Thế hệ N-Po
Giới trẻ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 20-39, hay còn gọi là thế hệ N-Po (Po là viết tắt của “pogi” có nghĩa là bỏ rơi), đang phải vật lộn với những thách thức kinh tế và áp lực xã hội. Họ đi tìm niềm an ủi và cơ hội nơi thị trường tiền số bùng nổ và những hứa hẹn về công nghệ Web3.
Những rắc rối của thế hệ này nảy sinh từ năm 1997, khi Hàn Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng. Đồng won Hàn Quốc khi đó mất giá và cần đến sự cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Việc tái cơ cấu sau đó đã thu hút đầu tư ngước ngoài gia tăng, dẫn đến việc các tổ chức nước ngoài mua lại những công ty cơ sở hạ tầng quan trọng như Kumho Industrial. Sự phụ thuộc vào vốn nước ngoài khiến nền kinh tế trở nên mong manh. Các công ty ưu tiên lợi nhuận doanh nghiệp hơn lợi ích quốc gia, gây thêm áp lực lạm phát.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ thất nghiệp của người từ 15 - 29 tuổi ở Hàn Quốc từ năm 2000 đến năm 2023.
Giá nhà đất tăng cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Seoul. Giá bất động sản tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp tăng khiến giới trẻ Hàn Quốc vỡ mộng. Theo The Korea Time, giá nhà đất buộc 1,74 triệu người rời Seoul từ năm 2014 đến nay. Một số người nói rằng hy vọng duy nhất của họ nằm ở thị trường tiền số và chứng khoán quốc tế.
Thị trường Web3 – hệ thống internet phi tập trung - của Hàn Quốc đang có sự tăng trưởng vượt bậc, với hơn 200.000 người dùng đang hoạt động. Cơn sốt tiền số thậm chí còn làm nảy sinh cả Chỉ số Kim chi (Kimchi Premium), ám chỉ mức giá tiền số tại Hàn Quốc cao hơn so với bình quân thế giới. Mức chênh lệch thậm chí từ 5-10%.
Trong một xã hội bị ảnh hưởng bởi lạm phát và chi phí nhà ở tăng cao, việc chỉ có một mức thu nhập cố định rất khó để đáp ứng được những nhu cầu cơ bản. Vì thế, người trẻ Hàn Quốc đầu tư vào những tài sản rủi ro cao, tìm kiếm cơ hội đổi đời nhanh chóng.
Thua lỗ vì đầu tư rủi ro
Dữ liệu mới cho thấy nợ của giới trẻ Hàn Quốc đang gia tăng và khoản đầu tư tiền số khiến nhiều người bị phá sản.
Theo nhật báo Hankyoreh, đầu tháng 4, Tòa án Phục hồi Seoul đã công bố báo cáo liên quan đến nợ của năm tài chính 2023.
Ở Hàn Quốc, hệ thống phục hồi cho phép những cá nhân không có khả năng trả nợ tránh phá sản, với điều kiện họ phải tuân thủ kế hoạch trả nợ do toà án chỉ định. Nếu không, toà án sẽ tiến hành xử lý các thủ tục phá sản.
Các tác giả của báo cáo lưu ý rằng số đơn đăng ký “phục hồi cá nhân” đã tăng 31% trong năm tài chính 2023. Hoạt động “đầu tư tiền số” và “mua bán trên thị trường chứng khoán” đang làm gia tăng số lượng người trong độ tuổi 20-29 nộp đơn.
Tòa án Phá sản Seoul biên soạn báo cáo phá sản và phục hồi cá nhân hàng năm. Báo cáo năm nay cho thấy 19.379 cá nhân nộp đơn xin phục hồi hoặc phá sản, tăng so với 14.826 người trong năm tài chính 2022.
Tòa án Phá sản Seoul lưu ý rằng đơn xin phục hồi cá nhân của những người ở độ tuổi 20 đã “tăng đều đặn” trong vài năm qua.
Trong nửa đầu năm 2021, 10,3% người nộp đơn xin phục hồi ở độ tuổi 20-29. Con số đó tăng lên 11% vào nửa cuối năm 2021, sau đó lên 13,8% vào nửa đầu năm 2022. Nửa cuối năm 2022, con số này tăng lên 16,6%, sau đó đạt mức 16,8% vào nửa đầu năm 2023 và đạt 17% vào nửa cuối năm 2023.
Theo phân tích của toà án, sự gia tăng đó là kết quả của việc mở rộng các hoạt động kinh tế cho những người độ tuổi 20, bao gồm cả tiền số và chứng khoán.
Toà án nhận thấy rằng ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến tiền số. Trong một nhận xét tương tự được đưa ra vào tháng 10/2023, toà án cho biết: “Sự gia tăng (vỡ nợ) trong giới trẻ dường như bị ảnh hưởng bởi sự phát triển trong các hoạt động kinh tế như tiền số và đầu tư vào thị trường chứng khoán”.
Đầu năm nay, Thẩm phán Lee Seok-jun của Tòa án Phá sản Seoul đã xuất bản một bài báo kêu gọi cần có thêm quy định về tiền điện tử. Thẩm phán Lee tuyên bố rằng các nhà đầu tư tiền số cần được bảo vệ nhiều hơn.
Nguồn: Tổng hợp