Ngày 25/9/2023 vừa qua, sau khi thực hiện hàng loạt động tác tuyệt vời, Chen Ye (Trần Diệp) đã giành chiến thắng trong trận chung kết ván trượt ván tại Đại hội thể thao châu Á với màn trình diễn gần như hoàn hảo. Đây cũng là tấm huy chương vàng đầu tiên mà đội tuyển Trung Quốc giành được ở giải trượt ván thế giới.
Trên con đường Trần Diệp theo đuổi ước mơ của mình, có một nhân vật luôn đồng hành cùng cậu đó chính là người bố - ông Trần Vạn Cầm.
Khi nhớ lại ngày định mệnh đưa con trai mình tới bộ môn trượt ván này, Trần Vạn Cầm cho biết tất cả đều bắt nguồn từ một chuyến đi chơi.
Đó là ngày đầu năm 2016, Trần Diệp lúc đó chưa đầy 8 tuổi, lần đầu tiên cậu chạm vào chiếc ván trượt trong một trung tâm mua sắm. Sau một thời gian ngắn dùng thử, cậu đã ngay lập tức yêu thích nó.
Cậu nói với bố: "Bố ơi, bố mua cho con một chiếc ván trượt nhé?".
Trần Vạn Cầm không đồng ý ngay vì trước đó ông từng cho con học những môn như bóng bàn, piano, guitar... nhưng cậu bé không kiên trì tới cùng. Cho nên lần này ông đề nghị: "Khi nào con muốn chơi, bố sẽ dẫn con tới trung tâm thương mại".
Không ngờ trong 3 ngày, con trai ông hầu như ngày nào cũng đến đó. Kiên trì như vậy suốt 1 tháng, Trần Vạn Cầm nhìn thấy niềm yêu thích của con trai mình với ván trượt nên dự định mua cho cậu một chiếc. Ông còn nói với con mình rằng: "Nếu con có thể kiên trì được 6 tháng, bố sẽ hoàn toàn ủng hộ con".
Lần này, Trần Diệp đã dùng hành động để chứng minh quyết tâm của mình với bố. Thấy con trai nghiêm túc như vậy, Trần Vạn Cầm cũng hết mình ủng hộ.
Gần đó không có cửa hàng bán ván trượt nên ông đã lặn lội khắp nơi để thuê. Không có huấn luyện viên chuyên nghiệp, ông tìm các video hướng dẫn trên mạng, chỉ từng động tác nhỏ và hướng dẫn con tập theo. Sau này, ông thậm chí còn hiểu rõ tâm lý, động tác và vấn đề của con trai mình hơn cả những huấn luyện viên chuyên nghiệp.
Không có ai huấn luyện con trai, ông đành nghỉ việc và dành toàn bộ thời gian hướng dẫn con.
Điều đáng ngưỡng mộ hơn nữa là Trần Vạn Cầm còn xây dựng một sân tập cho riêng con trai. Vào thời điểm đó, thành phố Trung Sơn chưa có sân trượt chuyên nghiệp, để tạo cho con trai mình một địa điểm tập luyện chuyên nghiệp gần nhà, ông quyết định tự mình xây.
Ông để mắt đến một nhà kho rộng hơn 200m2 nhưng chết lặng khi nhìn thấy báo giá xây dựng 300.000 tệ (1 tỷ đồng). Ông căn bản không có nhiều tiền như vậy nhưng nghĩ đến đôi mắt sáng ngời của con trai mình, ông lại không muốn bỏ cuộc.
Ông đã tự làm mọi thứ trong khả năng để xây dựng cho bằng được nơi để con trai tập luyện. Sau nửa năm, ông tiêu sạch tiền tiết kiệm mới hoàn thành.
Dưới sự đồng hành và hướng dẫn của bố, Trần Diệp tuy chỉ mới tiếp xúc với môn trượt ván trong thời gian ngắn nhưng đã tiến bộ nhanh chóng. Năm 2021, cậu tham dự Đại hội thể thao toàn quốc và giành vị trí thứ 2, lúc đó cậu 13 tuổi.
Trần Vạn Cầm tiếp tục ủng hộ việc tập luyện của con trai nên một lần nữa xây dựng một sân tập rộng tới 900m2.
Ông nói: "Tôi sẽ luôn ủng hộ sở thích của con mình, ngay cả khi nó dường như không có tác dụng thiết thực vào lúc này".
Người ta ngạc nhiên trước tài năng và thành tích của Trần Diệp nhưng ít ai biết được đằng sau đó người bố đã nỗ lực hết mình để cho con theo đuổi đam mê suốt bao năm qua.
Trên thực tế, nhiều gia đình cho con mình học rất nhiều thứ nhưng họ chỉ đăng ký, đưa con tới lớp, tới giờ đón về, tới tháng trả học phí cho giáo viên. Về việc con cái có hứng thú hay không, không phải bố mẹ nào cũng quan tâm.
Bill Gates từng nói: “Điều duy nhất bố mẹ nên làm cho con mình là tìm ra niềm đam mê của chúng, khuyến khích trẻ theo đuổi nó bằng tất cả sức lực”.
Điều thực sự thúc đẩy một người không ngừng thử thách bản thân, không ngừng tiến bộ, không phải là áp lực từ bố mẹ mà là từ chính động lực nội tâm mạnh mẽ của đứa trẻ đó. Bố mẹ cần phải đánh thức và bảo vệ sức mạnh này của con mình.