Với mức học phí 13 triệu đồng/năm, lại bị cắt hơn 80 tỉ hỗ trợ từ ngân sách, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phải chắt bóp tiết kiệm và nguy cơ mất nhiều giảng viên giỏi.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là trường đào tạo y khoa trực thuộc UBND TP.HCM. Hiện tại, học phí đối với sinh viên có hộ khẩu TP.HCM là 11,8 triệu đồng/năm (305 nghìn đồng/tín chỉ). Còn mức thu đối với sinh viên ngoại tỉnh là 22 triệu đồng/năm (560 nghìn đồng/tín chỉ). Năm học 2020, trường chỉ thu học phí theo tín chỉ, dự kiến khoảng 13 triệu đồng/năm đối với sinh viên có hộ khẩu TP.HCM.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Chia sẻ với VietNamNet, Hiệu trưởng Ngô Minh Xuân cho hay theo tính toán, để đào tạo một sinh viên y khoa tối thiểu phải mất 32 triệu đồng/năm. Ông Xuân nhấn mạnh "Đây là khoản tối thiểu để đào tạo đảm bảo chất lượng".
Vướng mắc ở chỗ, TP.HCM cho phép trường tự chủ theo Nghị định 43, thuộc nhóm 1- tự chủ chi thường xuyên, giai đoạn 2018-2020. Trong khi đó, Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021) xây dựng dựa trên Nghị định 16/2015/NĐ-CP (Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập) quy định mức trần học phí theo 2 nhóm.
Nhóm 1 là cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư. Ở nhóm này, cho phép thu học phí đào tạo Y, Dược trình độ đại học năm 2018, 2019 là 4,6 triệu đồng/tháng.
Nhóm 2 là cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư. Ở nhóm này, học phí chỉ ở mức 1,18 - 1,3 triệu đồng/tháng.
Theo Nghị định này, thì ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thuộc nhóm số 1. Trường "xin" mức học phí khi tự chủ là 30 triệu đồng/năm với sinh viên y khoa, những ngành khác thì thấp hơn. Nhưng “oái oăm” là Sở Tài chính lại không đồng ý cho thu mức này dù đã cắt khoản ngân sách hỗ trợ 82,6 tỉ đồng/năm.
Lý do là nếu chiếu theo Nghị định 43, đơn vị thuộc nhóm "tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên", so với nhóm số 1 của Nghị định 86 thì thiếu mất chữ "chi đầu tư". Và vì vậy, trường phải thu học phí theo nhóm số 2 của Nghị định 86, ở mức 1,18 - 1,3 tr đồng/tháng.
Ông Xuân cho hay, hai năm qua, để trang trải chi phí đào tạo, trường đã phải chắt bóp tiết kiệm, làm thêm một số dịch vụ để bù vào. Trường rất khó khăn khi đào tạo Y khoa chỉ với hơn 1 triệu đồng/tháng mà không được hỗ trợ ngân sách.
“Đào tạo y khoa với giá này là không thể, mà ít nhất phải gấp 5 lần các ngành khác" - ông Xuân nói. Cũng theo ông Xuân, sau khi xin tự chủ theo Nghị định 16 không được, thì trường xin quay về cơ chế cũ, tức là được hỗ trợ từ ngân sách. Tuy nhiên, Sở Tài chính TP.HCM yêu cầu trường thực hiện tự chủ theo Nghị định 43, cắt ngân sách năm 2018 và 2019, thu hồi lại số tiền hơn 82,6 tỷ đồng thành phố đã cấp năm 2018, trong khi số tiền này nhà trường đã chi hết. Sau khi trường giải trình, Sở tài chính vẫn yêu cầu thu hồi hơn 70 tỷ đồng.
(Ảnh minh họa: VOH)
Nguy cơ mất giảng viên giỏi
Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phân tích: "Thu nhập trung bình của giảng viên nhà trường chỉ hơn chục triệu mỗi tháng. Trong khi, các trường tư trả tới hơn trăm triệu/tháng. Chúng tôi đứng trước nguy cơ mất nhiều giảng viên giỏi. Nếu một giáo sư "ra đi", thì thậm chí trường còn có nguy cơ mất mã ngành đào tạo”.
Nhấn mạnh mức học phí hiện nay là quá thấp và bất hợp lý, không đủ để trả các chi phí chứ chưa nói tới phát triển, ông Xuân so sánh: “Ở các nước tiên tiến, chi phí cho đào tạo Y khoa là 50-60.000 USD/năm. Khu vực Đông Âu thấp nhất cũng 20.000 USD/năm. Ngay cả Thái Lan cũng hơn 10.000 USD/năm. Không đâu như ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, chỉ 500 USD/năm”. Dù thu thấp nhưng hàng năm trường vẫn trích 8% học phí để cấp học bổng cho sinh viên.
Nghị định 43 có 3 nhóm là: Đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động); Đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, phần còn lại được ngân sách nhà nước cấp (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động); Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp, đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động).
Lê Huyền (Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/hoc-phi-chi-13-trieu-truong-y-o-sai-gon-chat-vat-ton-tai-647279.html)