Sự việc này đã diễn ra từ năm 2019. Song mới đây nó tiếp tục được chia sẻ trở lại bởi nhiều người vướng vào những vụ lừa đảo chuyển tiền có hình thức tương tự.
Cuộc gọi từ số điện thoại lạ
Chiều ngày 18/6/2019, người phụ nữ tên Song (58 tuổi, Ân Thi, Hồ Bắc, Trung Quốc) đến quầy giao dịch của ngân hàng địa phương. Tại đây, cô cho biết mong muốn rút khoản tiền tiết kiệm 1,3 triệu NDT (khoảng 4,5 tỷ đồng) chưa đến kỳ hạn và thực hiện chuyển khoản cho một người đàn ông.
Khương Hà, người đại diện ngân hàng đón tiếp vị khách này tỏ ra hoài nghi về giao dịch của người phụ nữ. Cô liên tiếp đặt ra câu hỏi với cô Song về việc tại sao lại rút tiền tiết kiệm trước kỳ hạn, người nhận tiền này là ai,… đồng thời đưa ra những mặt bất lợi về việc rút tiền tiết kiệm khi chưa đến kỳ hạn. Gạt đi tất cả, người phụ nữ này khăng khăng muốn rút tiền về để chuyển khoản như mong muốn.
Tuy nhiên, có một điểm bất thường của nữ khách hàng này khiến Khương Hà phải chú ý. Đó là việc cô Song liên tục nghe điện thoại với một tâm lý lo lắng. Khi được hỏi có chuyện gì xảy ra, người phụ nữ quanh co và nói rằng không sao.
May mắn thoát khỏi bẫy lừa đảo
Nghi ngờ khách hàng đang bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn, Khương Hà đã khéo léo trì hoãn các thủ tục giao dịch của cô Song đồng thời liên hệ với cảnh sát nhằm tìm sự hỗ trợ.
Chỉ khoảng 10 phút sau khi có người liên hệ, cảnh sát địa phương đã có mặt tại ngân hàng. Cho đến khi gặp cảnh sát, cô Song vẫn nhất quyết đòi rút khoản tiền tiết kiệm để chuyển tiền. Song bằng nghiệp vụ của mình, các viên cảnh sát đã thuyết phục được người phụ nữ chia sẻ về lý do chuyển tiền.
Cô Song cho biết vào sáng sớm cùng ngày nhận được cuộc điện thoại từ một đầu số lạ. Ban đầu, cô không có ý định nghe. Tuy nhiên, thấy điện thoại đổ chuông dồn dập, cô lại nhấc máy. Người ở đầu dây bên kia tự xưng mình là cảnh sát địa phương. Đối tượng thông báo cô có liên quan đến đường dây buôn bán chất cấm và rửa tiền, yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng để chứng minh không liên quan.
Lúc tiếp nhận thông tin này, cô Song vô cùng lo lắng. Do không thành thạo các thao tác chuyển khoản online, người phụ nữ xin lại số tài khoản để ra ngân hàng giao dịch. Nghe thấy vậy, đối tượng đã cẩn thận nhắc nạn nhân không được tiết lộ việc chuyển tiền này cho ai bởi ảnh hưởng đến công tác điều tra. Làm đúng theo những gì được yêu cầu, khi Khương Hà hỏi về lý do rút tiền và chuyển khoản, cô tuyệt nhiên không nói nửa lời.
Nghe đến đấy, cảnh sát địa phương khẳng định 100% cô Song đã bị đối tượng kia giả danh cảnh sát để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Bởi theo viên cảnh sát, khi làm việc với người dân, cơ quan cảnh sát sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập, không có chuyện làm việc qua điện thoại hay cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cũng như chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng như này.
Sau khi nghe những giải thích cặn kẽ của cảnh sát, người phụ nữ này hiểu ra rằng suýt chút nữa đã mất đi số tiền tích góp bấy lâu do sự thiếu hiểu biết của bản thân.
Sau khi vụ việc được giải quyết, cảnh sát và lãnh đạo ngân hàng đã khen thưởng Khương Hạ vì sự nhạy bén, giúp khách hàng không rơi vào bẫy lừa đảo.
Viên cảnh sát trực tiếp xử lý vụ việc này cho biết hình thức mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn của đối tượng này không mới song vẫn có nhiều người gặp phải.
Thông qua vụ việc này, cảnh sát khuyến cáo người dân cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn gọi điện giả danh cơ quan chức năng nhằm tránh bẫy lừa đảo của đối tượng xấu.
Người dân không nên vội vàng làm theo yêu cầu, hướng dẫn khi rơi vào trường hợp này. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cảnh sát gần nhất.
Theo Toutiao