Nỗi nhớ mong được gặp lại thầy cô, bạn bè sau thời gian dài nghỉ phòng chống dịch khiến ai cũng cảm thấy háo hức, nhưng đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 thì kỳ thi vượt vũ môn vẫn đang ở trước mắt.
Đây là chia sẻ của nhiều giáo viên, học sinh khi được trở lại trường sau gần 3 tháng phải nghỉ học vì dịch Covid-19. Câu chuyện về nỗi nhớ thầy, nhớ bạn được nhắc lại khiến ai cũng có cảm giác bâng khuâng, hồi hộp len lỏi trong tâm trí. Gặp lại thầy cô, "cạ cứng" sau thời gian dài, ai nấy đều háo hức.
Bạn Trần Thanh Tùng, học sinh lớp 11A3 trường THPT Phong Châu (Phú Thọ) chia sẻ: "Ngày đầu tiên trở lại lớp, em rất hồi hộp. Đến cổng trường, nhìn thấy bạn, cảm xúc vỡ òa, chẳng nói được gì cho dù hằng ngày vẫn nhìn thấy nhau qua màn hình máy tính".
Tiết học đầy cảm xúc sau kỳ nghỉ vì dịch Covid-19. (Ảnh: Thắm Vy)
Còn với cô bạn Phan Võ Bảo Anh, học sinh lớp 12 chuyên Văn trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), cho biết, tiết học đầu tiên của mình sau những ngày học online và trực tuyến là môn Toán. Trong khoảng thời gian nghỉ dịch, Bảo Anh vẫn luôn chăm chỉ ôn tập kiến thức thường xuyên nên không bị bỡ ngỡ khi học trở lại. Tuy nhiên, tiết học không nhộn nhịp như trước đây vì sĩ số lớp đã được chia nhỏ.
"Nhìn lớp, nhìn trường thưa, học sinh hạn chế tiếp xúc nên cũng có chút buồn, chút không quen. Nhưng học trực tiếp như vầy em thấy dễ tiếp thu hơn học online, ở nhà mạng chập chờn hoài nên em hay bị xót bài. Chúng em được thầy cô nhắc nhở phải đeo khẩu trang, giãn cách để bảo đảm sức khỏe cho mình và người khác.", Bảo Anh bộc bạch.
Học sinh với niềm vui trở lại trường sau kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19. (Ảnh: Ngô Bá Khảm)
Còn riêng với học sinh, sinh viên ở Hà Nội, khỏi phải nói, cảm giác hồi hội, bồn chồn sau hơn 90 ngày không được nhìn bảng đen, bụi phấn thật khó diễn tả. Trong khi một số tỉnh thành khác trên cả nước đã đi học lại từ trước đó thì ngày hôm nay 4/5, hơn 2 triệu học sinh trên địa bàn thủ đô mới chính thức quay trở lại trường.
Trần Yến Anh (11A, THPT Tây Mỗ, Từ Liêm) không giấu được cảm giác vui sướng khi gặp lại bạn bè, được ríu rít cùng nhau ăn bánh tráng, xoài dầm, hàn huyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất như ngày nào. "Em ở nhà buồn lắm, cả ngày cứ lủi thủi hết nấu cơm rồi học online. Đi học tuy có mệt chút nhưng vui lắm. Học bài nào khó thì hỏi bạn, không hiểu đâu có bạn giảng lại cho, ở nhà thì em chẳng biết hỏi ai, trò chuyện với ai.", Yến Anh tâm sự.
Trường THPT Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) vệ sinh lớp học chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.
Sĩ tử bồn chồn, lo lắng
Tuy rất vui khi được trở lại trường gặp bạn bè thầy cô nhưng cũng từ đây, việc ôn luyện thi cử của học sinh lớp 9, lớp 12 sẽ phải thật nghiêm túc, nào học thêm, học phân hóa, dò đề minh họa. Thời gian ôn thi đang dần thu hẹp lại, ngày vượt vũ môn cũng sắp cận kề. Đã vậy, việc điều chỉnh kỳ thi và đợi thông tin xét tuyển từ các trường đại học cũng khiến các sĩ tử ăn không ngon, ngủ không yên.
Lê Thị Thúy Anh, học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) bộc bạch, năm nay nữ sinh dự định sẽ thi khối D01 vào ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Ngoại thương. Vì thế, thời gian nghỉ dịch, Thúy Anh tập trung tối đa cho việc luyện đề các môn trong khối thi của mình. Nhưng khi nhận được thông tin kỳ thì THPT có thể chỉ để xét tốt nghiệp, nữ sinh cảm thấy vô cùng lo lắng.
"Cả hai ngôi trường em thi đều ở tốp đầu, do đó khả năng cao những trường này sẽ tổ chức kỳ thi riêng. Điều này đồng nghĩa với việc em có thể sẽ phải trải qua hơn 2 kỳ thi nữa mới vào được đại học.", Thúy Anh chia sẻ.
Sĩ tử lớp 12 với nỗi lo vượt vũ môn vì ngày thi đang cận kề. (Ảnh: Hải Yến)
Những ngày này, Nguyễn Mạnh Hà, học sinh lớp 12 trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội), luôn theo sát các thông tin để cập nhật các thay đổi xung quanh kỳ thi, nam sinh cũng tìm ngay các bài thi đánh giá năng lực của một số trường uy tín để làm thử. Kể từ tháng 6 năm ngoái, nam sinh đã bắt đầu đầu tư ôn luyện để thi khối A1. Kỳ thi năm nay, Mạnh Hà dự tính sẽ đăng ký 6 - 7 nguyện vọng xếp từ cao xuống thấp, trong đó có ĐH Quốc gia Hà Nội.
"Đi học lại cũng vui nhưng điều đó đồng nghĩa với việc thời gian không còn nhiều mà em thì vẫn phải phân chia ôn luyện cho bằng đó. Vừa ôn tốt nghiệp, vừa tìm hiểu quy chế tuyển sinh của các trường ĐH và ôn theo hướng của từng trường ấy, em nghĩ mình sẽ không chạy kịp.", Mạnh Hà nói.
Theo Tiin.vn