Với điểm IELTS 9.0, "trình" tiếng Anh thượng thừa và tính cách thẳng thắn, không ngại bày tỏ quan điểm dù là nhạy cảm, Hana’s Lexis đang là một trong những vlogger được yêu mến nhất hiện tại.
"Hello các bạn! Welcome các bạn đã quay trở lại với channel của Hana’s Lexis. Đây là channel sẽ giúp các bạn đi từ khá tiếng Anh lên giỏi tiếng Anh nhờ vào lời khuyên của một cựu chuyên Anh Năng khiếu đang sống và làm việc tại Mỹ, chính là mình." - Nếu biết đến câu intro hoành tráng đó thì bạn chắc hẳn sẽ biết đến cô nàng Hana’s Lexis - một channel chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh đang rất được lòng các bạn trẻ hiện nay.
Hana’s Lexis luôn luôn xuất hiện với hình ảnh bất cần đời và sự ngông nghênh, đầy tự tin của một người trẻ hiểu được giá trị bản thân. Cách cô nàng nói, kể chuyện khiến ai cũng có cảm giác như cạnh bên có một cô bạn thân năng động, mang đến cho người khác những cảm giác tích cực. Thế nhưng sẽ không ai biết được hết những khó khăn cô nàng phải trải qua để đi được đến vị trí như ngày hôm nay.
Đỗ Hồng Nhung, 29 tuổi, là cựu học sinh chuyên Anh Năng khiếu và là chủ nhân của kênh Youtube Hana’s Lexis. Hiện tại, cô bạn đang sống và làm công việc lập trình viên tại Mỹ. Để nói về mình, Nhung chỉ dùng 3 từ: "Ngông, ngu và … trên trung bình".
Cơ duyên đưa Nhung đến với con đường Youtuber là lúc cô nàng có ý định làm những dự án của riêng bản thân và nghĩ dù có thành công thì cũng sẽ thuê người khác hoặc Influencer để truyền thông thêm. Lúc đó Nhung nghĩ, sản phẩm của mình cũng chỉ về tiếng Anh hay tạo app mà nếu thuê người làm cũng sẽ phải mất tiền.
Vậy nên cô bạn nghĩ bản thân mình có thể làm được sao không dám thử. Nhung đã đặt mục tiêu trong một năm đạt được 20.000 subscriber nhưng chưa cần đến cuối năm thì đã làm được.
Nhung tự nhận mình không có khả năng quay hay edit video, cũng không có khả năng về nghệ thuật với tính cách thích gì làm đó nên hoàn toàn không có chuyện viết kịch bản rõ ràng. Chỉ cần trong đầu có một vài ý tưởng nào đó thì Nhung sẽ gạch đầu dòng rồi quay chay trong khoảng 30 phút, cắt ghép còn 15 - 20 phút là vừa.
Điều khiến Hana’s Lexis trở nên khác biệt giữa một rừng Youtuber chia sẻ kinh nghiệm tiếng Anh hiện nay có lẽ là màn giới thiệu khá lạ người, cái gì cần quảng cáo cũng có trong đó hết rồi. Cô nàng giới thiệu kinh nghiệm học tiếng Anh từ một trường chuyên Anh giỏi ở Việt Nam, đang làm việc bên Mỹ nên sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn so với các bạn chỉ mới đi du học. Và quan trọng là tính cách có sao nói vậy, không có màu mè nên có lẽ người xem thấy cô nàng có phần nào "điên" hơn các Youtuber khác.
Có khá nhiều người nhận xét cách nói chuyện của Nhung thẳng thắn, đôi khi có thể gây mất lòng người khác. Tuy nhiên, cô nàng cho rằng: “Trong đời bạn không chỉ nói một câu mà nói cả nghìn câu nên cứ sống thật thì bản thân sẽ không phải mất công đắn đo nghĩ xem mình vừa nói gì. Còn người xem chửi nhiều quá thì tắt máy tính đi, dù sao cũng chỉ là người trên mạng thôi mà!”.
Cô nàng cũng chia sẻ thật là bản thân ít đọc bình luận tiêu cực, chỉ toàn đọc bình luận top khen mình thôi. Youtube không phải nguồn sống của cô bạn nên “khi nào sẵn sàng thì quay lại còn nếu thấy không ổn sẽ dẹp kênh luôn”.
Trần tình về cuộc sống du học hào nhoáng và cái giá cho những quyết định nông nổi tuổi 27
Không phải tuýp điển hình của du học sinh như mọi người thường thấy, Nhung lại là người hướng nội, tính không thích giao lưu nhiều nên cuộc sống cũng chỉ học bài rồi đi đi, về về. Theo Nhung, du học sinh được rất nhiều thứ đặc biệt, nếu gia đình có điều kiện thì có thể đi nhiều nơi.
Nhiều trường học bên Mỹ cũng có quỹ hỗ trợ gửi các du học sinh đi dự hội thảo hay tham gia sự kiện. Người may mắn có thể qua châu Âu dự hội thảo học thuật nên ai có năng khiếu học mà du học Mỹ thì con đường học thuật sẽ vô cùng rộng mở.
