Với số dân chưa đến 3 triệu người, Qatar là quốc gia nhỏ nhất từng đăng cai World Cup. Tất cả 8 sân vận động tổ chức các trận đấu đều nằm trong và xung quanh thủ đô Doha, chỉ cách nhau chưa đầy 1 giờ lái xe. Điều đó biến World Cup 2022 trở thành giải đấu "nhỏ gọn nhất" nhưng có chi phí đắt đỏ nhất lịch sử với hơn 220 tỉ USD. Với một đất nước có thu nhập bình quân đầu người vào hạng cao nhất thế giới, việc Qatar bỏ ra số tiền như vậy để đăng cai giải đấu, lấy một suất tham dự World Cup là không đáng kể.
Sau khi kỳ World Cup 2022 ở Qatar kết thúc, LĐBĐ Thế giới (FIFA) sẽ trao quyền đồng đăng cai World Cup 2026 cho 3 quốc gia Bắc Mỹ: Mỹ, Canada và Mexico. Trước đó, kỳ World Cup năm 2002 đã diễn ra tại 2 quốc gia ở châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản - nơi tuyển Brazil giành chiến thắng 2-0 trước Đức để đăng quang giải đấu.
World Cup 2026 sẽ lần đầu diễn ra cùng lúc ở 3 quốc gia, với 48 đội tham dự (Ảnh: REUTERS)
Mỹ và Mexico đều từng đăng cai vòng chung kết World Cup. Trong đó, Mexico có 3 lần đăng cai giải đấu này vào các năm 1970, 1986 và 2026. Các quốc gia từng 2 lần đăng cai World Cup là Mỹ, Brazil, Ý, Pháp và Đức.
Giải đấu năm 2026 sẽ trở lại việc tổ chức vào mùa hè theo truyền thống và hầu hết các trận đấu sẽ diễn ra ở Mỹ. Theo đó, 60/80 trận đấu sẽ diễn ra ở 11 thành phố thuộc đất nước cờ hoa; 20 trận còn lại chia đều tại 5 thành phố thuộc Canada và Mexico.
Tuy lần đầu tiên có 48 đội tham gia nhưng tổng số trận tối đa mà một đội bóng phải thi đấu vẫn không thay đổi. Cụ thể, 48 đội được chia làm 16 bảng với 3 đội mỗi bảng. Các đội thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm, chọn 2 đội đứng đầu mỗi bảng vào vòng đấu loại trực tiếp. Hai đội giành quyền vào trận chung kết giải đấu buộc phải đánh bại 7 đối thủ - bằng với số trận hiện tại.
Việc gia tăng số lượng đội tham dự World Cup 2026 cũng mở ra cơ hội cho các đội tuyển chưa từng góp mặt ở sân chơi này, trong đó có Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực, giúp các quốc gia có nền bóng đá đang phát triển tiệm cận với những "ông lớn" bóng đá thế giới.