Ở cùng bố mẹ giảm nỗi lo tài chính
Ở tuổi 28, anh Kwon Joonyeop là một người đàn ông thành đạt điển hình mà nhiều thanh thiếu niên từng mơ ước. Tốt nghiệp trường đại học hàng đầu Yonsei, tham gia đội thể thao của trường và lấy được tấm bằng kép 2 chuyên ngành, anh Kwon hiện đang sống tại Gangnam, một trung tâm của giới nhà giàu thủ đô Seoul-Hàn Quốc.
Tuy nhiên theo tờ Business Insider (BI), căn hộ ở Gangnam mà anh Kwon sống có 4 phòng ngủ và là tài sản của gia đình qua nhiều thế hệ. Bản thân anh cũng đang sống cùng bố mẹ.
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng anh Kwon hiện đang là chuyên gia phân tích cho một tập đoàn quốc tế với mức lương cao, ổn định và đại diện cho giới cổ cồn trắng, lao động văn phòng mà nhiều bạn trẻ Hàn Quốc hướng tới. Vào dịp cuối tuần, anh Kwon lại đi thi bơi với bạn bè, tận hưởng một cuộc sống thoải mái.
Hong Seo-yoon, 36 tuổi, là quản lý một tổ chức phi lợi nhuận vì quyền của người khuyết tật ở Hàn Quốc, điều hành các lớp vận động chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul, kiêm người dẫn chương trình tại Hệ thống phát thanh truyền hình Hàn Quốc. Làm nhiều công việc cùng lúc giúp Hong kiếm được 3.700 USD mỗi tháng.
Cô đã dành tiền tiết kiệm cả đời và vay một khoản lớn để mua ngôi nhà đầu tiên của mình ở Seoul - căn hộ rộng 600 m2 được xây cách đây 30 năm - với giá 300.000 USD vào năm 2019.
Nhưng với mức lương hiện tại và lãi suất thế chấp chồng chất, Hong nói với Insider rằng cô rất lo lắng về tương lai tài chính của mình.
Kwon, Hong thuộc Thế hệ MZ, một thuật ngữ chung cho thế hệ Millennials và Gen Z. Thế hệ MZ, những người sinh trong khoảng năm 1980 đến 2005, chiếm gần 1/3 dân số Hàn Quốc.
Họ tạo nên thế hệ có học thức cao nhất của nước này, nhưng đồng thời luôn sống trong nỗi lo lắng về tài chính. Những người trẻ như Hong thấy mục tiêu cuộc sống ngày càng xa vời khi giá nhà đất, chi phí sinh hoạt cao kỷ lục.
Nhiều thanh niên Hàn Quốc đang tự gọi mình bằng biệt danh "bộ lạc kangaroo" - ám chỉ những con chuột túi con, ở trong chiếc túi của kangaroo mẹ rất lâu - khi phần lớn những người chưa lập gia đình đều sống chung với bố mẹ vì giá nhà ở đắt đỏ.
Dữ liệu từ cơ quan điều tra dân số của chính phủ Hàn Quốc cho thấy gần 13% thế hệ MZ độc thân và hơn 36% MZ là cặp vợ chồng có nhà riêng. Trong khi đó, thế hệ Millennials (từ 27 tuổi đến 42 tuổi) ở Mỹ sở hữu bất động sản riêng chiếm gần 48%, theo phân tích dữ liệu Điều tra dân số Mỹ năm 2020.
Nhưng điều này không có nghĩa người trẻ Hàn Quốc không muốn mua nhà. Ngược lại, một cuộc khảo sát năm 2020 với gần 2.900 thanh niên ở độ tuổi 20, cho thấy gần 95% khẳng định mua nhà mục tiêu quan trọng nhưng chưa thể thực hiện.
Thế nhưng ngay cả anh Kwon với mức lương 60.000 USD/năm cũng chẳng biết liệu mình có mua nổi một căn nhà trong đời hay không trong tình cảnh giá nhà tăng như hiện nay.
"Với tình cảnh của tôi thì nếu không lấy vợ, có lẽ tôi sẽ chuyển ra ngoài ở thuê năm 35-36 tuổi", anh Kwon nói khi cho biết mình tiết kiệm được 70% thu nhập nhờ sống cùng bố mẹ.
