Ô TÔ TRUNG QUỐC NGẬP TRÀN CẢNG CHÂU ÂU
Mới đây, những hình ảnh chụp tại một số cảng ở châu Âu đã khiến nhiều người chú ý. Điều đặc biệt trong những bức hình ảnh chính là cả trăm, ngàn chiếc ô tô xếp san sát nhau, trải khắp từ khu này sang khu khác.
Đại diện của Cảng Antwerp-Bruges (ở Bỉ, là một trong những cảng nhập khẩu ô tô lớn nhất châu Âu) cho biết rằng: "Các nhà phân phối ô tô ngày càng coi bãi nhập xe tại cảng là cái kho. Thay vì lưu xe ở kho của nhà phân phối thì giờ họ cứ để xe ngay tại cảng".
Đại diện của cảng này cũng cho hay rằng "tất cả các cảng nhập khẩu ô tô lớn" đều đang tắc nghẽn vì vấn đề này; song, vị đại diện không nêu cụ thể nguồn gốc số xe nhập khẩu này tới từ đâu.
Cảng Antwerp-Bruges ở Bỉ. Nguồn: Belga Mag/AFP/Getty Images
Tuy nhiên, tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) dẫn nhận định của một nhân vật lớn trong ngành xe, cho rằng xe Trung Quốc là nguồn cơn chính dẫn đến tắc nghẽn tại cảng. Các chuyên gia nhận định rằng các nhà sản xuất Trung Quốc không bán được xe tại châu Âu nhanh như dự tính.
Một người phụ trách chuỗi cung ứng trong ngành xe cho biết: "Các nhà sản xuất xe đang coi cảng là sân đỗ ô tô".
Các chuyên gia cũng cho Thời báo Tài chính hay rằng có không ít xe điện mang thương hiệu Trung Quốc đã nằm im tại cảng tới 18 tháng; phía quản lý cảng thậm chí còn yêu cầu các nhà nhập khẩu phải trình minh chứng cho thấy những chiếc xe này có kế hoạch vận chuyển tiếp.
Ý kiến của một chuyên gia trong ngành logistics còn cho rằng những chiếc xe này sẽ cứ nằm ở đó cho tới khi có nhà phân phối hoặc khách hàng nhận mua.
Một cảng khác tại châu Âu. Ảnh: Ảnh: AD Ports Group
ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA VỚI Ô TÔ TRUNG QUỐC?
Thực tế, chuyện ô tô từ Trung Quốc nằm "ngập" cảng châu Âu là điều dường như đã có thể dự báo từ trước.
Tại Trung Quốc, tuy rằng trong nhiều năm qua vẫn là thị trường ô tô có quy mô lớn số 1 thế giới, nhưng sức tiêu thụ tại đây vẫn không đáp ứng được khả năng sản xuất của các nhà sản xuất ô tô nước này. Cung vượt cầu, các nhà sản xuất Trung Quốc phải tìm cách đưa xe tới các thị trường khác.
Các nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc như BYD, Great Wall, Chery hay SAIC đều có kế hoạch đẩy mạnh bán hàng tại châu Âu. Giả sử họ có thể bán được nhiều xe hơn tới châu Âu, nhà máy của họ tại Trung Quốc có thể vận hành ở công suất đủ lớn để giảm chi phí làm xe, giúp xe giữ được mức giá thấp.
Bên trong nhà máy của BYD. Ảnh: BYD
Khi nhìn vào con số, có thể thấy rõ hơn xu hướng này của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Trong năm 2023, số lượng ô tô xuất khẩu của nước này đã tăng trưởng tới 58% so với năm 2022 - tức tăng trưởng hơn 1,5 lần.
Tính riêng hai tháng đầu năm nay, các thị trường xuất khẩu lớn nhất với xe thuần điện, xe lai điện sạc ngoài (PHEV) và xe chạy hydro có những cái tên ở châu Âu như Bỉ, Anh, Đức và Hà Lan.
Bỉ, Anh, Đức, Hà Lan là những điểm đến thường xuyên của xe Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Khi nhập được xe tới châu Âu, các nhà sản xuất còn vướng phải một vấn đề mới, đó là không thuê được xe tải vận chuyển xe đi tiếp. Tờ Thời báo Tài chính nhận định rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là những người mới tại thị trường, họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi không có được sự ưu tiên từ các công ty vận chuyển.
Trước đây, chính Tesla khi nhập xe tới châu Âu cũng gặp vấn đề tương tự vì không thuê được xe tải vận chuyển. Trong khi Tesla đã xử lý được, những người mới tới thị trường sẽ cần vượt qua rào cản này.
Một chuyên gia trong lĩnh vực logistics nhận định: "Bất kỳ đơn vị nào mới cũng sẽ gặp vấn đề này, nếu bạn không đủ lớn, không thường xuyên có đơn vận chuyển thì bạn sẽ không phải là khách hàng lớn nhất [đối với các công ty vận tải]".
Xe điện Tesla cũng từng tắc ở cảng Antwerp-Bruges do thiếu xe tải vận chuyển.
Trên thực tế, việc vận chuyển ô tô từ Trung Quốc tới các thị trường khác không chỉ riêng châu Âu cũng là một trở ngại mà các nhà sản xuất từ nước tỷ dân phải vượt qua.
Khi các hãng xe Trung Quốc tập trung vào xuất khẩu nhiều hơn cũng đè nặng lên dịch vụ cho thuê tàu thủy chuyên dụng vận chuyển ô tô (thường là loại Roll On - Roll Off, còn gọi là RORO).
Theo dữ liệu được công bố, tổng quãng đường di chuyển của các con ràu RORO này đã tăng tới 17% so với năm ngoái, cũng vì các nhà sản xuất xe Trung Quốc cần chuyển xe đi xa.
Tàu đi xa hơn đồng nghĩa thời gian chờ tàu dài hơn, sẽ khiến lịch vận chuyển xe trở nên giãn cách hơn. Chính vì điều này, một số nhà sản xuất xe đã lên kế hoạch tự đóng tàu để chủ động hơn với việc xuất khẩu xe.
Tàu RORO đầu tiên của BYD mang tên Explorer No.1.
Tiêu biểu cho công cuộc này là BYD - nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Theo kế hoạch mới nhất, BYD sẽ có thêm 8 tàu chở hàng trong 2 năm tới, đều phục vụ mục đích xuất khẩu xe. Hiện tại, BYD đã có 1 tàu đi vào vận hành, vừa rời cảng Thâm Quyến, Trung Quốc hồi tháng 1.
Theo ông Vương Truyền Phúc - Chủ tịch BYD: "BYD sẽ triển khai [thêm] 7 tàu chở ô tô trong vòng 2 năm tới để giải quyết vấn đề thiếu xe [ở một số thị trường]".
Nguồn cơn của quyết định này tới từ việc phí thuê bao nguyên chuyến (charter) đã tăng lên, do vậy mà mua tàu sẽ là cách tối ưu giúp cắt giảm chi phí vận chuyển, từ đó bảo tồn thế mạnh về giá bán của xe BYD với các đối thủ khác.