Tự tay chăm chút từng chiếc lá
Khu vườn của Trúc trồng một số loài hoa, rau củ và cây thảo mộc. Do khí hậu Nhật Bản có bốn mùa nên tùy thời điểm mà khu vườn có những loại cây khác nhau, từ hoa hồng, cẩm tú cầu, dạ yến thảo… cho đến sả, rau răm, ớt hiểm, khổ qua…
Trúc nhớ lại: “Năm đầu tiên sang Nhật, mình chỉ quanh quẩn ở nhà vì chưa có việc làm nên đã dành hầu hết thời gian trống để tìm hiểu về làm vườn. Tính đến nay, mình đã có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này”.
Kinh nghiệm mua cây trồng của Trúc là chọn giống khỏe, không có dấu hiệu sâu bệnh. Việc thường xuyên quan sát, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cây cũng như chống chọi sâu bệnh kịp thời là một số nguyên tắc giúp khu vườn của cô luôn “khỏe mạnh”.
Mỗi ngày, Trúc dành khoảng 15 - 20 phút để chăm sóc không gian xanh bằng việc tưới cây, cắt tỉa và bắt sâu bọ nếu có. Khu vườn ngập tràn sắc màu và hương thơm đã trở thành chốn nghỉ ngơi yêu thích của Trúc và các thành viên trong gia đình sau một ngày làm việc căng thẳng.
Trúc thu hoạch dâu trong vườn.
Cách đây khoảng ba năm, khu vườn của Trúc có thêm sự xuất hiện của những trái dâu tây mọng nước. Từ một vài chậu cây giống ban đầu, cô học được phương pháp nhân giống trên mạng thành vài chục gốc như hiện nay. Trúc cho biết, dâu tây khá dễ chăm, chỉ cần đặt chúng ở nơi đủ ánh nắng, tưới nước thường xuyên, không quên giữ ấm bộ rễ trong suốt mùa đông thì chúng có thể sống đến vài năm và cho quả liên tục trong mùa ra trái.
Không chỉ tạo lập không gian xanh mát, thơ mộng cho gian nhà, Trúc còn có nhiều ý tưởng tái chế đồ cũ thú vị. “Mình có ý tưởng tái chế đồ cũ từ thời sinh viên với suy nghĩ đơn giản là để tiết kiệm chi phí. Những vật dụng lẽ ra bị bỏ đi được ‘thay hình đổi dáng’ và tiếp tục hiện diện trong cuộc sống hằng ngày nhắc nhở mình phải trân quý những thứ đang có”, cô nhấn mạnh.
Trúc đều đặn chăm sóc khu vườn xinh xắn.
Yêu từng góc nhà
Đối với Thanh Trúc, món đồ dễ tái chế nhất là quần áo cũ vì cô có thể “hô biến” vải của chúng thành nhiều thứ khác như túi xách, tấm lót ly, đồ cột tóc… Món dễ tái chế thứ nhì là giấy, bao gồm giấy báo, giấy gói hàng và giấy thùng. Trúc thường dùng chúng cho việc gấp túi, che chắn bếp khi chiên xào để tránh bắn dầu mỡ hoặc dựng mô hình trang trí trong các dịp lễ, đặc biệt là Giáng sinh.
Hình dáng và công dụng của món đồ tái chế đến từ chính nhu cầu của gia đình cô. Ngoài ra, Trúc cũng nhiều lần tái sử dụng giấy kraft vì đặc tính đàn hồi, độ bền cao và khả năng chống rách tốt của loại giấy này.
Một góc vườn nhỏ xinh của Trúc.
Tùy vào độ khó của từng món, Thanh Trúc mất vài phút hoặc vài ngày để cải tạo, đảm bảo chúng có khả năng sử dụng để không lãng phí tài nguyên và thời gian bỏ ra. Nhờ tái chế, gia đình cô tiết kiệm được một phần chi phí mua sắm. Trúc cho hay, mình đam mê việc tái chế, tái sử dụng hay DIY (viết tắt của “Do it yourself”, nghĩa là “Tự bạn làm lấy”) và cảm thấy hạnh phúc khi tự do làm điều mình thích.
Giàn khổ qua đầu mùa trong vườn.
Trúc làm túi giấy từ giấy kraft.
Việc chăm chút từng góc vườn, góc bếp với những món đồ tái chế hay đồ handmade còn được cô lan tỏa tới mọi người thông qua nhóm Facebook “Khéo tay”. “Đứa con tinh thần” này được Trúc thành lập từ cuối năm 2018 với mục đích tạo ra sân chơi cho các bạn đam mê thủ công.
Ngoài tái sử dụng đồ cũ và trồng cây, cô cũng hay làm mộc để phục vụ nhu cầu gia đình hoặc thỏa mãn sở thích cá nhân. Chỉ với những dụng cụ cơ bản như bút, thước, ốc, vít, thêm máy cưa và máy khoan, Trúc có thể tự tay đóng được kệ gỗ hoặc bàn, ghế đơn giản.
Từ chuyện làm vườn, tái chế và làm mộc, cô khẳng định mình yêu mọi ngóc ngách trong căn nhà nhỏ đi thuê và sẽ chăm chút chúng thật kỹ để không gian gia đình luôn ấm cúng, đủ đầy.