Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, phượng vỹ là một trong 3 chủng loại cây chiếm tỷ trọng cao nhất về sự cố gãy, đổ. Liệu có nên loại bỏ loài cây này?
Vụ việc một cây phượng trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng (TP HCM) bất ngờ bật gốc đè lên gần 20 học sinh khiến nhiều em nhập viện, một gia đình đón nhận tin buồn khiến dư luận bàng hoàng và đặt nhiều dấu hỏi. Nhiều cơ quan ban ngành lại vào cuộc bàn về vấn đề cây xanh già cỗi ở những nơi đông người gây nguy hiểm.
Hiện trường vụ cây phượng đổ tại trường THCS Bạch Đằng. (Ảnh: Kenh14.vn)
Nhiều ý kiến cho rằng, phượng vĩ là loài cây dễ gãy, đổ, không nên trồng trong trường học. Phượng là loài cây có nguồn gốc từ châu Phi, độ cao trung bình có thể lên tới 10 - 15 m, phân nhánh nhiều, mọc nghiêng, tán lá tỏa rộng tạo ra bóng râm nên được trồng phổ biến trên thế giới. Có thể thấy tại Việt Nam, phượng được trồng tại nhiều thành phố lớn, nổi tiếng nhất là TP Hải Phòng.
Theo báo điện tử Tổ quốc, nhược điểm lớn nhất của phượng chính là tuổi thọ không cao, mỗi cây chỉ có thể sống trong khoảng 30 năm hoặc nếu có điều kiện phát triển thuận lợi thì cũng chỉ có tuổi thọ kéo dài không quá 50 năm. Khi già cỗi, phượng dễ bị sâu bệnh và nấm tấn công từ bên trong thân cây dẫn đến dần trở nên mục rỗng. Do đó, nếu không thay thế những cây già hoặc cây có dấu hiệu bị mục thì dễ tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn.
Một vụ phượng vĩ đổ trên phố. (Ảnh: Kenh14.vn)
Như vậy, việc quy kết không nên trồng loại cây gắn liền với tuổi học trò và các tác phẩm thơ văn trong trường học thì cũng có phần "oan uổng". Loài cây nào cũng có tuổi thọ nhất định, sống lâu thì gốc to là điều tất nhiên. Việc cây bị sâu bệnh thì ngay cả đối với những cây mới trồng cũng có thể xảy ra. Điều quan trọng là cây phải được quản lý, theo dõi chặt chẽ bởi nơi trồng cây đó.
Trao đổi với báo Tiền Phong mới đây, đại diện Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (thuộc Sở Xây dựng TP HCM) cho biết, nguyên nhân khách quan gây ra các sự cố gãy, đổ cây xanh là do tác động của biến đổi khí hậu bất thường, mưa to kèm giông lốc cục bộ. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa như việc xây dựng các cao ốc làm thay đổi hướng gió cũng gây nên hiệu ứng đường hầm làm cho cây xanh dễ ngã đổ, gãy cành, tét nhánh.
Vị trí cây phượng đổ ở trường THCS Bạch Đằng. (Ảnh: Tiền Phong)
Đánh giá một số chủng loại cây như phượng vỹ, sọ khỉ có rễ ăn ngang không còn phù hợp trong điều kiện đô thị hiện nay, vị đại diên này cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan do con người gây ra như quy hoạch hạ tầng chưa đồng bộ hay trong quá trình nâng cấp, cải tạo vỉa hè, hạ tầng... làm ảnh hưởng đến bộ rễ, hạn chế sự phát triển của cây xanh.
Chuyên gia cây xanh Nguyễn Trịnh Kiểm chia sẻ với Tiền Phong đề xuất, những cây xanh cổ thụ già cỗi không còn đảm bảo an toàn cần phải có kế hoạch bảo tồn hoặc đốn hạ thay thế bằng những cây xanh mới nhằm tránh xảy ra tai nạn.
Một cây cổ thụ đổ trên phố. (Ảnh: Tiền Phong)
Cũng theo báo Tiền Phong, liên quan đến vụ cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng bật gốc, sáng qua 26/5, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức chỉ đạo: “Về giải pháp, chúng ta cần có đánh giá, rà soát toàn bộ cây xanh trường học của thành phố. Về lâu dài cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ cây xanh ở từng trường học. Ngành giáo dục sẽ kiến nghị với chính quyền thành phố cần xây dựng chuẩn an toàn về cây xanh trong trường học”./.