Dù lương có bao nhiêu thì đến cuối tháng cũng bất chợt biến mất mà không có lấy một lí do chỉ vì chúng ta tiêu hoang vô tội vạ. Vậy nên, nếu như tiết kiệm lại, chắc chắn ta sẽ dành dụm được kha khá tiền đấy.
Đối với những người độc thân thì việc chi tiêu có phần thoải mái khi chỉ đáp ứng nhu cầu của cá nhân. Có nhiều người sau khi nhận lương sẽ "thả phanh" đến nỗi chưa đến cuối tháng đã phải vay mượn khắp nơi. Thói quen đó "đeo bám" tới khi lập gia đình.
Lúc này có đủ thứ phải chi tiêu, lại còn tiết kiệm mua nhà, mua xe. Nhiều người mới cảm thấy tiếc nuối vì lúc độc thân đã không "lo xa". Giá cả thị trường leo thang, vấn đề thu – chi luôn là bài toán khó với nhiều gia đình. Lúc phải đối diện với bài toán chi tiêu tiết kiệm thì mới nhận ra người chi tiêu thông minh không chỉ nằm ở cách mặc cả mà còn nằm việc biết chi gì, tiêu gì cho hợp lý thay vì những thứ mình thích.
Đã đến lúc bạn nên lập ra kế hoạch chi tiêu sao cho phù hợp, cắt bớt đi các khoản chi tiêu vô tội vạ, chi tiêu theo cảm xúc, bạn sẽ vô cùng bất ngờ trước số tiền mình tiết kiệm được đấy. Dưới đây là những chia sẻ của M.L (28 tuổi) đang là nhân viên văn phòng. Cô nàng đã hào hứng chia sẻ lại cách tiết kiệm tiền mà không phải dè xẻn chi tiêu như nhiều người vẫn nghĩ:
1. Nấu cơm ở nhà thay vì thường xuyên ra ngoài ăn
Việc ăn uống tiêu tốn khá nhiều tiền nếu như bạn không biết cân đo đong đếm. Trước đây, tôi rất lười nấu ăn, bữa sáng và bữa trưa tôi hoàn toàn ăn bên ngoài, tối thì tụ tập bạn bè, hứng lên ăn sang thì phải mất 300-500 nghìn đồng (chỉ khi nào về sớm mới nấu cơm) thì tính ra mỗi tháng tôi mất ít nhất 3-4 triệu tiền ăn ngoài.
Sau đó, ngẫm lại, tôi thấy mình tốn quá nhiều tiền cho việc ăn uống. Thay vì phải tốn một số tiền lớn như vậy thì tôi chịu khó dậy sớm để nấu cơm mang đi làm. Ban đầu có thể không quen, tạm phải chia xa các bữa ăn hào nhoáng, tụ tập bạn bè để tranh thủ về sớm đi chợ nấu cơm. Nhưng ngược lại tôi đã có những bữa cơm thơm ngon, đủ chất, sạch sẽ và quan trọng là tiết kiệm được khối tiền.
Tiết kiệm 1,5 triệu.
2. Giảm bớt ăn vặt
Tôi và các chị em cùng phòng thường có thói quen đặt đồ ăn vặt, trà sữa vào giữa giờ để thỏa mãn đam mê ăn uống. Và hiện nay, lực lượng shipper "hùng hậu" cộng với vô số quán ăn mọc lên "như nấm sau mưa" phục vụ tối đa cho "dạ dày kêu réo" của chúng tôi. Tuy nhiên, thói quen này cũng ngốn một số tiền khá lớn đó, gần bằng khoản tiền ăn trưa.
Hiện nay mỗi ly sinh tố, nước ép, cà phê hiện nay có giá trung bình là 40 - 50 nghìn, không hề rẻ. Thế nên, tôi đã nghĩ, tại sao mình lại đổ tiền vào việc ăn vặt quá nhiều như vậy? Thế là ngay hôm sau, tôi đã đi siêu thị mua cà phê, trà sữa gói lên công ty để pha, tự pha nước ép mang theo, thỉnh thoảng mang trái cây mời chị em trong phòng, ai cũng ngạc nhiên vì đứa nghiện ăn vặt như tôi lại có thể thay đổi 180 độ như vậy ... Nhưng các bạn có biết, giảm cân thành công chính là động lực để tôi làm việc này.
Tiết kiệm 200 nghìn đồng.
3. Lên danh sách trước khi đi mua sắm
Nhiều người có thói quen mua sắm vô tội vạ, cứ thích cái gì mua ngay cái đó mà không cần biết có sử dụng hay không, đơn giản chỉ vì đẹp, vì thấy thích.Tôi bận đi làm cả ngày nên chỉ rảnh vào thứ 7, chủ nhật, bước vào siêu thị, trung tâm thương mại vào cuối tuần thường sẽ có rất nhiều mặt hàng ưu đãi, khuyến mãi, tặng kèm…nên đôi khi không thể kìm chế được.
