Với “Sợi kết nối”, các nghệ sĩ một lần nữa cùng nhau mở rộng phát triển các khả năng biểu đạt với lụa, song song thể hiện quan điểm cá nhân trong các sáng tác của mình.
Các tác phẩm không chỉ giới hạn trong những khung tranh, mà toả ra với các sắp đặt kết hợp với sơn mài, và các chất liệu ứng dụng đa dạng, ứng tác với không gian.
"Các hình tượng và chủ đề được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, từ lịch sử nghệ thuật theo chiều lịch đại, đồng đại, cho đến góc độ biểu tượng văn hoá, ký hiệu học văn hoá, tâm lý học, nhưng đồng thời cũng thể hiện được cái đặc biệt trong từng cá tính sáng tạo”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, triển lãm lần này có sự kết nối với những nghệ nhân của làng nghề lụa, Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội.
Từ câu chuyện giữa những người nghệ nhân hiếm hoi còn làm nghề trồng dâu nuôi tằm với những hoạ sĩ trẻ ngày đêm sáng tác và thử nghiệm trên chất liệu lụa, người xem sẽ hiểu hơn sự hình thành của tác phẩm, các nghệ sĩ cũng thêm phần cảm hứng trong nghiên cứu, kết nối thực hành sáng tạo nghệ thuật của mình với những hoạt động văn hoá của làng nghề truyền thống.
Triển lãm trưng bày gần 80 tác phẩm hội hoạ và sắp đặt từ 24 nghệ sĩ trẻ tốt nghiệp khoa Hội hoạ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ-giám tuyển Nguyễn Thế Sơn.
Song song cùng với triển lãm, VCCA sẽ tổ chức các chương trình tour nghệ thuật, trò chuyện cùng giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ tham gia chương trình.
Lụa là một trong những chất liệu được đưa vào giảng dạy và sáng tác trong môi trường đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ qua
Từ khi là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhiều thế hệ thầy trò đã thực nghiệm tìm tòi cách thể hiện độc đáo trên lụa, cùng nhau định hình một tiếng nói đặc sắc cho chất liệu truyền thống lâu đời.
Nhiều tác phẩm trên lụa của hoạ sĩ hàng đầu như Nguyễn Phan Chánh, Alix Aymé, Nam Sơn, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu.... đã tạo dấu ấn độc đáo trong nền hội họa thế giới.
Cùng với sơn mài, chất liệu lụa tự thân có lẽ đã trở thành một chất liệu nghệ thuật gắn kết được tinh thần mỹ thuật truyền thống của dân tộc, cảm thức phương Đông với thẩm mỹ tạo hình hiện đại của phương Tây, trở thành một chất liệu trung gian dung hoà được tinh thần giữa truyền thống và hiện đại.