Còn đối với Nhung, cô bạn nhận thấy mình có nhiều thời gian ngồi nhìn trời nhìn mây suy nghĩ về cuộc đời, cũng không bị dòng đời xô đẩy quá nhanh. Nhung cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi chưa được trải nghiệm đời sống sinh viên ở Việt Nam.
Chia sẻ về quyết định liều lĩnh nhất trong đời, Nhung tâm sự đó là khi cô bạn có học bổng toàn phần đi học thạc sĩ nhưng lại bỏ học chỉ sau một học kỳ vì tự cảm thấy bản thân mình không phù hợp. Với Nhung, đơn giản là bản thân thích cái gì, đam mê cái gì thì sẽ theo đuổi và làm cái đó, còn đi theo cái tương lai gượng ép không sớm thì muộn cũng sẽ phải bỏ cuộc sớm thôi.
Khoảng thời gian khó khăn nhất của Nhung là khi bắt đầu startup, tự vầy vò lên dự án nhưng rồi lại thất bại. Cô bạn rơi vào trạng thái khủng hoảng thấy bản thân không làm được cái tích sự gì, không biết tương lai đi về đâu. Khi đó Nhung đã 27 tuổi, là một du học sinh Mỹ đàng hoàng mà vẫn trắng tay, “đúng nghĩa sự thất bại của tạo hóa”.
Thế nhưng không để mình gục ngã, Nhung quan niệm khó khăn lớn nhất chỉ có 2 thứ là không có sức khỏe và phải đi trả nợ cho người khác nên trong quãng thời gian mất định hướng, thay vì ngồi khóc lóc cô bạn suy nghĩ cách giải quyết nhiều hơn. “Nói chung có rất nhiều đường để tự vực dậy bản thân, miễn là có sức khỏe và không bị nợ là được. Sau đó mình nhận ra bản thân cũng có hứng thú với lập trình nên quyết định quay lại Mỹ để học tập tiếp. Xin được visa quay lại đây là mình lại ổn rồi, thật mừng vì mình không còn ngu như xưa!”, Nhung bộc bạch.
"Không đạt được IELTS 9.0 mới là chuyện lạ!"
Từng là học sinh chuyên Anh nhưng thời Nhung đi học, nền tảng chắc nhất vẫn là ngữ pháp, còn nghe, nói hầu như không biết. Cô bạn cũng khuyên các bạn học ngôn ngữ nói chung hay tiếng Anh nói riêng thì nên tập trung học song song 3 yếu tố: Phát âm, ngữ pháp và học khoảng 3.000 từ vựng phổ biến nhất.
Thứ nhất về phát âm, Nhung cho rằng các bạn không cần cố phát âm nhanh mà hãy cố nói tròn vành rõ chữ, có hơi ngay từ đầu đồng thời quan sát và bắt chước cách người bản xử nói. Thứ hai về ngữ pháp, các bạn nên học theo các quyển giáo trình chính thống, tới chương nào làm bài chương đó.
Sau khi có chút xíu từ vựng thì bắt đầu đọc bài và quan sát cách người ta dùng thì, tự hỏi và trả lời tại sao người ta lại dùng cấu trúc này vào hoàn cảnh đó. Và cuối cùng là từ vựng thì Nhưng cho rằng, người xem đều biết mình toàn học bằng thẻ nhớ có một mặt từ tiếng Anh và mặt kia từ tiếng Việt.
"Các bạn cứ cố học nhồi càng nhiều từ càng tốt, chưa cần biết cách dùng của nó đâu! Bản chất của việc học là để nhận diện mặt chữ vậy nên hãy chăm tra bằng từ điển Anh - Anh để hiểu sâu nghĩa hơn. Ngoài ra, Nhung thường luyện anime Eng sub hay các show Hàn có phụ đề xem cho bớt chán.", Nhung bật mí.
Rất nhiều người đã đặt câu hỏi “Để đạt được IELTS 9.0 và đặc biệt điểm tối đa Speaking 9.0, Nhung có bí kíp đặc biệt nào hay không?" và Nhung thẳng thắn: “Mình không biết trả lời sao nữa vì với người học chuyên Anh lâu như mình, việc không đạt 9.0 IELTS mới là chuyện lạ!”.
Nhung cho hay, muốn được điểm cao IELTS thì phải học đều, thật sự thấy thoải mái với ngôn ngữ. Đối với phần Speaking, Nhung khuyên các bạn không nên xài những từ quá học thuật hay hoa mĩ mà chỉ nên thể hiện cho người phỏng vấn rằng bạn rất thoải mái và bình thường với ngôn ngữ này.
Một lời nhắn nhủ cuối cùng mà Nhung dành cho những bạn trẻ đang ngán học tiếng Anh tận cổ mà vẫn phải ráng học, đó là hãy dừng việc học tiếng Anh và đi tìm động lực học môn này, phải ráng tìm được niềm yêu thích cháy bỏng nào đó gắn vào hay học kiểu 1 - 1, 1 - 3 để có người cùng thúc đẩy. “Và cuối cùng, đúng là các bạn không biết nhiều tiếng Anh thì chỉ có thể học cùng người khác nhưng vẫn cần chủ động học bằng cách của mình và không ngừng quan sát cách đọc của người bản xứ.”, Nhung khẳng định.
Theo Kenh14.vn
* Nội dung liên quan: