Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama (ACP) cho biết, một đợt hạn hán chưa từng có đang ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước của kênh đào này và khiến các nhà chức trách phải áp phụ phí cũng như giới hạn trọng lượng với tàu thuyền qua lại mỗi ngày, giảm từ 36 xuống còn 32. Điều này đã gây ra tình trạng chậm trễ và ùn tắc giao thông trên biển.
Kênh đào Panama đối mặt với hạn hán kỷ lục
Kênh đào Panama là một tuyến đường thủy nhân tạo dài 82 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Việc tạo ra công trình này đã đóng góp lợi ích to lớn cho vận chuyển toàn cầu. Trước khi kênh đào Panama được xây dựng, tàu biển thường phải đi vòng qua cực Nam của Nam Mỹ - tuyến đường dài và nguy hiểm hơn nhiều.
Việc di chuyển qua kênh đào Panama đã rút ngắn hải trình hơn 13.000 km, tiết kiệm chi phí và thời gian. 5% các dịch vụ giao thương bằng đường biển của toàn cầu đi qua tuyến đường thủy chiến lược này.
Tàu thuyền di chuyển qua kênh đào Panama nhờ một hệ thống âu tàu. Âu tàu lấy nước từ một số hồ chứa nước ngọt để làm nổi các tàu chở hàng khổng lồ. Tuy nhiên, Panama đang gặp hạn hán và mực nước ở hồ Gatun, một trong những hồ chứa cung cấp nước chính cho con kênh, đang giảm kỷ lục. Một số tàu đi qua kênh đào buộc phải chở ít hơn 40% hàng hóa để tránh chạm đáy trong thời gian này.
Việc di chuyển tàu qua hệ thống âu tàu của kênh tiêu thụ một lượng lớn nước ngọt, từ 55 đến 125 triệu gallon mỗi tàu, tùy thuộc vào kích cỡ của nó. Phần lớn lượng nước đó thường bị xả ra đại dương và Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama hiện đang áp dụng các phương pháp để lưu trữ và tái sử dụng một phần nước để giải quyết khủng hoảng.
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sự sống còn của tuyến đường này. Người quản lý của kênh đào, ông Ricaurte Vasques cho biết: "Chúng tôi phụ thuộc trực tiếp vào khí hậu nên khi nó thay đổi, chúng tôi là những người cảm nhận rõ nhất".
Antonio Dominguez, Gám đốc Điều hành của Công ty vận tải Maersk, đơn vị sử dụng kênh đào nhiều nhất, cho biết ông lo ngại hạn hán kéo dài có thể dẫn đến sự chậm trễ và tăng chi phí vận chuyển, có khả năng ảnh hưởng đến hàng hóa Giáng sinh và các mặt hàng tiêu dùng khác và khiến mọi thứ trở nên "đắt hơn".
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn đang được cân nhắc cho kênh đào Panama, bao gồm kênh nhân tạo tiết kiệm nước sẽ tích trữ nước ngọt trong các lưu vực để có thể tái sử dụng. Ngoài ra, giải pháp xây dựng thêm các hồ chứa và nhà máy khử mặn cũng đang được nghiên cứu.
Các nhà chức trách đang xem xét việc chuyển dòng nước từ các con sông khác và xây dựng thêm các hồ chứa để đáp ứng nhu cầu của con kênh.
Theo CBS