Long - Hổ - Cẩu đao "xử" cả hoàng thân quốc thích trên phim ảnh
Bao Công tên thật là Bao Chửng (999 - 1062), tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi bằng rất nhiều tên khác như Bao Thanh Thiên, Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử hay Bao Long Đồ. Ông nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, chấp pháp nghiêm chỉnh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 - 1063).
Cho đến nay, bộ phim đầu tiên về nhân vật Bao Công được sản xuất năm 1993 do Đài Loan sản xuất và phát sóng trên CTS vẫn là phiên bản kinh điển nhất về nhân vật Bao Thanh Thiên trong lịch sử phim ảnh Hoa ngữ. Phim lấy đề tài điều tra phá án, xoay quanh việc điều tra các vụ án xảy ra đời Bắc Tống được vị quan nổi tiếng là Bao Công.
Biểu tượng của bộ phim chính là hình ảnh Bao Thanh Thiên chấp pháp nghiêm minh, đã bao phen hóa giải nỗi oan khuất và trừng trị kẻ gian ác tại công đường. Ông được nhân dân coi là hiện thân của công lý nơi trần thế. Nội dung chính này cũng gần như được giữ nguyên vẹn trong các phiên bản được làm lại của "Bao Thanh Thiên".
Bộ ba Kim Siêu Quần (vai Bao Công) - Hà Gia Kính (vai Triển Chiêu) - Phạm Hồng Hiên (vai Công Tôn Sách) trong "Bao Thanh Thiên 1993".
Trong phim, vị quan tri phủ Khai Phong đã dùng Long - Hổ - Cẩu đao để tra án và hành hình phạm nhân. Được biết, ba thanh đao ngự ban có quyền lực tối cao như sự xuất hiện của Hoàng thượng, giúp cho Bao Thanh Thiên có thể "tiền trảm hậu tấu", ngay cả hoàng tộc cũng không dung tha.
Lý do mà Bao Công sở hữu 3 chiếc đao có thể xử trảm cả hoàng thân quốc thích được lý giải là vì Hoàng đế Tống Nhân Tông vô cùng tin tưởng vị quan chính trực như ông. Trong một số tiểu thuyết xưa, những "cổ máy chém" của vị quan tri phủ Khai Phong được Hoàng đế ban cho với tác dụng như "nhìn thấy đao như nhìn thấy vua trước mặt". Chính Hoàng đế đã cho phép Bao Chửng quyền quyết định sống - chết và bách tính thường dân cũng đặt nhiều kỳ vọng vào ông. Sức mạnh của Ngự trát tam đao không hề nhỏ, Bao Chửng có thể xử chém đầu tội nhân trước rời mới tấu sau.
Bí mật về "Ngự trát tam đao' trong lịch sử
Theo sử sách ghi chép, thời điểm Thương Thang tấn công vào Thái Miếu triều Hạ, tam đại tà đao Long nha, Hổ dực và Khuyển thần hóa thân thành yêu thú xông vào tàn sát đại quân nhà Thương. Sau đó, Thương Vương bỏ giáo xuống ngựa, tay cầm Hiên Viên kiếm một mình tiến vào chính điện Thái Miếu, chém ba thanh tà đao tan thành trăm mảnh rồi phong ấn xuống lòng đất.
Hình ảnh Long - Hổ - Cẩu đao xuất hiện trong bộ phim "Bao Thanh Thiên".
Về sau, thời Bắc Tống có một người thợ rèn nổi tiếng tên Hàn Kỳ. Ông đã phát hiện ra di tích Thái Miếu triều Thương trong núi sâu. Sau khi giải trừ phong ấn, Hàn Kỳ đã có được những mảnh vỡ của ba thanh đao Long nha, Hổ dực và Khuyển thần.
Sau đó, Hàn Kỳ cùng các thợ đúc kiếm cung đình hợp lực phục hồi lại ba thanh tà đao thượng cổ. Sau 1 năm lẻ 8 ngày, Long nha – Hổ dực – Khuyển thần được đúc thành ba thanh trảm đao mới nhưng vẫn chưa có hình dáng 3 con vật như trên phim ảnh hiện tại. Lúc bấy giờ, Thiên tử Đại Tống là Tống Nhân Tông ngự ban cho Bao Chửng bộ ba Long - Hổ- Cẩu trảm để sử dụng làm hình cụ quyền lực tra án.
Ngự trát tam đao trong lịch sử có nguồn gốc bí ẩn.
Thời điểm này, sư gia của Bao Chửng trong phủ Khai Phong là Công Tôn Sách. Ông bắt đầu lên ý tưởng tạo hình cho ba thanh trảm đao, thậm chí còn vạch ra rõ phương pháp đúc chế để hình dáng ba thanh đao được giống với ý nghĩa "Long nha – Hổ dực – Khuyển thần" nhất. Từ đó, tam trảm ngự ban được đúc thành Long - Hổ - Cẩu đao..
Tuy nhiên, trong lịch sử, Bao Chửng không hề có Ngự trát tam đao. Dù là trong phần ghi chép về Bao Chửng thuộc quyển "Tống Sử" hay trong các văn bia do học trò của ông là Trương Điền viết lại cũng không hề nhắc đến sự tồn tại của Long - Hổ - Cẩu đao. Đến thởi điểm hiện tại, các nhà khảo cổ cũng không hề khai quật được bất kỳ chiếc đao nào trong Ngự trát tam đao. Chính vì thế, càng nhiều người nhận định chúng thật sự chỉ tồn tại theo trí tưởng tượng của hậu thế.