Khi Hoàng Đế thị tẩm: 15 ngày sủng ái 81 phi tần, Hoàng hậu được ưu tiên vào ngày đặc biệt

Phi tần mỹ nữ trong cung cấm có rất nhiều và giữa họ luôn diễn ra cuộc chiến khốc liệt mang tên tranh sủng. Cũng chính vì thế mà lịch trình thị tẩm của các Hoàng đế Trung Quốc thời xưa khiến nhiều người bất ngờ.

Vào thời phong kiến, hoàng đế thường được coi là người thống trị, người tượng trưng cho quyền lực tối cao. Nhờ vị trí "trên vạn người" của mình, các hoàng đế luôn được ca ngợi là có khả năng một tay nắm giữ quyền hành đất nước, tùy ý định đoạt vận mệnh của cả một triều đại.

Cùng với đó "Tam cung lục viện" của Hoàng đế Trung Hoa tưởng chừng sẽ được ăn sung mặc sướng, nhưng sự thực lại trái ngược hoàn toàn. Các phi tần trong hậu cung Trung Hoa xưa phải chịu sự ràng buộc từ vô số cung quy luật lệ. Để bảo vệ sức khỏe của Hoàng đế, tránh những ảnh hưởng tới long thể hay các quyết sách quan trọng từ họ, hoàng cung thường đặt ra các quy định cụ thể về cả chuyện thầm kín của hoàng đế.

Những ai thường xuyên theo dõi thể loại phim cung cấu như Diên Hy Công Lược hay Hậu Cung Như Ý Truyện chắc hẳn đã nhận ra, quy tắc thị tẩm của Hoàng đế nhà Thanh khá phức tạp. Trong vô số cung tần mỹ nữ, Hoàng thượng chỉ giữ lại cho mình một vài cái tên mà họ đặc biệt yêu thích. Những tên này được khắc vào tấm kim bài đặt trong một chiếc lọ lớn nằm ở phía trên long sàng. Khi nào nhà vua muốn thị tẩm thì sẽ lật thẻ bài để thái giám chuẩn bị đưa phi tần đến hầu hạ.

Mỹ nhân may mắn được vua ân sủng sẽ phải tắm gội, cởi bỏ y phục và cuốn mình trong một tấm chăn lớn dệt bằng chỉ lụa vàng và khiêng đến bên long sàng của hoàng thượng. Sau đó phi tần phải tự mình bò lên long sàng và chui vào chăn. Sau khi lâm hạnh, họ sẽ bò giật lùi ra khỏi giường, tự cuốn mình vào chăn trước khi được thái giám đưa trở lại về cung.

Vào thời bấy giờ, việc thị tẩm của nhà vua sẽ bị quản thúc bởi Kính Sự phòng. Do đó mà việc Hoàng đế thân mật với phi tử cũng vì thế không có sự riêng tư tuyệt đối. Vì thiếu đi tính riêng tư này khiến việc thị tẩm của Thiên tử không có được sự tự nhiên, thoải mái.

Về thời gian giao hoan, để đảm bảo long thể cho Hoàng đế, thái giám cũng được phép đứng bên ngoài réo liên tục để Hoàng đế được biết mà kết thúc công việc theo đúng quy định. Ngoài ra, Thái y thời bấy giờ cũng cho rằng, việc ái ân không điều độ sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của Hoàng đế. Theo đó, thời gian trung bình cho mỗi lần thị tẩm thường không được phép quá 30 phút.

Ngoài những quy tắc này, Hoàng đế Trung Quốc thời xưa còn áp dụng thiên văn học vào việc phân bổ lịch trình thị tẩm của các phi tần.

Theo đó, người Trung Quốc xưa quan niệm, thời điểm trăng sáng là lúc âm khí của người con gái đạt cực thịnh. Vì vậy, nếu lâm hạnh vào thời gian này, phi tử sẽ có đủ âm khí để hòa hợp, bồi bổ dương khí của Hoàng đế. Nếu có thai vào lúc này, bào thai sẽ được cho là hội tụ đủ những đức tính tốt đẹp nhất của một vị quân vương tương lai.

Tính theo lịch trăng tròn, các phi tử bao gồm Hoàng hậu, Quý phi, Phi sẽ được ưu tiên sủng hạnh vào ngày trăng tròn, các phi tử cấp bậc thấp hơn sẽ lần lượt diện kiến Hoàng đế vào những ngày còn lại của tháng. Như vậy, cứ trong 15 đêm thì Hoàng hậu luôn “chắc suất” 1 đêm. Hoàng quý phi (1 người tại vị), Quý phi (2 người tại vị), Phi (4 người tại vị) sẽ tranh nhau giữ lấy 2 đêm. Còn lại 12 đêm khác (hoặc ít hơn) vào lúc trăng khuất mờ thì mới đến các tần, quý nhân đáp ứng… Số lượng những phi tần mỹ nữ này là không hạn định, có khi lên đến hàng trăm, hàng ngàn người nên việc được chọn thị tẩm thực sự là may mắn bởi có nhiều người, đến hết đời vẫn chưa được diện kiến.

Theo ghi chép lại, ở triều đại nhà Chu (1120-256 TCN), tì nữ cấp bậc thấp kém hơn sẽ được ưu tiên hầu hạ trước rồi mới đến các thái phi và hoàng hậu. 81 cung tần được bố trí thị tẩm cùng hoàng thượng trong 9 ngày liên tiếp, mỗi ngày lần lượt một nhóm 9 người được vào. Tiếp đến 9 ngự thiếp và 3 thái phi sẽ được hoàng thượng ân sủng theo nhóm trong một đêm, cuối cùng mới đến Hoàng hậu. Quy trình này sẽ kết thúc vào đêm trăng rằm của ngày thứ 15 trong tháng, sau đêm này tất cả sẽ được hoán đổi theo thứ tự ngược lại.

Không chỉ có phương Đông mà nhiều nền văn hóa khác cũng gắn Mặt trăng với chuyện sinh nở. Ví dụ như Diana trong thần thoại La Mã vừa là thần săn bắn, thần Mặt trăng vừa là vị thần của sự sinh sôi.

Liên quan đến lịch trình thị tẩm này, các nhà khoa học cũng đã đặt ra rất nhiều giả thuyết như: ánh sáng mặt trăng sẽ ảnh hưởng đến hormone melatonin - yếu tố quyết định chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ… Tuy nhiên, số lượng các nghiên cứu về vấn đề này không nhiều và việc áp dụng lịch tuần trăng tròn để chia thời gian thị tẩm của Hoàng đến xưa vẫn còn là bí ẩn.