Hành trình Yên Viên (Hà Nội) - Hạ Long (Quảng Ninh) kéo dài 8 tiếng đồng hồ, đi qua 13 nhà ga và 5 tỉnh thành. Mỗi ngày, toa hành khách gần như không có người. Đoàn tàu cũ kỹ, mùi ẩm mốc xộc vào mũi, hệ thống âm thanh đã hỏng từ lâu. Những chiếc quạt chổi than được sử dụng từ thời bao cấp không mấy hoạt động.
4h30 sáng, ga tàu Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) không một bóng người. Chỉ khoảng 20 phút nữa, chuyến tàu sẽ khởi hành tới ga Hạ Long. Nhân viên bán vé còn chưa tỉnh ngủ, nếu như tôi không gõ cửa. “Tàu không có ghế mềm, chỉ có ghế cứng thôi, chị có đi không?”. Tôi gật đầu. Vé tàu dọc hành trình từ Yên Viên tới Hạ Long có giá 80.000 đồng. “Chị ra tàu ngay nhé, sắp khởi hành rồi!”.
4h45 phút, đoàn tàu nằm quạnh hiu, sương sớm bao phủ khắp không gian, trời tối đen như mực. Khung cảnh một đoàn tàu chở khách nhộn nhịp, huyên náo và tấp nập không dành để miêu tả về hành trình này tại ga Yên Viên.
Tôi lên tàu, nhân viên thông báo toa hành khách đã bị… cắt mất, chỉ còn một toa hàng hoá như thế này và toa dành cho nhân viên đường sắt. Nếu tôi không đi, chuyến tàu rời ga mà không có bất cứ hành khách nào.
.
Đúng 4h55 phút, đoàn tàu mang số hiệu 51501 rời ga Yên Viên đi thành phố Hạ Long chỉ với một hành khách – là tôi.
Đoàn tàu cũ kỹ, mùi ẩm mốc xộc vào mũi, hệ thống âm thanh đã hỏng từ lâu. Những chiếc quạt chổi than được sử dụng từ thời bao cấp không mấy khi hoạt động.
Trước đây, có 2 toa khách, 4 toa hàng, do quá ít khách nên đã cắt giảm xuống 1 toa khách và 2 toa hàng. Những chiếc ghế gỗ được giữ lại từ thập niên 80, mang nhiều dấu ấn thời gian.
Vì không có hệ thống điều hoà, đoàn tàu mở các cánh cửa 2 bên khoang để gió lùa vào. Tàu đi qua 13 nhà ga, 5 tỉnh: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, với tốc độ trung bình 25 km/h.
Không có khách, các nhân viên trên tàu chủ yếu ra hiệu lệnh mỗi khi tàu vào ga, hoặc mở cửa then chốt các đoạn cửa trước và sau. Hành trình kéo dài 8 tiếng, phần lớn thời gian họ dành để nghỉ ngơi và chuyện trò cùng nhau.
Nhiều năm qua, chuyến tàu Yên Viên – Hạ Long, nếu vào dịp du lịch chỉ có hơn chục hành khách, còn lại mỗi tuần đều lác đác. Vì 8 tiếng đồng hồ dọc chuyến đi, nên không có hành khách nào với ý định du lịch, lại có nhu cầu đi tàu tới Hạ Long. Hơn nữa, ga Yên Viên cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 11km, trang thiết bị cũ kỹ, không đủ đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Cũng hành trình này, xe khách chỉ mất 3 tiếng.
Tháng 4/2018, do thua lỗ cả tỷ đồng, đoàn tàu Yên Viên – Hạ Long từng phải cắt giảm xuống chỉ chạy 1 chuyến/tuần vào ngày thứ 6. Nhưng sau 5 tháng đình trệ, hiện nay, tàu đã vận hành mỗi chuyến/ngày. Điều này chỉ nhằm mục đích an sinh, trong khi cứ lăn bánh là xác định không có khách.
Uống trà là cách duy nhất giúp nhân viên đường sắt… giết thời gian và mở ra những câu chuyện trên tàu. Có người làm ở đây gần 10 năm rồi, nhưng chưa khi nào được thấy cảnh toa hành khách đầy chỗ.
Khoảng 6h30, đoàn tàu đến ga Bắc Ninh, lúc này có 4 hành khách lên tàu: 1 người phụ nữ lớn tuổi và 3 nhân viên đường sắt làm việc tại nhà ga khác. Phần lớn hành khách đi chuyến tàu là người cao tuổi, có lác đác một vài gia đình có trẻ em do bị say ô tô nên phải chọn tàu hỏa là phương tiện đi lại.
Đến ga Xép (Bắc Giang) – ga thứ 5 của hành trình, hàng tá tiểu thương ồ ạt lên tàu. Toa hàng dường như là nơi sinh động nhất, tiếng cọt kẹt của sàn tàu xập xệ từ thế kỷ trước, tiếng cười nói của các tiểu thương, tiếng rao hàng rong vang vọng khắp toa, tiếng còi tàu ầm ĩ át hết mọi thứ.
Các tiểu thương kể, ngày xưa mỗi chuyến tàu có thể chở khoảng 4 tấn hàng hóa, nhưng hiện nay khối lượng giảm hẳn. Vào những ngày tàu không chạy, họ sẽ sử dụng dịch vụ của các nhà xe.
