Giữa năm 2022, Godspromise Iveoghene Egbeji (tên thường gọi là Geepee) ở bang Delta, Nigeria liên tiếp chịu nỗi đau mất bố và mẹ trong vài tháng. Hai cú sốc liên tiếp khiến Geepee chìm sâu trong nỗi đau.
Chàng trai là nhà báo quyết định bỏ việc, ngày ngày giam mình trong căn phòng 40 m2, ra ngoài một lần mỗi tuần để mua thức ăn.
"Không có bố mẹ, tôi mất hoàn toàn động lực sống, không biết mình cố gắng vì điều gì", anh nói. "Rất nhanh sau đó, cơn trầm cảm kéo đến".
Một buổi tối đầu năm 2023, Geepee xem lại những bài viết của bố, một nhà văn. Anh chợt nhớ ông là người ngưỡng mộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, từng kể cho anh nhiều câu chuyện lịch sử của đất nước này và ước muốn một lần đến đây du lịch.
Sau vài phút suy nghĩ, anh đặt vé đến Hà Nội như cách hoàn thành ước nguyện của bố.
Tết Nguyên đán 2023, khi đặt chân đến sân bay Nội Bài, Geepee ngạc nhiên khi thấy thành phố vắng lặng như "đang say ngủ". Các cửa hàng, quán ăn đóng cửa, ngân hàng không hoạt động khiến anh hoang mang.
Khi hỏi chuyện người lái xe, anh được giải thích đây là thời gian năm mới của người Việt, tất cả đang tạm dừng công việc, về quê thăm gia đình theo truyền thống.
"Tôi có hình dung họ thật tình cảm và ấm áp", anh nói. "Ở Nigeria, chúng tôi có các kỳ nghỉ lớn nhưng thường dành cho bản thân hoặc du lịch". Đối với người sống cách bố mẹ 6 giờ lái xe như Geepee, những cuộc đoàn viên càng hiếm.
Trong tuần đầu ở Việt Nam, tổn thương tâm lý khiến Geepee luôn sống khép kín. Mỗi tối, anh vật lộn với tiếng ồn vọng vào từ đường phố để dỗ mình vào giấc ngủ. Geepee cũng hoảng sợ trước giao thông hỗn loạn nên chỉ một mình đi bộ lang thang qua những ngõ nhỏ ở quận Hoàn Kiếm.
"Nhưng Hà Nội là thành phố không bao giờ khiến người ta cô đơn", anh nhận xét.
Lần đầu tiên trong đời, Geepee được người lạ đi đường vẫy tay chào. Thi thoảng, họ dừng lại trò chuyện, sờ vào da anh tỏ vẻ thích thú và xin chụp ảnh cùng. Ở gần bờ hồ Hoàn Kiếm, anh được người phụ nữ bán hàng dúi tặng một túi đầy mít và dưa hấu. Chàng trai Nigeria nhận ra Việt Nam rất an toàn nên người dân hiếm khi đóng kín cửa nhà. Những người đàn ông nhậu trên vỉa hè luôn mời "Bia, bia, đến đây!" khi thấy anh ngang qua.
"Tôi bắt đầu yêu Hà Nội từ những điều rất nhỏ đó", anh kể.
Trong lần dạo qua nhà thờ ở quận Thanh Xuân, anh kết bạn với một gia đình người Việt. Sau vài lần trò chuyện, họ mời anh đến nhà ăn tối, lâu dần thân thiết và trở thành một thành viên trong nhà.
Từ đó, anh cảm nhận rõ rệt hơn về văn hóa gia đình Việt. Geepee nói ở quê hương anh, mọi người chú trọng nhiều vào gia đình hạt nhân, chỉ bố mẹ và con cái. Ở Hà Nội, gia đình là đơn vị xã hội quan trọng nhất, có thể lên đến 20, 30 người và luôn có mặt đủ trong các dịp như lễ lạt, giỗ chạp, cưới hỏi.
Anh được người bà trong gia đình nấu cho ăn những món chay, dạy anh tập thiền để chữa trầm cảm, gửi thuốc khi anh bệnh và luôn tranh trả tiền xe ôm hộ anh.
Geepee bắt đầu mở lòng, thử những điều mới mẻ hoặc thứ trước đây không thích. Anh vẫn nhớ lần đầu uống cà phê Việt Nam, cảm giác như "bay lên mặt trăng rồi quay lại".
"Tôi nhận ra cuộc sống còn nhiều điều thú vị", anh kể. "Càng đi sâu vào nền văn hóa này, tôi càng được chữa lành".
Geepee trong chuyến du lịch Hải Dương năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chuyến du lịch giúp Geepee nhận ra Việt Nam chính là vùng đất dành cho mình. Anh quyết định xin visa ở lại đất nước này lâu dài và trở thành giáo viên dạy tiếng Anh.
"Việt Nam đã dạy tôi cách sống hạnh phúc và lành mạnh", anh nói. Anh làm theo những thói quen của người Việt ví dụ chạy bộ quanh bờ hồ lúc 5h sáng, điều từng khiến anh rất ngạc nhiên trong ngày mới đến đây.
Geepee thay đổi chế độ ăn, chọn nhiều rau hơn, nguyên liệu và gia vị đơn giản. Anh thích khái niệm "mùa nào thức đó" của người Hà Nội. Ví dụ như mùa xuân họ thường ăn nem cuốn, bún ốc nguội cho mùa hè, món súp và lẩu nóng vào thu đông.
Anh từng hoang mang trong giờ nghỉ trưa ở trung tâm Anh ngữ, khi các đồng nghiệp lấy gối ra ngủ trưa. "Tôi đã nghĩ thầm họ thật lười biếng", Geepee nhớ lại. Nhưng giờ đây, anh là người đầu tiên chìm vào giấc ngủ ở văn phòng.
Geepee nhận ra việc chợp mắt 30 phút giúp anh sảng khoái và tỉnh táo. Điều này khác với thời gian ở Nigeria, mọi người thường làm việc liên tục 8 tiếng, chỉ ngừng ăn trưa.
Anh nhận thấy người Việt luôn đối xử tốt với người lạ, khi họ hết xăng, lạc đường hay cần gạt chân chống xe. Họ cho đi nhưng không cần nhận lại. Do đó, mỗi khi nhận lương, anh thường đổi ra tiền lẻ để gửi tặng người vô gia cư mà anh gặp trên đường về nhà.
"Tôi đã mất đi gia đình mình nhưng thật tuyệt vì có thể tìm lại cảm giác đó ở Việt Nam", anh nói.