Sau khi hoàn thành chương trình tiếp thị vào năm ngoái, Cheng Jun không tìm được công việc nào trả lương khá. Vì vậy, chàng trai 22 tuổi chấp nhận lời mời làm việc từ cha mẹ mình.
Hiện Cheng dành toàn thời gian ở nhà tại tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, làm giúp việc gia đình trong căn hộ nơi anh lớn lên. Chàng trai dọn dẹp, đưa em gái đến trường và chạy việc vặt cho gia đình. Đổi lại, anh nhận mức lương cố định 4.000 nhân dân tệ (550 USD).
Đó là một công việc hấp dẫn hơn nhiều so với những gì các nhà tuyển dụng khác đưa ra, Cheng nói. Chỉ có một nhược điểm: Công việc này không được xã hội coi trọng.
“Hàng xóm của tôi, thậm chí một số người thân và bạn bè coi việc ở nhà là vô ích,” Cheng thở dài.
Khi tỉ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc tăng cao, ngày càng có nhiều thanh niên chấp nhận những công việc tương tự như Cheng. Được gọi là “những đứa trẻ toàn thời gian”, họ được gia đình thuê - và thường được trả một mức lương cố định hàng tháng - để đảm nhận các việc trong gia đình: từ làm việc nhà đến chăm sóc người thân từ trẻ đến già.
Xu hướng này lần đầu tiên được chú ý vào cuối năm ngoái, sau khi những “thanh niên toàn thời gian” lập diễn đàn thảo luận trên nền tảng xã hội Douban. Những tháng gần đây, đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc, với những câu chuyện về những đứa con toàn thời gian trên nền tảng tiểu blog Weibo.
Trong hầu hết các trường hợp, những người trở thành “con toàn thời gian” là sinh viên mới tốt nghiệp không tìm được việc làm, không thích công việc hiện tại hoặc muốn dành thời gian để chuẩn bị cho kỳ thi sau đại học hoặc kỳ thi công chức vốn nổi tiếng cạnh tranh ở Trung Quốc. Hoặc đôi khi, họ chỉ đơn giản là những người trẻ tuổi muốn chăm sóc người thân già yếu của mình.
Phản ứng đối với nhóm thanh niên này trên phương tiện truyền thông xã hội rất khác nhau. Nhiều người tỏ ra ủng hộ những đứa con toàn thời gian, nói rằng thật tốt khi dành thời gian chất lượng cho gia đình. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác.
Liu Wenrong - nhà nghiên cứu từ Viện Xã hội học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, giải thích: “Trở lại năm 2006, thời gian đó giá nhà ở trở nên quá đắt với nhiều người trẻ. Một số phụ thuộc vào cha mẹ để mua một căn hộ và thậm chí nhờ nuôi dạy con của họ.”
Nhiều người chọn làm việc nhà cho gia đình vì không tìm được việc làm.
Liu cho biết thêm, xu hướng làm con toàn thời gian đang phát triển bởi các yếu tố tương tự. Nhưng ngoài vấn đề nhà ở quá đắt, những người trẻ hiện đang phải đối phó với thị trường lao động eo hẹp, khiến họ thậm chí còn phải phụ thuộc nhiều hơn vào gia đình so với trước đây.
Liu nói: “Nhóm người này không mới. Điều làm nóng các cuộc thảo luận gần đây là thị trường việc làm cho thanh niên, vốn ngày càng khó khăn trong vài năm qua.”
Theo Liu, cái mác con cái toàn thời gian đang được các gia đình Trung Quốc chấp nhận rộng rãi hơn, bởi những người trẻ không thể độc lập tài chính.
Với tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc lên tới 21,3% trong tháng 6, chắc chắn hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp sẽ phải trở thành “những đứa trẻ boomerang” quay về sống với cha mẹ. Trở thành một đứa con toàn thời gian - với tiền lương đi kèm - ít nhất giúp họ cảm thấy khá hơn một chút.
Liu nói: “Thuật ngữ mới “đứa con toàn thời gian” (full-time child) dễ chấp nhận hơn đối với những người trẻ tuổi. “Điều đó cho thấy vai trò chuyển tiếp cho phép họ theo đuổi sự phát triển bản thân.”