Để rèn cho mình thói quen mua sắm tiết kiệm, trước khi đi tôi đã lên một danh sách chi tiết những đồ cần mua. Sau đó ước tính một lượng tiền để mua hết số đồ đó. Tuyệt đối không được mua vượt quá số tiền quy định, thêm vào đó là hãy xài tiền mặt thay vì quẹt thẻ, như thế sẽ giảm bớt được rất nhiều tiền đấy.
Tương tự, mỗi khi đi shopping cũng vậy, tôi luôn chọn những món đồ mình cần, mặc thường xuyên và chọn mua đồ xịn, để dùng được lâu, chứ đừng để những bảng sale mê hoặc mà mua về quá nhiều.
Tiết kiệm 500 nghìn đồng
4. Cắt giảm tiền điện nước
Tiền điện và tiền nước là hai khoản ngốn kha khá chi phí trong một tháng, nhất là những gia đình có sử dụng máy lạnh. Để cắt giảm khoản này tôi bắt đầu chú ý thay đổi thói quen dùng điện nước. Trước khi đi ngủ tôi hẹn giờ cho điều hòa đến 3-4h sáng thì tắt, chứ không để đến 7h sáng như trước. Khi không dùng các thiết bị điện, thì rút ổ cắm ra, kể cả sạc điện thoại và lap top. Đi ra khỏi phòng là tôi tắt điện tắt quạt ngay.
Với tiền nước cũng như vậy, bơm nước vừa đủ thì tắt chứ không để chảy tràn lan. Khi nấu ăn, dọn dẹp hay tắm rửa đều mở nước vừa đủ tránh lãng phí, như vậy đến cuối tháng tôi cũng đã tiết kiệm được một khoản tiền đấy.
Tiết kiệm 100 nghìn đồng.
5. Tiết kiệm bất cứ thu nhập bất ngờ nào
Sau khi lập bảng chi tiêu đầy đủ cho các khoản trong vòng 1 tháng, tôi lập tức chuyển số tiền còn dư vào tài khoản tiết kiệm cuối tháng nhìn lại thấy bất ngờ vì mình đã tiết kiệm được đúng số tiền theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, nếu có bất kì khoản thu nhập bất ngờ nào trong tháng thì thay vì phung phí, ăn mừng, tiêu xài cho hết vì nghĩ "tiền từ trên trời rơi xuống" thì tôi cho ngay vào tài khoản tiết kiệm. Ví dụ như tiền thưởng, tiền bán được chút ít đồ cũ, tiền nhận từ dự án bất ngờ, tiền ai đó trả nợ... Tiết kiệm chúng thôi! "Kiến tha lâu đầy tổ" là một câu tục ngữ thật sự có ích trong trường hợp này.
Tiết kiệm 200 nghìn đồng (tùy tháng)
Tổng số tiền tiết kiệm được vào khoảng 2.500.00 nghìn đồng
Qua bài chia sẻ của M.L nhiều người giật mình nhìn lại, dường như mình cũng đã và đang phung phí quá nhiều tiền. Biết đâu, học theo chia sẻ này, sẽ có được một khoản dư bất ngờ:
- Hay nhỉ, tiết kiệm linh tinh thôi mà dư nhiều phết đấy!
- Toàn những thứ cần phải tiết kiệm, thế mà mình không thể nào tiết kiệm nổi, nhất là ăn vặt với chị em cùng công ty.
- Mình cũng thích nấu ăn mang đi làm, vừa rẻ vừa ngon, mỗi tội lười quá, không dậy sớm được.
- Từ này sẽ bớt mua sắm phung phí, có nhiều món mua về mặc có 1 lần, thậm chí không mặc lần nào rồi nhét vào đáy tủ luôn.
Đúng như cổ nhân đã nói: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Cứ tiết kiệm từ từ như vậy, bạn sẽ thấy đây là số tiền không nhỏ mà bạn đã phung phí bấy lâu nay. Tin chắc rằng có rất nhiều chị em phụ nữ đều mắc phải những thói quen tiêu tiền như trên. Vậy nếu như bạn muốn tiết kiệm, muốn có được một khoản dư vào cuối năm để đi du lịch hay chỉ là để tích lũy cho tương lai sau này, chẳng cần đâu xa, bạn cứ bắt đầu thay đổi từ những điều nhỏ nhất như thế này thôi. Chịu khó áp dụng những bí quyết và nguyên tắc chi tiêu ở trên một cách linh hoạt thì chuyện chi gì, tiêu gì hàng ngày cũng không còn quá đau đầu nữa đâu.
Theo: Bestie