"Hạ đo ván" TikTok, tại sao ông Trump còn cấm thêm cả WeChat?

WeChat là gì?

Không chỉ TikTok, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cấm WeChat trong loạt động thái leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Vậy tại sao ông phải cấm thêm WeChat?

WeChat còn được gọi là Weixin ở Trung Quốc, hoạt động như Facebook, LinkedIn, Uber, Instagram hay một số ứng dụng tương tự khác. Đối với nhiều người Trung Quốc, WeChat là một ứng dụng liên lạc không thể thiếu trong điện thoại.

Để có được thành công đó, không thể không nhắc tới sự trợ giúp của chính phủ Trung Quốc khi đã chặn nhiều ứng dụng của Mỹ gồm Facebook, Google và Twitter. Hành động được cho là nhằm mục đích khiến ứng dụng của một công ty có vốn từ chính phủ trở nên thiết yếu.

WeChat thuộc sở hữu của Tencent - công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc và là công ty game lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của Tencent vào tháng 3 vừa qua, WeChat có gần 1,2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.

Tuy công ty không tiết lộ số lượng người dùng theo quốc gia nhưng các nhà phân tích trong ngành cho biết, phần lớn người dùng ở Trung Quốc. Ứng dụng này đã được chính phủ Trung Quốc rót vốn kể từ khi được thành lập vào năm 2011.

Tính năng của WeChat?

WeChat có nhiều chức năng hơn ở Trung Quốc so với Mỹ. Ở Mỹ, bạn có thể gọi taxi, chơi các game đơn giản, cập nhật story và gửi tiền. Ở Trung Quốc, nơi các cửa hàng thường xuyên chấp nhận WeChat Pay như một hình thức thanh toán và mã QR ở khắp các thành phố, không có giới hạn đối với Wechat.

Với WeChat, bạn có thể thanh toán hóa đơn, check thực đơn nhà hàng, tìm địa điểm ăn chơi ở địa phương, đặt lịch hẹn với bác sĩ, liên hệ với các đối tác làm ăn mới, báo cáo cho cảnh sát, đọc tin tức và truy cập các dịch vụ ngân hàng...

Biện pháp của ông Trump là gì?

Tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra sắc lệnh cấm WeChat và TikTok - ứng dụng video dạng ngắn thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh ngừng hoạt động tại Hoa Kỳ trong 45 ngày nếu các công ty mẹ không bán lại. Theo sắc lệnh này, lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với "bất kỳ giao dịch nào có liên quan đến WeChat/TikTok" được thực hiện bởi bất kỳ người nào hoặc "bất kỳ tổ chức nào" tuân theo quyền tài phán của Hoa Kỳ.

Trump đã viết trong lệnh hành pháp: "Giống như TikTok, WeChat tự ý thu thập rất nhiều thông tin từ người dùng. Việc thu thập dữ liệu này đe dọa cho phép Trung Quốc truy cập vào thông tin cá nhân và quyền riêng tư của người Mỹ" và "Mỹ phải đưa ra những biện pháp tích cực phản đối chủ sở hữu của WeChat để bảo vệ an ninh quốc gia".

WeChat được cho là có những tính năng giám sát chặt chẽ bất chấp việc Tencent cố gắng thuyết phục người dùng "Xin hãy yên tâm, tôn trọng quyền riêng tư của người dùng luôn là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của WeChat" như công ty đã viết trong một bài đăng trên blog năm 2018.

Trong một báo cáo năm 2016 của Tổ chức Ân xá Quốc tế về quyền riêng tư của người dùng, ứng dụng của Tencent đã bị đánh giá ở mức 0/100 và thiếu mã hóa đầu cuối. Tencent không tiết lộ thời điểm chính phủ Trung Quốc yêu cầu dữ liệu người dùng và không cung cấp chi tiết về loại mã hóa họ đang sử dụng nếu có.

Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến ai?

Cú giáng đòn đối với Tencent hầu như chỉ mang tính tượng trưng do WeChat có thị phần nhỏ ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu các ứng dụng chơi game - một phần lớn trong hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng có thể gây nên vấn đề lớn.

Tencent sở hữu Riot Games - nhà sản xuất game máy tính lớn nhất thế giới với tựa game nổi tiếng Liên Minh Huyền Thoại và có cổ phần trong Epic Games, công ty mẹ của Fortnite. Tencent cũng sở hữu công ty kinh doanh game điện thoại di động khổng lồ và đang làm việc với Công ty Pokémon để tạo ra "Pokémon Unite" - sự kết hợp giữa Pokémon và Liên Minh Huyền Thoại. Pokémon Unite đã được công bố vào tháng 6, dự kiến phát hành trên Nintendo Switch và điện thoại di động.

Trong quá khứ, Tencent cũng từng đối mặt với các hạn chế của chính phủ trước đây, khi Trung Quốc ngừng phê duyệt các trò chơi mới trong 9 tháng vào năm 2018. Cổ phiếu Tencent đã mất 25% giá trị trong khoảng thời gian đó.

Đáp trả từ WeChat và Trung Quốc?

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã "kiên quyết phản đối" các lệnh hành pháp nhắm vào WeChat và TikTok. "Hoa Kỳ đang sử dụng an ninh quốc gia như một cái cớ và sử dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các doanh nghiệp nước ngoài.", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nước này Wang Wenbin phát biểu trong cuộc họp báo thường nhật.

Người phát ngôn của Tencent thì cho biết, công ty này "đang xem xét lại sắc lệnh điều hành của Tổng thống Trump để hiểu rõ hơn".

Theo CNN