.
Đoàn tàu dừng khoảng 30 phút để tiểu thương chất hàng hoá lên khoang. Chủ yếu là rau, củ, chim, vịt, gà…, y như tàu “chợ” của thời bao cấp.
Với những người đi tàu thường xuyên như các tiểu thương, việc lựa chọn đi tàu chỉ có hai lý do duy nhất, là an toàn và có khoang để đồ rộng rãi. Số khác thì đi tàu vì đã gắn bó vài chục năm qua. Nhưng cũng đã có không ít tiểu thương bỏ tàu cùng nhau chung tiền mua xe tải để vận chuyển.
Với họ, chuyến tàu đi Hà Nội – Hạ Long không chỉ lạc hậu, mà còn chậm quá nhiều so với việc đi ô tô. Gần như những tiểu thương đi tàu này đều chấp nhận bán hàng chậm hơn so với những tiểu thương di chuyển bằng đường bộ.
Ngoài tiền vé tàu, tiểu thương họ chỉ phải trả 40 – 50 nghìn tiền cho khoảng 100kg hàng hóa.
Khung cảnh khoang hàng hoá ngập tràn nông sản và các loại gia cầm.
Đoàn tàu không phục vụ ăn uống, dọc các nhà ga cũng không có hàng quán, nhân viên đường sắt thường đặt trước bữa sáng tại ga Xép.
Hàng hoá chất đầy dọc lối đi, tiểu thương tạm chợp mắt trên những băng ghế đơn sơ. Lũ nhỏ theo cha mẹ chúng đi buôn, ngồi chơi ngoan ngoãn. Một cụ bà 60 tuổi bán nước rêu rao khắp tàu. Người này kể, bà đã theo tàu bán nước từ nhiều năm nay. Từ khi tàu thưa khách, bà thỉnh thoảng còn nhận bốc vác thuê cho bà con buôn nông sản, hoa quả để kiếm thêm thu nhập.
Ở khoang hàng hoá, tiểu thương thường mắc võng theo dãy ghế dọc thân tàu, trao đổi với nhau vài câu rồi cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Khoảng 11h20 phút, kết thúc hành trình, đoàn tàu tới ga Hạ Long.
Không khí tấp nập, nhộn nhịp trong việc bốc, dỡ hàng hoá khiến ít ai nghĩ rằng chuyến tàu ban đầu được khai thác với mục đích phát triển dịch vụ, thu hút hành khách để giảm tải cho tuyến quốc lộ 18.
Khung cảnh được ví von là những thanh niên nhảy tàu đi buôn như thời bao cấp. Mỗi ngày, ga Hạ Long đón từ 2-3 tấn hàng, chủ yếu là rau, củ, quả và gà vịt.
Tiếng gà vịt kêu, tiếng mặc cả, tiếng hò nhau dỡ hàng… y như một cái chợ quê. Không khí náo động ấy chỉ kéo dài chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, cho tới khi con tàu cũ kỹ lắc lư rời khỏi ga, quay về Yên Viên.
Anh nhân viên tính toán doanh thu bán vé, cười bảo, mỗi tiểu thương vài tạ hàng mỗi ngày. Tính ra, những người này đóng góp tiền vé nhiều nhất. Chi phí vận hành tàu vào khoảng hơn 4 triệu đồng/ngày, nhưng mức thu nhận về chỉ được 3 triệu – 3,5 triệu đồng. Thậm chí có ngày còn không nổi 3 triệu. Trung bình, mỗi năm, đoàn tàu bù lỗ 1 tỷ đồng. Mỗi chuyến tàu xem có vẻ hoành tráng như thế nhưng doanh thu không bằng một… xe khách.
Để rút ngắn thời gian chạy tàu, năm 2005, Bộ Giao thông Vận tải khởi công tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân (Quảng Ninh) tốc độ 120 km/h để thay thế cho tuyến đường sắt cũ lâu nay. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn, năm 2011, dự án đang xây dựng dở dang đã phải dừng lại và chưa hẹn ngày về đích.
Có những hôm, toa khách không bán được vé nào, các cô đi buôn mắc võng nằm ngủ, không một âm thanh nói chuyện. Nghe tiếng cành cạch của bánh tàu nghiến xuống đường ray mà lòng người, nhất là những nhân viên gắn bó với con tàu này hơn 10 năm qua, buồn hiu hắt. Sau khi dỡ hàng ở ga Hạ Long, khoảng 13h20, con tàu lăn bánh quay về Hà Nội, nằm gọn ghẽ trong đêm lạnh chờ đến sáng lại chở lưng lửng hàng hóa và chủ của chúng về ga Hạ Long, chuẩn bị lặp lại một hành trình mới, hiu hắt.
Nói chung, nếu để đi du lịch Hạ Long, đừng nên chọn tàu hoả. Vì gần như ga Yên Viên không bao giờ có khách du lịch, tàu rời ga chỉ có nhân viên đường sắt trên khoang. Còn nếu ưa thích trải nghiệm sương gió, bụi bặm và cuộc sống người dân nhảy tàu đi buôn chợ, thì tôi dám cá, đây là một trong những chuyến đi thú vị nhất.