Sau nhiều năm yêu nhau, anh Han và bạn gái quyết định tổ chức đám cưới để cùng nhau xây dựng tổ ấm, theo Sohu. Dựa theo phong tục địa phương, trước ngày cưới, gia đình anh Han đã mang rất nhiều sính lễ tới tặng nhà gái. Khi nhà gái đòi 100.000 NDT (hơn 356 triệu đồng) mới cưới, anh Han cũng chấp nhận, chỉ mong sớm được đón cô dâu về.
Đúng ngày cưới, đoàn nhà trai mang sính lễ đến đón dâu, sau đó di chuyển về nhà để tổ chức lễ thành hôn. Chẳng ngờ, khi xe hoa đã đỗ trước cửa nhà chú rể, cô dâu lại nhất quyết không chịu xuống xe.
Thấy vậy, chú rể đi tới gần cửa ô tô, quỳ một chân xuống để mời cô dâu ra khỏi xe nhưng cô vẫn nhất quyết không chịu. Một lúc lâu sau chú rể gặng hỏi, cô dâu mới nói rằng muốn được tặng thêm 100.000 NDT nữa mới đồng ý làm đám cưới.
Không thể lập tức xoay xở số tiền lớn như vậy, anh Han "chữa cháy" bằng cách đưa cho cô dâu phong bì 10.000 NDT nhưng cô không nhận.
Chứng kiến cảnh tượng đó, bố chú rể tức giận tới mức lên cơn đau tim rồi ngất xỉu tại chỗ. May mắn, người nhà kịp thời cho ông uống thuốc trợ tim nên mới dần hồi tỉnh. Sau một loạt sự việc xảy ra, chú rể vừa bối rối vừa bực mình, bày ra vẻ mặt đầy bất lực.
Cuối cùng, anh dứt khoát đóng cửa xe hoa lại rồi nói với tài xế: "Đưa người về đi, tôi sẽ không lấy vợ nữa".
Nói xong, chú rể bỏ cô dâu ở ngoài, một mình đi vào trong nhà. Hành động này không khác nào một "cái tát" vào mặt cô dâu và nhà gái. Được biết, chú rể không hề dọa cô dâu mà thực sự đã hủy hôn. Anh đi vào hôn trường, lên tiếng giải thích và xin lỗi người thân, bạn bè cũng như quan khách đến tham dự đám cưới.
Sau khi được đăng tải, sự việc đã khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" với nhiều ý kiến khác nhau. Đa số mọi người đều ủng hộ cách xử lý của chú rể, đồng thời chỉ trích hành động của cô dâu, cho rằng cô quá tham lam và thực dụng để rồi đánh mất tình cảm, làm xấu mặt gia đình, bản thân.
Thực trạng "sính lễ trên trời" ở Trung Quốc
Theo điều tra, "sính lễ trên trời", hay đó chính là phần sính lễ có giá trị cao ngất ngưởng, thay đổi dựa theo tình hình phát triển kinh tế của các khu vực ở Trung Quốc. Thực trạng sính lễ diễn biến cực đoan đến nỗi đàn ông muốn lấy vợ chỉ cần đến hỏi giá sính lễ, vừa ý thì lập tức tổ chức đám cưới.
Ở Sơn Đông (Trung Quốc), trước khi hai người quyết định yêu nhau, các cô gái phải xác định người con trai mình muốn tiến tới có thể chuẩn bị 20 cây thuốc lá, 20 bình rượu, 200kg hạt dưa, 200kg lá trà, 200kg kẹo mứt hay không.
Một số địa phương còn tồn tại cách tính tiền bằng cân. Tiền cưới vợ trở thành gánh nặng rất lớn cho nhà trai.
Ở Cam Túc, sính lễ trung bình tại các vùng đồng bằng là 150.000 NDT(hơn 542 triệu VND), ở vùng núi thì cao hơn một chút với 180.000 NDT (hơn 650 triệu VND). Ngoài ra, còn có trang sức vàng, phục trang và các chi phí tổ chức đám cưới khác, tổng cộng hơn 250.000 NDT (hơn 900 triệu VND). Trong khi đó, thu nhập từ công việc làm nông mỗi năm của các hộ nông thôn chỉ dao động 20.000 NDT (hơn 72 triệu VND).
Thu nhập ở vùng nông thôn thì ít, nhưng sính lễ lại cao hơn cả thành phố. Điều này khiến những gia đình có con trai cần cưới vợ phải lâm trong cảnh nợ nần chồng chất.
Muốn cưới được vợ cho con trai, bố mẹ của những người đàn ông phải đáp ứng mức giá sính lễ và hàng loạt yêu cầu khác do nhà gái đưa ra. Đương nhiên, không phải ai cũng có thể chi trả được "sính lễ" này. Ảnh minh hoạ
Giáo sư Chu Hiếu Chính của Học viện nhân khẩu và xã hội thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc phân tích cho rằng, nguyên nhân đằng sau của thực trạng "sính lễ trên trời" có liên quan mật thiết đến sự mất cân bằng trầm trọng trong tỷ lệ giới tính nhân khẩu của xã hội Trung Quốc.
Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ nam nữ của Trung Quốc là 51,24 : 48,76. Đặc biệt, số lượng nam giới đến độ tuổi kết hôn ở nông thôn cao một cách rõ rệt.
Đối với một gia đình truyền thống nông thôn ở Trung Quốc, hôn nhân là một dạng móc nối giữa tài sản và kinh tế, trong đó bao gồm nuôi con dưỡng cái và cả dưỡng lão. Đương nhiên, dưỡng lão ở đây không chỉ đơn thuần là cặp vợ chồng già nương tựa vào nhau, mà còn phải có sự chăm sóc của con trai và con dâu.
Tất cả những nguyên nhân trên đã lý giải được vì sao sính lễ đám cưới lại ngày càng cao như vậy. Các gia đình nông thôn sinh được con gái sẽ bám víu vào cái cớ "con gái lấy chồng như bát nước đổ đi" và tỷ lệ nam nữ không đồng đều để lấy sính lễ làm phần tiền thu hồi vốn, có được một khoản kha khá để dưỡng lão sau này.
"Sính lễ trên trời" càng phổ biến thì càng có nhiều cuộc tình đổ vỡ. Đó cũng chính là lý do hôn nhân Trung Quốc còn xuất hiện tình trạng: Trước khi bắt đầu tìm hiểu thì người con gái sẽ thông báo người con trai yêu cầu sính lễ, nếu đôi bên đều vừa ý thì mới chính thức quen nhau.
Tuy nhiên, tìm hiểu là một chuyện, kết hôn lại là chuyện khác. Sính lễ tăng lên theo từng ngày, hai người có đến được với nhau hay không còn phải tùy thuộc vào khả năng của nhà trai.