Con số này thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định và thậm chí còn thấp so với các quốc gia phát triển khác có tỷ lệ đang giảm, như Mỹ (1,6) và Nhật Bản (1,3) mà họ coi là tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử của mình.
Số con trung bình mà một phụ nữ Hàn Quốc có trong đời hiện giảm chỉ còn 0,79. Ảnh: Getty Images
Vấn đề thường được đổ lỗi cho các yếu tố kinh tế khiến nhiều người trẻ khó lập gia đình như giá nhà đất cao, chi phí học hành tốn kém, công ăn việc làm không ổn định… Các chính phủ kế tiếp nhau không thể giải quyết được vấn đề, dù đầu tư bao nhiêu tiền của cho việc tăng tỷ lệ sinh.
Tăng trợ cấp hằng tháng
Trong chuyến thăm một nhà trẻ vào tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thừa nhận rằng, hơn 200 tỷ USD đã được chi ra để cố gắng tăng dân số trong 16 năm qua. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức vào tháng 5, chính quyền của ông đã đưa ra một vài ý tưởng mới để giải quyết vấn đề ngoài việc tiếp tục rót tiền. Đó là thành lập một ủy ban để nghiên cứu sâu vấn đề kết hôn, sinh con và cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho trẻ sơ sinh.
Khoản trợ cấp hằng tháng cho cha mẹ có con nhỏ dưới 1 tuổi sẽ tăng từ 300.000 won hiện tại lên 700.000 won (230 USD đến 540 USD) vào năm 2023 và lên 1 triệu won (770 USD) vào năm 2024. Nhiều chuyên gia cho rằng, cách vung tiền hiện tại là quá một chiều, thay vào đó, nên tiếp tục hỗ trợ trong suốt cuộc đời đứa trẻ.
Cô Kim Min-jeong, người sắp sinh con thứ hai trong tháng 12 này, đang lướt qua các gian hàng tại một hội chợ trẻ em. Cô tỏ ra thờ ơ với lời cam kết của chính phủ về việc tăng trợ cấp. “Họ đã đổi tên và hợp nhất các khoản trợ cấp, nhưng đối với những bậc cha mẹ như chúng tôi, không có thêm lợi ích nào nữa”, cô nói. Cô nói rằng, vấn đề mình gặp phải là không thể đi làm từ khi đứa con đầu lòng chào đời vì hai vợ chồng không đủ tiền chi trả cho việc gửi con ở nhà trẻ tư nhân. Cô phải nghỉ làm để trông con.
Các nhà trẻ công lập không thu phí, nhưng một số vụ bê bối trong những năm gần đây liên quan việc bảo mẫu đánh trẻ nhỏ đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại. Mặc dù số trường hợp bạo hành rất nhỏ, nhưng chúng đã được công bố rộng rãi và cảnh quay qua camera giám sát đã gây chấn động.
Cản trở mang tính xã hội
Những rào cản đối với việc sinh con còn là một loạt vấn đề mang bản chất xã hội hơn là kinh tế và chúng có thể tồn tại lâu dài dù chính phủ rót bao nhiêu tiền cho việc gia tăng dân số. Trong số đó có những điều có thể được gọi là quy tắc bất thành văn về vai trò làm cha mẹ.
Trong khi việc có con là điều rất được các cặp vợ chồng ở Hàn Quốc mong đợi, xã hội vẫn không hài lòng với những ông bố bà mẹ đơn thân. Dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không được cung cấp cho phụ nữ độc thân, theo số liệu chính thức từ các bệnh viện. Giáo sư luật Cho Hee-kyoung, người giữ một chuyên mục về các vấn đề xã hội trên báo Hàn Quốc, nói: “Chúng ta vẫn có cái nhìn rất khắt khe đối với các bà mẹ đơn thân. Cứ như thể họ đã làm sai điều gì đó khi mang thai ngoài giá thú… Tại sao nhất thiết phải có hôn nhân mới có thể nuôi con?”.
Trong khi đó, các cặp vợ chồng trong quan hệ đối tác phi truyền thống cũng phải đối mặt sự phân biệt đối xử. Hàn Quốc không công nhận hôn nhân đồng giới và các quy định hiện hành gây khó khăn cho các cặp vợ chồng chưa cưới nhận con nuôi.
Cô Lee Jin-song, người đã viết sách về xu hướng không kết hôn hoặc sinh con của những người trẻ tuổi, cho rằng các chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh cần phải bao hàm nhiều hơn, chứ không chỉ quan niệm truyền thống về hôn nhân giữa nam và nữ. “Hôn nhân truyền thống vẫn dựa trên cách tiếp cận lấy sự bình thường làm trung tâm. Vì vậy, cách tiếp cận này đã loại trừ những người khuyết tật, người có bệnh hoặc sức khỏe sinh sản kém”, cô Lee nói.
Cô Lee chỉ ra một câu đùa phổ biến ở Hàn Quốc - “Nếu không hẹn hò vào năm 25 tuổi, bạn sẽ biến thành con hạc”. Nghĩa là nếu độc thân, bạn sẽ không còn là con người. Cô cho biết, xã hội coi cô và những người độc thân khác như cô là ích kỷ vì không đáp ứng kỳ vọng truyền thống về hôn nhân và con cái, “bỏ bê nghĩa vụ của mình đối với xã hội, chỉ chạy theo hạnh phúc cá nhân”.
Cô Lee nhấn mạnh áp lực sinh con đối với phụ nữ trong một xã hội gia trưởng. “Kết hôn, sinh con và chăm sóc con cái đòi hỏi người phụ nữ phải hy sinh quá nhiều trong một xã hội gia trưởng, đặc biệt là trong thập kỷ qua. Vì vậy, họ bắt đầu khám phá khả năng có thể sống tốt mà không cần kết hôn”, cô nói.
Giáo sư Cho nói rằng, lâu nay có một kỳ vọng xã hội rằng người cha hy sinh cho cơ quan, doanh nghiệp, còn người mẹ hỗ trợ gia đình, ngay cả khi phụ nữ cũng đi làm. “Tôi biết rất nhiều cặp vợ chồng mà phụ nữ thực sự kiếm được nhiều tiền hơn đàn ông, nhưng khi họ về nhà, vợ phải làm việc nhà, chăm sóc con cái và hỗ trợ tinh thần cho chồng”, bà Cho kể.
Trong khi đó, những người chồng muốn tham gia nhiều hơn vào việc nuôi dạy con cái lại nhận thấy văn hóa công sở, văn hóa kinh doanh ở Hàn Quốc không phải lúc nào cũng cho phép điều đó. Trên giấy tờ, thời gian nghỉ phép của cha mẹ đã được tăng lên, nhưng ít người cảm thấy thoải mái khi nghỉ hết phép.
Chồng của cô Kim, anh Park Kyung-su, cho biết anh hy vọng có thể chung tay nuôi dạy đứa con thứ hai của mình, nhưng “trong công việc, không có sự thông cảm hay đối xử đặc biệt nào đối với việc có con nhỏ, nên tôi cảm thấy không thoải mái khi sử dụng ngày nghỉ thai sản; tôi muốn có phản hồi tốt trong công việc”. Có một nỗi sợ phổ biến rằng, những người được thăng chức hiếm khi là những người đặt gia đình lên hàng đầu.
Tỉ lệ sinh thấp đang gây rắc rối cho Hàn Quốc - một quốc gia có dân số già đang phải đối mặt tình trạng thiếu lao động để hỗ trợ hệ thống lương hưu.