Từng là một cần thủ, nhưng do không tìm được mồi bén để câu cá, ông Hồ Hoàng Khanh (61 tuổi, Q.11) tìm hiểu về gián và biết được các loài cá rất thích món mồi này. Từ đó vợ chồng ông gắn bó với việc mưu sinh bằng nghề bắt gián đã hơn 20 năm.
Vợ chồng ông Hồ Hoàng Khanh gắn bó với nghề bắt gián đã 20 năm. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)
Hiểu được tập tính của loài gián, ông Khanh chia thời gian sáng tối để đi bắt cho khách. Mỗi lần bắt từ 4-5 tiếng, khoảng 1.000 con, chia ra từng hộp để giao cho khách, thu nhập tầm 300.000 - 400.000 nghìn đồng/ ngày nếu có khách đặt hàng.
Gián có 2 loại: gián đất và gián đỏ. Gián đất thường được ông bắt vào ban ngày, ở những bãi rác hay bãi xà bần với dụng cụ bắt là một chiếc hộp cùng một cây để cào đất. Gián đỏ thì bắt vào ban đêm vì thời gian này xe cộ ít hoạt động, yên tĩnh nên loài gián sẽ đi tìm thức ăn, mồi để dụ loài gián này là mạch nha hoặc vỏ sầu riêng.
Hằng ngày, ông và vợ (bà Trần Kim Anh, 58 tuổi, Q.11) chia nhau ra bắt, ông đạp xe đến vị trí xa hơn, bà thì đi gần. Ông Khanh đi bắt thì bà đi giao cho khách, giao xong bà đi bán vé số.
Bà Trần Kim Anh cho biết đây không phải là nghề ổn định vì phụ thuộc vào khách, mùa dịch này nguồn thu từ nghề không có vì không ai ra đường để đi câu. Gián ông bắt được bỏ mối ở các cửa hàng bán cần câu, hoặc giao cho khách ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ để làm mòi câu cá bông lau, cá rô, cá trê, cá chim...
Ông Khanh cho biết để bắt được gián thì mắt phải tinh và nhạy, vì gián đất có màu đen, lẫn trốn trong đất nên rất khó thấy, ngoài ra gián có thể bay được nên phải đựng chúng trong một chiếc hộp trơn, bỏ đất vào để nó không bay đi. “Cái khó của nghề này là phụ thuộc vào khách, sợ nhất là trời mưa rất khó bắt. Ngoài ra, khi bắt còn gặp miểng chai, rắn rết, bị cắn riết rồi quen luôn” ông Khanh vui cười nói.
Dụng cụ để bắt gián đất là một chiếc hộp và một cái cây để cào đất. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)
Ông Khanh đạp xe đến các bãi đất, bãi xà bần để ‘săn’ gián. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)
Ông Khanh thường đi bắt gián đất vào buổi sáng, từ 3-4 tiếng là bắt được gần 1.000 con gián lớn nhỏ. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)
Người dân tò mò xem cách bắt gián của ông Khanh. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)
Ông Khanh cho biết gián đất được bắt vào ban ngày vì gián có màu đen, lẫn trốn trong đất nên cần phải tinh mắt. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)
Gián đỏ được ông bắt bằng đường mạch nha. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)
Gián được ông Khanh đựng trong hộp hoặc chai có khoét lỗ. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)
Khi bắt gián ông Khanh gặp miểng chai hay rắn rết, nhưng có thâm niên làm nghề lâu nên ông không còn sợ nó nữa. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)
Bà Kim Anh phụ ông Khanh mang gián giao cho các cửa hàng bán cần câu. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)
NGỌC PHƯỢNG (Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-20-nam-song-bang-nghe-bat-gian-o-sai-gon-202007051319506.htm)