“Tôi xứng đáng có một tương lai tốt đẹp hơn”
Đó chính xác là cách Cheng nhìn nhận mọi thứ. Anh ấy có thể đã nhận một công việc vào năm ngoái nếu thực sự muốn, nhưng thị trường việc làm không có lựa chọn nào hấp dẫn. Việc làm “con toàn thời gian” chỉ đơn giản là cho anh ấy thời gian để tìm những cơ hội tốt hơn.
“Sau khi gửi hàng trăm đơn xin việc, cuối cùng tôi chỉ nhận được một lời đề nghị – một công việc văn phòng được trả hơn 3.000 nhân dân tệ một tháng,” Cheng nói. “Đó là điều không thể chấp nhận được với gia đình tôi. Bố mẹ luôn tự hào về kết quả học tập của tôi. Họ tin rằng tôi xứng đáng có một tương lai tốt đẹp hơn.”
Cheng tin rằng sự sắp xếp này cũng có tác dụng tốt đối với cha mẹ anh bởi họ đều đi làm toàn thời gian. Cheng không chỉ làm những công việc như dọn dẹp nhà cửa, anh còn đưa đón em gái đến trường tiểu học mỗi ngày. Trong những kỳ nghỉ, chàng trai dạy kèm cho em gái hàng giờ các môn như Toán và tiếng Trung.
“Tôi tin rằng công việc của tôi xứng đáng với số tiền cha mẹ trả cho,” anh nói. “Nếu mẹ tôi thuê gia sư bên ngoài, bà còn phải trả đắt hơn.”
Tuy nhiên, Cheng khẳng định rằng công việc này sẽ chỉ là tạm thời. Vài tháng nữa, nam sinh sẽ thi lại kỳ thi tuyển sinh sau đại học với hy vọng giành được một suất vào chương trình thạc sĩ.
Cheng nói: “Mặc dù được trả tiền cho công việc của mình, nhưng việc được bố mẹ trả lương vẫn khiến tôi không thoải mái. Với bằng tốt nghiệp cao hơn, tôi sẽ có cơ hội tốt hơn để kiếm được một công việc khác ngoài gia đình.”
Mặc dù hầu hết những đứa con toàn thời gian như Cheng xem vai trò này như một công việc tạm thời, một số khác lại coi đó là một công việc lâu dài - đặc biệt là những người có cha mẹ già mắc bệnh mãn tính.
Zhu, 27 tuổi, đến từ Thượng Hải, đã nghỉ việc tại một công ty điện ảnh và chuyển về sống cùng gia đình vào năm 2021. Kể từ đó, cô dành thời gian chăm sóc cha mẹ mình, cả hai đều ngoài 60 tuổi và trước đó đã phải nhập viện bởi các vấn đề về tim.
“Tôi từng nói với bạn bè rằng mình thất nghiệp. Bây giờ, có thể nói rằng tôi là một đứa con gái toàn thời gian.” – Zhu cho biết.
Vài nguyên nhân khiến Zhu từ bỏ sự nghiệp. Năm 2021, công ty điện ảnh nơi cô làm việc có đội quản lý mới và cô thấy mình gặp khó dưới thời những sếp mới. Thêm vào đó, cha mẹ gặp vấn đề về sức khỏe khiến Zhu phải chăm sóc nhiều hơn.
“Cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng họ đang già đi,” Zhu nhớ lại. “Tôi phải trân trọng thời gian khi họ vẫn còn đủ sức khỏe đi lại dễ dàng.” - Ảnh minh họa
Ban đầu bố mẹ Zhu không ủng hộ. Cha của Zhu – giám đốc một doanh nghiệp đã nhờ cậy các mối quan hệ của mình để giúp con gái có được công việc tại một công ty điện ảnh. Ông không hiểu sao con gái lại muốn từ bỏ một cơ hội tốt như vậy.
Zhu nói: “Cha mẹ tôi không dễ chấp nhận việc một người trẻ muốn ở nhà”.
Nhưng theo thời gian, cha mẹ của Zhu đã thay đổi suy nghĩ. Họ đã nhìn thấy những lợi ích khi có Zhu ở đó, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào họ phải nhập viện hoặc đi bác sĩ.
Zhu nhận ra rằng cô thật thấy vui khi có thể chăm sóc cha mẹ mình theo cách này. Cha cô vẫn kiếm được thu nhập cao từ công ty của ông và gia đình tiếp tục thuê một người dọn dẹp để lo việc nhà.
