Tiệc tất niên cuối năm là một trong những bữa tiệc quan trọng ở nhiều công ty. Rất nhiều hoạt động sẽ diễn ra trong bữa tiệc này như: Tổng kết thành quả của công ty, khen thưởng cá nhân và tập thể làm việc hiệu quả, tổ chức trò chơi, ăn uống, giao lưu giữa các thành viên… Mục đích chính của tiệc cuối năm là tạo không gian vui chơi, tăng sự gắn kết nội bộ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng mặn mà với hoạt động này. Thậm chí với nhiều người, tiệc cuối năm còn là “nỗi ám ảnh”.
“Lạc lõng giữa chốn đông người”
Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến một bộ phận dân văn phòng ghét tiệc cuối năm. Dù làm việc chung trong một không gian nhưng không phải ai cũng có mối quan hệ rộng rãi hay thân thiết với các đồng nghiệp, bởi vậy, xuất hiện giữa chốn đông người trong bữa tiệc cuối năm khiến họ lạc lõng, áp lực.
Hồng Ngọc (27 tuổi, nhân viên văn phòng) thừa nhận bản thân là người hướng nội nên rất sợ các hoạt động tập thể của công ty, từ du lịch nghỉ dưỡng, team building mùa hè cho đến tiệc cuối năm. Làm việc tại đây được 3 năm, cô nàng chỉ đi tiệc tất niên đúng một lần và trải nghiệm chẳng mấy tốt đẹp.
“Mình không quen giao tiếp xã giao nên chỉ có 1, 2 đồng nghiệp thân thiết mà hôm đó họ lại “né” tiệc công ty. Thế là giữa biết bao gương mặt lạ lẫm, tim mình đập loạn lên vì hoang mang. Mấy bữa tiệc cuối năm này đi chung với nhóm bạn thân thiết thì được, chứ đi với những người gặp nhau không bao giờ chào hỏi thì thôi mình xin “kiếu”. Mình đúng kiểu “team hướng nội”, không thích các thể loại hội họp tập thể”, Thu Hà chia sẻ.
Không phải ai cũng hào hứng với bữa tiệc tất niên cuối năm (ảnh minh hoạ)
Hương Giang (30 tuổi) làm việc tại một công ty có số lượng người lớn, nhiều phòng ban. Dù đã làm ở đây 5 năm nhưng có những người cô không hề quen biết, cũng chưa từng chào hỏi. Chưa kể, ở công ty của cô, mỗi người có một nhiệm vụ riêng, ít khi hoạt động nhóm nên càng khó trở nên thân thiết. Cô chỉ có vài ba người đồng nghiệp thân quen.
Vì lý do đó, cộng thêm bản thân là người ngại giao tiếp nên Hương Giang luôn tìm cách “né” những bữa tiệc cuối năm.
“Mấy chuyện xã giao là nỗi ám ảnh với mình. Nếu không thân thiết, mình không thể nói chuyện hay cười nói giả lả được. Chưa kể, cuối năm công việc bận rộn, deadline dí đến cổ, tối đi tất niên khuya mới về, sáng hôm sau vẫn phải đi làm khiến mình kiệt sức. Vậy nên là thôi… mình cứ tìm lý do hợp lý để trốn mấy bữa tiệc chung kiểu này”, Hương Giang nói.
Ngọc Long (27 tuổi) cũng không thích tiệc cuối năm công ty vì… không biết nhậu. Làm việc trong môi trường nhiều nam giới, cuối năm đầy rẫy những “kèo” tất niên như: tất niên nhóm, tất niên phòng, tất niên công ty… nhưng Ngọc Long chẳng mấy mặn mà. Anh không muốn ép bản thân phải uống bia rượu vì lời kích bác của người khác nên rất sợ các bữa tiệc công ty.
“Đồng nghiệp của mình không chỉ chúc tụng trong mâm mà còn đem rượu sang mâm khác kính sếp hoặc mời mọi người… Mình thì rất ngại làm mấy việc đó. Ép mình uống rượu không được, một vài người quay sang mỉa mai: “Chú khinh bọn anh không thèm uống à?”, “Không uống thì thôi, khỏi giải thích dài dòng, sang mâm đàn bà mà ngồi”… Hoặc có người sắp rót rượu vào ly mình thì dừng lại bảo: “À thằng K. à? K. không biết uống, rót chỉ phí rượu. Thôi sang mâm chị em cho rộng”. Mình rất tự ái nhưng không thể thể hiện ra mặt, chỉ cười trừ cho qua”, Ngọc Long chia sẻ.
Ngọc Long vẫn tham gia tiệc cuối năm của công ty nhưng với cảm xúc gắng gượng. Bởi vậy, anh luôn thấp thỏm lo lắng mỗi khi mọi người bàn đến tiệc tất niên.
Không thích đi tất niên vì đồng nghiệp “hãm”
Các mối quan hệ trong công ty không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đôi khi, ghét một đồng nghiệp nào đó cũng là nguyên nhân khiến dân văn phòng từ chối tiệc tất niên cuối năm.
Phương Thảo (30 tuổi) chia sẻ: “Mình vốn ghét đi tiệc cuối năm vì không thích nói chuyện xã giao nhưng mọi năm vẫn phải đi do công ty ngầm bắt buộc. Riêng năm nay, mình xác định “né” ngay từ đầu vì mâu thuẫn với sếp. Hằng ngày đi làm thì bị đì đọt, làm khó, đến tiệc cuối năm lại phải cười nói chụp hình chung, lại còn nghe mấy đứa khác nịnh bợ sếp… Mình không làm được”.
Nhắc đến tiệc cuối năm Thành Đạt (24 tuổi) cũng không hào hứng. Đạt chia sẻ, các thành viên trong phòng anh luôn có một “cuộc chiến ngầm” trong công việc, ganh đua và kèn cựa nhau nhưng mỗi dịp gặp mặt lại tỏ ra thân thiết. Anh không thích sự “giả trân” đó nên thường né tránh bữa tiệc này.
“Tiệc cuối năm công ty tôi nhân viên chính thức không phải đóng tiền nhưng tôi cũng không thích đi vì đồng nghiệp “hãm”. Vui vẻ gì đâu mà đi. Nhân viên xuất sắc thì dựa vào khả năng nịnh sếp, sếp thích cho ai người đó được. Đi ăn tiệc mà phải ngồi với người mình không thích thì nuốt cũng không trôi”, Thành Đạt chia sẻ.
Không mặn mà với tiệc cuối năm, một bộ phận dân văn phòng tìm đủ cách thức và lý do để né tránh. Thậm chí, họ sẵn sàng bị dị nghị hoặc khiển trách, chỉ cần không phải tham gia bữa tiệc này.