Tỷ lệ sinh giảm mạnh tại Nhật Bản
Theo dự đoán, vào năm 2720, thay vì viễn cảnh khoa học viễn tưởng về xe bay, robot hay các chuyến du hành giữa các vì sao, một học giả tại Tokyo đã đưa ra nhận định đầy lo ngại về tương lai dân số Nhật Bản.
Giáo sư Hiroshi Yoshida, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Lão hóa thuộc Đại học Tohoku, cho biết nếu tình trạng suy giảm dân số tiếp diễn trong nhiều thế kỷ, đến năm 2720, Nhật Bản có thể chỉ còn lại duy nhất 1 đứa trẻ dưới 14 tuổi.
Ông Yoshida đã thực hiện các mô phỏng nhân khẩu học từ năm 2012 và kết quả mới nhất cho thấy, nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo xu hướng hiện tại, Nhật Bản có thể đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn trong vòng 695 năm tới, theo The Times.
Dữ liệu đáng lo ngại do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố đã khiến ông Yoshida phải điều chỉnh dự báo, rút ngắn thời gian thêm 100 năm. Sự điều chỉnh này xuất phát từ việc số liệu cho thấy tỷ lệ trẻ em giảm mạnh 2,3%.
Từ thập niên 1970 đến nay, số ca sinh ở Nhật Bản liên tục sụt giảm. Đặc biệt, vào năm 2005, số người tử vong đã vượt số người sinh ra, đánh dấu bước ngoặt đáng báo động.
Đến năm 2022, số ca tử vong cao hơn số ca sinh gần một triệu người, trong khi tỷ lệ dân số trên 65 tuổi chiếm 29,9% tổng dân số - tăng đáng kể so với mức 5,8% vào năm 1960.
Đề xuất chính sách làm việc mỗi tuần 4 ngày
Sự thay đổi nhân khẩu học này đang đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, như lực lượng lao động suy giảm và chi phí phúc lợi gia tăng để chăm lo cho dân số già. Trước tình hình đó, chính quyền Tokyo (Nhật Bản) đã đưa ra sáng kiến tuần làm việc 4 ngày như một giải pháp nhằm cải thiện tỷ lệ sinh, giúp người dân cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống, đồng thời khuyến khích việc xây dựng gia đình.
Sáng kiến này được đưa ra nhằm giải quyết tận gốc các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh thấp bằng cách thay đổi văn hóa làm việc và cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Việc áp dụng chính sách cho nhân viên thêm 1 ngày nghỉ mỗi tuần giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi, từ đó tạo điều kiện để họ dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, gia đình và các mối quan hệ cá nhân.
Đặc biệt, chính sách này khuyến khích các bậc cha mẹ tăng cường thời gian chất lượng bên con cái, chăm lo gia đình hoặc cân nhắc việc sinh thêm con. Ngoài ra, tuần làm việc 4 ngày cũng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới khi giúp phụ nữ cân bằng tốt hơn giữa sự nghiệp và trách nhiệm làm mẹ, đồng thời thúc đẩy việc chia sẻ công bằng trách nhiệm gia đình giữa các thành viên.
Chính quyền dự kiến áp dụng chính sách tuần làm việc 4 ngày cho công chức bắt đầu từ tháng 4 năm 2025. Chính sách này cho phép hơn 160.000 nhân viên, đặc biệt là các bậc cha mẹ có con nhỏ, được về sớm với mức giảm lương một phần. Sáng kiến được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để khối doanh nghiệp tư nhân áp dụng mô hình tương tự, góp phần thúc đẩy sự thay đổi văn hóa làm việc, tập trung vào việc nâng cao chất lượng đời sống gia đình.
Các thử nghiệm trên toàn cầu đã chứng minh hiệu quả tích cực của phương pháp này. Cụ thể, một thử nghiệm tại Nhật Bản vào năm 2022 cho thấy hơn 90% người tham gia cảm nhận rõ sự cải thiện về hạnh phúc và cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những nghiên cứu tương tự ở các quốc gia khác cũng ghi nhận việc giảm đáng kể căng thẳng, kiệt sức, mệt mỏi, đồng thời nâng cao năng suất làm việc.
Tuần làm việc 4 ngày mang lại nhiều lợi ích rộng hơn cho xã hội. Về kinh tế, mô hình này có thể giúp tăng năng suất vì khi nhân viên được nghỉ ngơi đầy đủ, họ thường làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn. Khi có nhiều thời gian rảnh, mọi người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động giải trí, từ đó thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Về mặt xã hội, chính sách này giúp củng cố mối quan hệ gia đình khi cha mẹ có thêm thời gian tham gia vào cuộc sống của con cái.
Đồng thời, việc phổ biến mô hình làm việc linh hoạt sẽ thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách khuyến khích sự chia sẻ công bằng hơn trong công việc nhà và trách nhiệm gia đình. Bên cạnh đó, giảm giờ làm việc cũng tạo điều kiện để người lao động tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng, tăng cường sự gắn kết xã hội và xây dựng một xã hội khỏe mạnh, cân bằng hơn.
Mặc dù có nhiều hứa hẹn, tuần làm việc 4 ngày vẫn đối mặt với không ít thách thức. Sự phản đối từ phía doanh nghiệp là trở ngại lớn, vì nhiều công ty lo ngại rằng việc giảm thời gian làm việc có thể dẫn đến giảm sản lượng và lợi nhuận. Chi phí thực hiện, bao gồm chi phí đầu tư vào đào tạo và tái cấu trúc hoạt động, cũng khiến nhiều tổ chức e ngại khi cân nhắc áp dụng chính sách này.
Chưa hết, một số lĩnh vực như y tế và sản xuất có thể gặp khó khăn trong việc giảm giờ làm nhưng vẫn phải duy trì chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, rào cản văn hóa, đặc biệt tại khu vực Đông Á - nơi làm việc nhiều giờ thường được coi là biểu hiện của sự tận tâm và thành công - cũng khiến việc chấp nhận chính sách này trở nên khó khăn hơn. Dù có thể coi là một biện pháp quyết liệt nhằm "cứu vãn" tỷ lệ sinh nhưng ý tưởng này dường như quá khó để thực hiện và mãi chỉ có thể là lý thuyết mà thôi.
Nguồn: Dailymail, Eurasiareview