Cuộc thi Miss International 2022 (đang diễn ra) gây tranh cãi vì chỉnh sửa hình ảnh thí sinh khác lạ so với thực tế (Ảnh: MISS INTERNATIONAL)
2022 là một năm đặc biệt của giới hoa hậu và thi sắc đẹp. Ở Việt Nam, số lượng cuộc thi nhiều chưa từng thấy: hơn 22 cuộc, trong đó có 8 cuộc thi dồn lại từ năm 2021. Con số cao bất thường là do ảnh hưởng của nghị định 144 về nghệ thuật biểu diễn.
Còn trên thế giới, năm nay tiếp tục là một năm ồn ào của các cuộc thi hoa hậu quốc tế, có phần ồn ào hơn mọi năm khi nhiều cuộc thi lớn dính lùm xùm.
Miss Grand tai tiếng, Miss Earth thụt lùi
Năm 2022, Miss Earth, cuộc thi từng trong top 3 thế giới nhưng đã tụt hạng nhiều năm , ngày càng chìm sâu trong sự thụt lùi khi công tác tổ chức nhếch nhác. Sân khấu cuộc thi Miss Intercontinental cũng gây cảm giác không xứng tầm quốc tế.
Miss Earth xuống cấp về khâu tổ chức (Ảnh: INSTAGRAM MISS EARTH)
Kỷ niệm 10 năm tồn tại, Miss Grand International gây tranh cãi khi chọn đến tận... 9 Á hậu bên cạnh Hoa hậu, tất cả đều có vương miện.
Thi xong, cuộc thi dính không ít lùm xùm: chủ tịch Nawat Itsaragrisil miệt thị ngoại hình đại diện Việt Nam - Hoa hậu Đoàn Thiên Ân; bị cựu Hoa hậu Hoàn vũ chê là "gánh xiếc"; Á hậu 5 người Mauritius bỏ danh hiệu và tố ban tổ chức nói dối; đại diện Nam Phi tố bị bào mòn sức khỏe và xâm phạm quyền riêng tư...
Lu Juan Mzyk (người Nam Phi) cho biết nhập viện vì thiếu ngủ và thiếu chất khi tham gia cuộc thi. Đây là một trong những vấn đề đằng sau các cuộc thi sắc đẹp mà lâu nay ít người lên tiếng.
Chưa hết, những người đẹp đã đăng quang tại Miss Grand International 2022 dính nhiều lùm xùm khi hoạt động. Họ gây tranh cãi vì mặc gợi cảm khi dự sự kiện từ thiện. Hoa hậu Isabella Menin (người Brazil) bị chê vì không có hoạt động gì nổi bật, toàn trang điểm, ăn mặc lố lăng và hát nhảy, bán hàng.
Miss Grand International 2022 có nhiều hoạt động không xứng tầm sau đăng quang (Ảnh: MGI/Cắt từ clip)
Trong khi đó, Á hậu 1 người Thái Lan là Engfa Waraha lại đắt sô từ biểu diễn ca nhạc đến quảng cáo, sự kiện. Bản thân Engfa cũng dính lùm xùm khi nhảy gợi cảm với đồng nghiệp nam trong một buổi biểu diễn ca nhạc, bị khán giả chỉ trích thì phản hồi "không quan tâm".
Điều này khiến nhiều người khó hiểu vì Engfa nổi như cồn nhờ danh hiệu Á hậu Miss Grand International, nhưng chưa hết nhiệm kỳ đã rũ bỏ trách nhiệm giữ gìn hình ảnh.
Các Á hậu còn lại trong top 10 của Miss Grand International bị khán giả chê hình ảnh kém sang khi chỉ toàn nhảy múa, quảng cáo, livestream bán sản phẩm... Chính vì tai tiếng của Miss Grand International, các cuộc thi hoa hậu bị chê "lộ mục đích kinh doanh sắc đẹp".
Đó là các cuộc thi lớn, còn những cuộc thi quốc tế nhỏ, tầm "ao làng" cũng khá tai tiếng trong năm qua.
Á hậu Engfa Waraha phát ngôn bất cần sau khi bị chỉ trích nhảy phản cảm (Ảnh: NVCC)
Hồi tháng 11, cuộc thi Miss Planet International 2022 ở Uganda phải hoãn sau khi thí sinh tố bị bỏ đói, mất cắp, các hoạt động diễn ra không được 10% so với những gì đã hứa hẹn, tổ chức thiếu chuyên nghiệp.