Do đó, trách nhiệm duy nhất của Zhu là đi dạo cùng cha mẹ và theo dõi sát sao sức khỏe của họ. Đổi lại, cô được trả 15.000 nhân dân tệ mỗi tháng - nhiều hơn so với các bạn bè đồng trang lứa.
Ngoài ra, Zhu không phải lo lắng quá nhiều về tài chính lâu dài của mình. Khi cha mẹ cô qua đời, quyền sở hữu công ty của cha cô gần như chắc chắn sẽ được chuyển cho Zhu và em gái cô.
Gia đình phụ thuộc lẫn nhau
Lu Juan, 27 tuổi, sống ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) là đứa con toàn thời gian từ đầu năm nay 2023. Giống như Zhu, cô đưa ra quyết định sau những nỗi sợ về sức khỏe của cha mẹ.
Nhưng trên thực tế, bố mẹ Lu Juan không cần con gái giúp đỡ nhiều như vậy. Cha mẹ của Lu chỉ mới ngoài 50 và có sức khỏe tốt, nhiệm vụ của Lu khi là một đứa con toàn thời gian chủ yếu xoay quanh việc nấu nướng, dọn dẹp và giặt giũ.
Đối với Lu, trở thành một đứa con toàn thời gian là dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Khi còn nhỏ, cô chưa bao giờ có cơ hội gần gũi với cha mẹ mình. Họ là những người lao động nhập cư dành phần lớn thời gian làm việc ở thành phố, còn Lu bị “bỏ lại” ở nông thôn. “Tôi đã trải qua thời thơ ấu xa cha mẹ, do vậy tôi muốn trải nghiệm cuộc sống cùng bố mẹ mình.” - Lu nói.
Cha mẹ của Lu trả cho con gái mọi thứ cô mua cho gia đình và hứa sẽ trả cho cô mức lương hàng năm khoảng 40.000 nhân dân tệ cho công việc nhà cô làm.
Lu nói: “Họ hy vọng tôi có thể kết hôn và có gia đình riêng càng sớm càng tốt.”
Đối với Zhang, 31 tuổi, trở thành con gái toàn thời gian còn hơn cả việc trả ơn. Không giống như những đứa trẻ toàn thời gian khác còn độc thân, Zhang đã kết hôn và có hai con.
Gần đây, Zhang vẫn làm việc nhiều giờ để điều hành cửa hàng thời trang của riêng mình ở phía đông thành phố Hàng Châu, làm việc từ sáng đến tối. Cha mẹ cô, đều khoảng 60 tuổi, phải chuyển đến căn hộ của cô để giúp chăm sóc các con của Zhang, vì bản thân Zhang hiếm khi ở nhà.
Khi công việc kinh doanh của Zhang bắt đầu gặp khó khăn trong đại dịch, cô nhận ra rằng việc tiếp tục sống theo cách đó không ổn. Cô quyết định đóng cửa hàng và trở thành người chăm sóc chính của gia đình.
Giờ đây, Zhang dành thời gian chăm sóc con cái và bố mẹ, nấu ăn cho cả nhà, đưa bố mẹ đi du lịch ngắn ngày và cùng họ đến bệnh viện.
Sự sắp xếp mới đã làm tăng áp lực tài chính cho gia đình. Thu nhập từ công việc kinh doanh của Zhang đã không còn, và bố mẹ hiện trả cho cô 8.000 nhân dân tệ mỗi tháng - tương đương 40% khoản lương hưu của họ - để cô thực hiện nghĩa vụ của một đứa con toàn thời gian.
Nhưng Zhang khẳng định phần thưởng tình cảm là xứng đáng. Trước đây, cô luôn căng thẳng và hiếm khi gặp bố mẹ dù họ sống chung dưới một mái nhà bởi cô phải làm việc nhiều giờ. Giờ đây, cô đưa họ đến các nhà hàng và địa điểm du lịch, họ “rất vui vẻ,” cô nói.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, con cái thường bị chỉ trích vì lấy tiền của cha mẹ. Nhưng Zhang nói rằng cô ấy không cảm thấy tệ về điều đó. Nếu cô ấy không chăm sóc cha mẹ mình, gia đình sẽ phải thuê một người giúp việc để làm công việc thay thế.