Nợ nần để hưởng thụ
Giá thuê nhà tăng cao cùng với khan hiếm việc làm có mức lương tốt khiến giới trẻ Hàn Quốc vay nợ quá nhiều.
CEO Eyal Victor Mamou của hãng tư vấn Koisra cho biết dù tiền học phí thấp nhưng ngày càng nhiều bạn trẻ Hàn Quốc vay nợ để trang trải chi phí cuộc sống hoặc để hưởng thụ và từ bỏ giấc mơ mua nhà. Câu chuyện dồn tiền tiết kiệm chơi chứng khoán, mua xổ số hay tiền số cũng chẳng còn hiếm khi cơ hội làm giàu, sở hữu nhà ở trở nên xa vời.
Tờ BI thậm chí nhận giới trẻ Hàn Quốc là những người chi tiêu mạnh nhất cho hàng xa xỉ vì giấc mơ mua nhà tan vỡ.b
Thế hệ MZ ở Hàn Quốc dẫn đầu xu hướng mua hàng xa xỉ, đưa quốc gia này trở thành một trong những thị trường xa xỉ lớn nhất thế giới năm 2022.
Năm 2022, tổng chi tiêu cho hàng hóa cá nhân cao cấp tại Hàn Quốc đã tăng 24%, theo nghiên cứu gần đây của ngân hàng Morgan Stanley.
Shinsegae, một trong những chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp lớn nhất Hàn Quốc, cho biết Thế hệ MZ chiếm gần 40% tổng doanh số bán hàng xa xỉ vào năm 2021.
Kim Seong-kon, giáo sư nghiên cứu văn hóa tại ĐH Quốc gia Seoul, cho biết, giới trẻ Hàn Quốc có xu hướng chuộng mua đồ xa xỉ như "sự bù đắp tâm lý" vì không thể sở hữu nhà riêng.
Một cuộc khảo sát của Economic Affairs cho thấy hơn 60% số người được hỏi tại Hàn Quốc cực kỳ coi trọng hình thức để người ngoài nhìn thấy sự giàu có ở bản thân.
Việc mua hàng xa xỉ từng được coi là dành riêng cho tầng lớp trung lưu, nhưng vài năm qua, thế hệ MZ đã trở thành nhóm người tiêu dùng đáng chú ý, dẫn đầu sự bùng nổ của thị trường.
"Tôi đã mua chiếc túi xa xỉ đầu tiên của mình vào năm 20 tuổi khi nhận được tháng lương đầu tiên. Tôi cho rằng sẽ có lúc tôi cần một chiếc túi xịn sau khi bắt đầu sự nghiệp. Kể từ đó khoảng hai lần mỗi năm, tôi dành tiền mua những chiếc túi xa xỉ. Tôi biết chúng đắt so với mức lương của tôi nhưng chúng mang lại cho tôi sự tự tin. Tôi coi chúng như món quà cho chính mình sau khi làm việc chăm chỉ cả ngày lẫn đêm", Jang, nhân viên văn phòng 32 tuổi ở Seoul nói với The Korea Times.
Theo Shinsegae, thế hệ MZ chiếm gần 40% tổng doanh số bán hàng xa xỉ năm 2021 ở Hàn Quốc. Lượng mua hàng xa xỉ của khách hàng ở độ tuổi 20 đã tăng gấp đôi mỗi năm, vượt xa mức tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ nói chung kể từ năm 2016.
Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul giải thích xu hướng này là sự khác biệt về văn hóa giữa các thế hệ. Trong khi những người lớn tuổi hình thành thói quen tiết kiệm tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế thì thế hệ trẻ, sinh ra trong thời kỳ sung túc, quan tâm nhiều hơn đến việc tiêu tiền để tận hưởng cuộc sống.
Tất nhiên đấy là với giới trung lưu, còn những bạn trẻ gia cảnh nghèo khó thì vẫn phải tiết kiệm từng đồng. Họ không có khả năng mua hàng xa xỉ nhưng lại mơ về một cuộc sống dễ thở hơn khi hàng ngày phải tính toán đến từng đồng.