Một vụ kiện tụng hi hữu vừa được đưa ra xét xử tại Trung Quốc, xoay quanh câu chuyện một người phụ nữ chi 1,2 triệu tệ (khoảng hơn 4,1 tỷ đồng) để "mua" sự ly hôn của một cặp vợ chồng nhưng cuối cùng lại phải nhận kết đắng.
Cô Thạch - nhân vật chính trong vụ việc, dù đã biết rõ ràng anh Hàn là người đàn ông đã có gia đình nhưng vẫn phát triển mối quan hệ tình cảm vượt mức với đối phương. Kết quả của mối quan hệ ngoài luồng này là cô Thạch mang thai ngoài ý muốn, sinh ra một đứa trẻ.
Sau khi sinh con, với mong muốn được chính thức trở thành vợ của anh Hàn, cô Thạch đã tìm đến cô Dương - vợ anh Hàn và đề nghị trả 1,2 triệu tệ để cô Dương đồng ý ly hôn. Thậm chí, cô Thạch còn mạnh tay chuyển khoản số tiền này ngay tại chỗ cho cô Dương.
Tuy nhiên, sau hơn một năm rưỡi, cô Dương vẫn chưa ly hôn với chồng. Điều này khiến cô Thạch vô cùng tức giận và quyết định kiện cô Dương ra tòa, đòi lại số tiền đã chi trả. Cô cho rằng, Dương đã không thực hiện đúng cam kết nên phải hoàn trả số tiền gọi là "phí ly hôn" này.
Tuy nhiên, phán quyết của tòa án lại khiến cô Thạch bất ngờ. Tòa án bác bỏ yêu cầu của cô Thạch với lý do thỏa thuận giữa hai người chỉ là hợp đồng miệng, thiếu tính ràng buộc pháp lý. Quan trọng hơn, mục đích của cô Thạch khi chi trả số tiền này là để phá hoại hôn nhân của người khác, một hành vi không được pháp luật bảo vệ. Việc chi trả tiền để "mua sự ly hôn" của cô Dương và anh Hàn không được coi là hợp pháp.
Tòa án cũng nhấn mạnh rằng, theo luật dân sự Trung Quốc, tài sản tích lũy trong thời gian hôn nhân thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Do đó, số tiền 1,2 triệu tệ không thể được xem là khoản tiền cô Dương phải hoàn trả cho cô Thạch. Thậm chí, tòa án còn cho rằng cô Dương hoàn toàn có quyền đòi lại số tiền này từ cô Thạch.
Thêm vào đó, trong quá trình xét xử, tòa án còn phát hiện ra một chi tiết gây sốc khác. Trong suốt thời gian ngoại tình, anh Hàn đã bí mật chuyển cho cô Thạch một khoản tiền lên đến hơn 6 triệu tệ (khoảng 20,9 tỷ đồng). Điều này đồng nghĩa với việc anh Hàn đã sử dụng tài sản chung của vợ chồng để chu cấp cho người tình, cô Dương hoàn toàn có quyền đòi lại số tiền này.
Câu chuyện này không chỉ là một vụ kiện tụng đơn thuần mà còn là một bài học cảnh tỉnh về đạo đức và pháp luật. Việc cố tình phá hoại hôn nhân của người khác là hành vi bị lên án mạnh mẽ. Hơn nữa, việc sử dụng tiền bạc để mua chuộc, ép buộc người khác ly hôn là hành vi không được pháp luật chấp nhận.
Kết cục của vụ việc này cho thấy, dù với bất kỳ lý do nào, việc can thiệp vào hôn nhân của người khác đều tiềm ẩn rủi ro pháp lý và hậu quả khó lường.