Không phải cuộc thi "ao làng" nhưng Miss USA (Hoa hậu Mỹ) 2022 bị tố gian lận kết quả. Bà Crystle Stewart bị mất chức chủ tịch Hoa hậu Mỹ sau khi bị cáo buộc thiên vị thí sinh R'Bonney Gabriel.
R'Bonney Gabriel đăng quang và được đại diện Mỹ dự thi Miss Universe, nhưng bị nhiều thí sinh khác phản đối vì không phục kết quả này.
Cải tổ có thực sự là cải tổ?
Trong khi Miss Grand International đánh mất ý nghĩa "hòa bình" tự gán, cuộc thi Miss Universe đổi chủ, chuyển "địa bàn" sang Thái Lan thay vì Mỹ, quốc gia sở hữu nó gần 70 năm qua.
Theo New York Post, Miss Universe lỗ 2 triệu USD mỗi năm và mức giá 20 triệu USD cho lần đổi chủ này đã được coi là cao.
Doanh nhân chuyển giới Thái Lan Anne Chakrajutathib - người phụ nữ đầu tiên sở hữu cuộc thi - hứa hẹn nhiều thay đổi để phù hợp với thời đại, nhưng thay đổi này có đưa cuộc thi phát triển hay không còn là một câu hỏi ngỏ.
Những tuyên bố cải tổ của Hoa hậu Hoàn vũ đang gặp nhiều hoài nghi (Ảnh: MISS UNIVERSE)
Bà Anne được tán thưởng khi tuyên bố sẽ chấp thuận thí sinh đã kết hôn và có con tham gia, nhưng sau đó lại bị phản đối khi nói sẽ chọn top 7 và không có danh hiệu Á hậu.
Trên thực tế, Miss Universe không thể quá vội vã cải tổ vì có thể gây hiệu ứng ngược. Bà Amy Emmerich - CEO của tổ chức - thừa nhận với Variety hôm 6-12 rằng tiêu chí lựa chọn Hoa hậu Hoàn vũ chưa thực sự rõ ràng.
Bà cho rằng cách hiểu đơn giản nhất là đây là một công việc, "công việc làm Hoa hậu Hoàn vũ", và các cô gái đại diện cho một nền văn hóa, một quốc gia, kể câu chuyện của riêng họ để giành được "công việc" này. "Cuộc thi không còn chỉ nói về vẻ đẹp nữa" - bà Amy nói.
Năm ngoái, Manar Nadeem Deyani - đại diện Bahrain tại Miss Universe 2021 - cũng từ chối mặc bikini trong phần thi áo tắm mà mặc đồ đen kín đáo.
Melisa Raouf là thí sinh đầu tiên của cuộc thi Hoa hậu Anh để mặt mộc khi dự thi (Ảnh: Kam Murali/CNN)
Hồi tháng 8, cô gái 20 tuổi Melisa Raouf là thí sinh đầu tiên để mặt mộc dự thi Miss England (Hoa hậu Anh). "Phụ nữ ở nhiều độ tuổi chịu áp lực phải trang điểm. Nếu hạnh phúc với khuôn mặt mình thì chúng ta không cần trang điểm để che đậy. Những khiếm khuyết tạo nên con người chúng ta và khiến mỗi người trở nên độc đáo" - cô nói.
Bình luận về những cải tổ của các cuộc thi hoa hậu, nhà văn Raquel Rosario Sánchez (người Cộng hòa Dominica) viết trên trang Al Jazeera:
"Những đổi mới đó là tốt, nhưng đây là sự thật phũ phàng: những điều chỉnh và thay đổi nhỏ không thể che lấp sự thật rằng các cuộc thi hoa hậu ngày càng trở nên nghịch mắt và lạc lõng trong thời đại hiện đại của chúng ta".
Hoa hậu Priyanka Chopra và chồng, ca sĩ Nick Jonas (Ảnh: SCMP)
Hoa hậu Thế giới Priyanka Chopra: "Không muốn bị đánh giá về hình thể"
Priyanka Chopra - Hoa hậu Thế giới 2000 kiêm ngôi sao Hollywood hiện nay - nói với BBC hôm 9-12:
"Tôi không nghĩ nếu là bây giờ thì mình sẽ tham gia một cuộc thi hoa hậu. Tôi không muốn bị đánh giá về hình thể và phải trả lời một câu hỏi nhanh trong vòng 60 giây, khi đồng hồ thúc giục.
Có nhiều điều phức tạp về các cuộc thi hoa hậu và chúng có thể trao quyền nhưng cần thay đổi rất nhiều để làm được điều đó".