong làng cũng gửi tiền cho chị Vương. Tổng số tiền mà người phụ nữ này nhận quản lý là 27,9 triệu NDT (hơn 97 tỷ đồng). Tuy nhiên 1 năm sau đó, khi đến ngày đáo hạn, anh Diệp và những người khác lại không thấy chị Vương liện hệ trả tiền. Lúc này, họ gọi điện cho người phụ nữ này nhưng không liên lạc được.
Vì quá lo lắng, anh Diệp đã đến ngân hàng hỏi thăm thì nhận được tin chị Vương đã nghỉ việc cách đó 1 tháng. Về số tiền mà dân làng gửi chỗ người phụ nữ này, phía ngân hàng cho biết họ không liên quan cũng như không biết gì về vụ việc. Để tìm lại số tiền của mình, anh Diệp và 41 hộ dân khác trong làng đã quyết định trình báo vụ việc cho cảnh sát.
Sau một số cuộc điều tra, cảnh sát xác nhận chị Vương là kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Tuy nhiên họ không tìm thấy bằng chứng xác đáng nào chứng minh việc người phụ nữ này “cuỗm” tiền của khách hàng có liên quan đến ngân hàng. Do đó, để tìm lại số tiền đã mất, người dân chỉ còn cách chờ đợi kết quả điều tra từ phía cảnh sát. Cũng đúng lúc này, chị Vương bất ngờ xuất hiện tại sở cảnh sát địa phương và thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Dẫu vậy, cũng theo người phụ nữ này, toàn bộ số tiền 27,9 triệu NDT mà chị chiếm đoạt được đã mất sạch vì thua lỗ khi đầu tư chứng khoán.
Với hành vi sai phạm trên, chị Vương đã bị kết án 5 năm tù, thế nhưng những nạn nhân trong vụ án này vẫn không thể lấy lại tiền tiết kiệm của mình. Không thể chấp nhận kết quả đó, 42 hộ dân liên quan đã cùng nộp đơn khởi kiện ngân hàng ra tòa vì cho rằng đơn vị này cũng phải chịu trách nhiệm về số tiền đã biến mất của họ.
Dù kết quả của vụ kiện không được công bố, thế nhưng câu chuyện này cũng là bài học sâu sắc cho những người đã, đang và sẽ tham gia dịch vụ gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Cảnh sát cũng khuyên khách hàng muốn gửi tiền ở các đơn vị tài chính cần phải cảnh giác khi được nhân viên trao đổi riêng, chào mời lãi suất cao, giao dịch tại nhà hoặc giao dịch tại phòng riêng để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo như trường hợp trên.
(Theo Sohu)